Ông Huỳnh Anh Tuấn: Khó nhất hiện nay là kịch bản

10/05/2012 17:04 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Từ 19/5, chương trình Ngày xửa ngày xưa (NXNX) 24 Chúa tể muôn loài (tác giả: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn) sẽ mở đầu cho loạt hoạt động kỷ niệm 15 năm kịch IDECAF ra đời.

“Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn đã chia sẻ với TT&VH những trăn trở về “cái nghiệp” mình đã đeo bám suốt bao năm qua: làm sân khấu thiếu nhi.


Ông Huỳnh Anh Tuấn

* Với những gì đã làm được cho thiếu nhi bao năm qua: gây dựng nhà hát múa rối Nụ cười (1983), sân khấu kịch thiếu nhi IDECAF, phối hợp thực hiện chương trình Nhà hát Bệnh viện (2009), Nhà hát Khoa học (2010)... anh có còn điều gì trăn trở nữa không?

- Vẫn là vấn đề chung: sự quan tâm của các ban ngành quản lý. Sân khấu thiếu nhi nói riêng, hoạt động nghệ thuật, văn hóa dành cho thiếu nhi nói chung vẫn thiếu sự đầu tư. Nếu có cũng chỉ dành cho trung tâm như Hà Nội, còn các tỉnh và cả TP.HCM vẫn bị thờ ơ. Mà Đáng lẽ nhà nước phải quan tâm hơn nữa đến những người làm chương trình thiếu nhi, phải nuôi dưỡng