Lý Xương Căn: cuộc trở về trọn vẹn sau 800 năm

28/06/2010 10:46 GMT+7 | Người Hà Nội

   “Lý Xương Căn đây – anh nói - tôi gọi điện báo anh biết tôi đã được nhập quốc tịch Việt Nam rồi. Tôi gọi cho anh để mời họp báo về cuốn sách về Lý Long Tường và đọc quyết định của Chủ tịch nước về việc nhập quốc tịch Việt Nam cho tôi…”

Vâng, đó không chỉ là một tin vui đến với ông Lý Xương Căn -  hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ – sau 800 năm hoàng tử Lý Long Tường rời đất nước sang đất Cao Ly-  mà còn là tin vui của tất cả chúng ta trước Đại lễ Nghìn năm Thăng Long. Buổi lễ diễn ra vào chiều 28/6 tại Hà Nội.

 Gần 800 năm trước tại  kinh đô Thăng Long có một cuộc chia tay lặng lẽ. Để bảo toàn dòng tộc, một hoàng tử nhà Lý đã phải đành giã từ Tổ quốc Đại Việt yêu dấu để vượt biển ra đi tìm nơi tỵ nạn. Và nơi cập bến hạm đội của hoàng tử là đất nước Cao Ly xa lạ. Chính trên đất nước xa xôi này Lý Long Tường đã phát huy dòng máu anh hùng từng giúp vua Cao Ly đánh bại đội quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh bậc nhất thời ấy. Trải gần 800 năm lưu lạc trên đất khách, nhưng những người con họ Lý khôn nguôi nhớ thương cố quốc…

            Gần 800 năm sau, sau quãng dài mấy thế kỷ tha hương lưu lạc, những hậu duệ của Lý Long Tường đã tìm lại tổ quốc và cùng nhau trở về xây dựng quê hương. Trong số ấy người đầu tiên hoàn thành thủ tục trở về là Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 vua Lý Thái Tổ…

Lý Xương Căn đã bật khóc khi kể với tôi về nỗi niềm hoài hương của bao thế hệ Lý tộc lưu vong và bởi nỗi mừng hoàn thành thủ tục “quy cố quốc” khi được Chủ tịch nước Việt Nam quyết định công nhận mình là công dân nước Việt…

 * Ra đi và lập nên những chiến công hiển hách

Cuộc đổi ngôi từ Lý triều sang Trần triều thế kỷ XIII dù là ngẫu nhiên lịch sử hay sự sắp đặt lịch sử, cũng đã được  nói đến nhiều. Nhưng một tất yếu là dòng tộc suy vong sẽ phải chọn con đường bảo toàn và tồn tại. Đó là con đường nào? Có thể phải chạy trốn, phải cải họ để mai danh ẩn tích? Không thiếu những dòng tộc từng vẻ vang mấy thủa đã vì thế mà muôn sau hậu duệ xa rời truyền thống quý tộc danh gia…

Theo Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học VN, đem đối chiếu tư liệu ở Hàn Quốc với tư liệu Việt Nam có thể xác định Lý Long Tường là hoàng tử con vua Lý Anh Tông, em vua Lý Cao Tông và là chú vua Lý Huệ Tông…

Lý Long Tường khi vừa trưởng thành gặp lúc triều Lý đang buổi suy vong, hoàng triều có quá nhiều biến cố dẫn đến sự sụp đổ của nhà Lý (1009 – 1225). Để tránh thảm họa có thể đến với dòng tộc, Lý Long Tường đã cùng một số tôn thất chọn cuộc ra đi chấp nhận lưu vong. Họ tổ chức một cuộc vượt biển quyết ra đi mà không biết bao giờ trở lại.

Hạm đội của vị hoàng tử trẻ tuồi đi về phía động và lênh đênh trên biển chịu bao nhiêu bão tố cuồng phong để khi cập bến cảng Cao Ly với quân số chỉ còn một nửa.  Cũng dạo đó vua nước Cao Ly nằm mộng thấy có con chim lớn bay đến đất này. Không ngờ đó là vị hoàng tử nước Đại Việt đến từ phương Nam. Lý Long Tường được đón nhận như một sứ giả. Họ Lý được vua Cao Ly cấp cho đất đai cứ trú làm ăn. Ông cùng con cháu nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống tại vương quốc Cao Ly, được nhân dân trong vùng mến trọng bởi dù vong quốc vẫn giữ được quốc phong lễ giáo… Gặp lúc đế chế Mông Cổ đem quân tiến đánh Cao Ly, Lý Long Tường dù vong quốc nhưng vẫn mang trong mình dòng máu hào kiệt đã tổ chức lập ra lực lượng kháng chiến cùng quân dân phủ thành và nhân dân địa phương chiến đấu dũng cảm mưu trí, khiến địch phải bỏ chạy.

 Văn bia chép: Đời An Hiếu vương nước Cao Ly năm Quý Sửu 1253 đại quân Mông Cổ tiến đánh quốc đô, đánh tiếp sang Ủng Tân phía tây gây tình thế nguy cấp. Vì nghĩa khí và chí anh hùng sắn có trong máu người quân tử Lý Long Tường đem quân  giao chiến với quân Mông. Năm tháng trường kỳ kháng chiến, quân Mông Cổ thua hàng rút chạy. Nhà vua khen ngợi sai đổi Trấn Sơn Thành thành Hoa Sơn, phong cho Lý Long Tường làm tướng quân Bạch Mã, lại sai dựng Thụ Hàng môn để ghi nhớ công đức Hoàng thúc Lý Long Tường”.

 * Được viết thành tiểu thuyết ở Hàn Quốc

 Có thể nói Lý Long Tường có một cuộc đời nhiều bi kịch nhưng vẻ vang lẫm liệt, người đã trở thành anh hùng cả khi ở xứ lạ. Đó là một cuộc đời sóng gió và oanh liệt của một vị hoàng tử nước Việt.

Dù có thể có tình tiết chưa được thẩm định, nhưng cuốn tiểu thuyết lịch sử Hoàng thúc Lý Long Tường của Khương Vũ Hạc xuất bản ở Hàn Quốc cách nay hơn bốn mươi năm đã cho thấy vị hoàng tử Đại Việt ấy thật là một đấng anh hào, một người tài hoa, hào hoa nhất bậc. Người rất được mọị người quý mến nể trọng bởi nhân cách, bởi tâm hồn trí tuệ trác việt.

Cũng theo cuốn sách trên, Lý Long Tường còn là một người đàn ông đào hoa. Hình ảnh ông bao giờ cũng rất đẹp đẽ trong mắt những giai nhân quốc sắc, dù ở Đại Việt hay khi đã sang Cao Ly… Hai mối tình với tiểu thư mạt vận Ngô Anh Cơ và cô tiểu thư đài các đất Cao Ly Trịnh Anh Cơ  đã cho thấy cuộc đời vị Hoàng tử ấy thật đẹp và thật bi hùng…

 Gần tám trăm năm từ ngày Lý Long Tường và bầu đoàn phiêu bạt, điều đáng quý là từ vị Tổ Long Tường đến các thế hệ con cháu Lý tộc hôm nay không bao giờ nguôi nỗi nhớ cố quốc. Tại Hoa Sơn có ngọn núi  Quảng Đại Sơn trên có một nền đá phẳng, tương truyền xưa Lý Long Tường và các thế hệ Lý tộc lên đó ngóng về Nam tưởng nhớ quê nhà. Núi ấy được mang tên Vọng Quốc đàn…

 * Và cuộc trở về trọn vẹn

 800 năm là cả một cuộc lưu lạc quá dài so với một dòng tộc. Con đường trở về thật xa xăm cả về không gian và thời gian. Nhưng dòng máu Việt vẫn không thôi chảy trong mỗi người con Lý tộc đất Hoa Sơn.

Tôi nhớ năm 1995 một hậu duệ của Lý Long Tường là Lý Xương Căn trong lần diện kiến Tổng Bí thư Đỗ Mười đã tặng vị lãnh đạo Việt Nam bức trướng có đôi câu đối bằng tiếng Hàn: Thân dẫu ở xa muôn vạn dặm/ Hồn lưu Tổ quốc xứ Việt Nam. Lý Xương Căn đã mở đầu một cuộc trở về của Lý tộc bằng chuyến thăm Việt Nam, lên Đình Bảng lễ đền Lý Bát đế. Người con Việt ở xứ Hàn lại cúi đầu trước anh linh tiên tổ mà nguyện trở về với Tổ quốc góp phần xây dựng quê hương. Cuộc trở về của Lý Xương Căn đến hôm nay mới thực trọn vẹn.

 Chuyện Lý Xương Căn nửa đêm gọi điện thoại cho tôi báo tin anh được nhập quốc tịch Việt Nam có lẽ anh quá vui.  Vậy là lần đầu tiên một hậu duệ Lý tộc sau gần 800 năm lưu lạc đã chính thức trở về làm công dân Việt. Căn đã chọn thời điểm mừng Thăng Long – Hà Nội nghìn năm để “nhập hộ khẩu” cũng là một việc làm ý nghĩa. Anh đã làm một cuộc đoàn viên sau bao nhiêu dâu bể của cả một dòng tộc. Vậy là mừng cho Lý Xương Căn. Đất nước thanh bình đi lên no ấm phồn vinh. “Đất lành chim đậu” . Những người con Lý tộc Hoa Sơn đang trở về góp sức dựng xây đất nước cùng trăm ngàn người Việt khắp nơi đương hướng về quê hương.

 * Bén rễ Hà Nội

Thực ra từ lâu rồi Lý Xương Căn đã nung nấu câu chuyện lại làm công dân Việt. Dạo năm 2004 anh khoe cậu út của anh đặt tên là Lý Việt Quốc để kỷ niệm ngày sinh cháu tại Việt Nam. Dạo ấy nhà anh thuê chung cư ở Nam Thành Công, ở đó có ba thế hệ gồm bố anh là ông Lý Khánh Huân, vợ chồng anh và ba đứa con anh. Cô chị rất xinh gái, rất giống diễn viên Hàn Quốc năm nào giờ thấy anh khoe đang du học Y khoa bên Mỹ. Cậu thứ hai đang học đại học ở Hà Nội còn Lý Việt Quốc đang học lớp 6 ở Hà Nội. Quốc tuy bé nhưng giỏi tiếng Việt nhất nhà, bởi cậu sinh ra ở Việt Nam, được học tiếng Việt từ nhỏ.

  Lý Xương Căn khoe “Nhà tôi đã chuyển về khu Đô thị Trung Hòa Nhân Chính rồi, còn công ty Việt Lý thì vẫn ở gần Hồ Tây…”

 Chợt nhớ hom ở Bắc Ninh tôi có hỏi về câu ca: “Bao giờ rừng Báng hết cây/ Sào khê hết nước Lý nay lại về” có từ bao giờ, một cán bộ bảo tàng tỉnh cho biết đó là câu ca cổ. Anh còn cho biết rừng Báng cạnh làng Đình Bảng đã mất từ lâu. Sông Sào Khê cũng đã cạn dòng chỉ còn vài vũng nước mang dấu vết sông xưa…Không biết là do vật đổi sao dời hay câu ca linh ứng mà hôm nay Lý tộc lại về cố hương. Vâng họ đã về góp sức xây dựng đất nước sau bao nhiêu lưu lạc ngần ấy thời gian…

 Chiều nay Lý Xương Căn chợt tranh thủ đến ngôi với Lưu Trần Huân người biên tập cuốn tiểu thuyết về Hoàng tử Lý Long Tường. Anh đến để cảm ơn NXB Chính trị Quốc gia đã ấn hành cuốn sách vào dịp chuẩn bị kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long. Lúc nói đến cái quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước, tôi thấy mắt anh ngấn lệ. Hình như anh vui quá muốn khóc. Lệ ấy là lệ mừng ngày “về cố quốc” trọn vẹn của anh đấy Căn ạ!…

Một cuộc chia ly xưa và cuộc đoàn viên nay khác nhau thế, mà sao câu chuyện bỗng dưng làm ta xúc động. Có lẽ cái tình người Việt luôn sẵn trong mỗi con người cùng chung Tổ quốc chăng?!

 Việt Nhân

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm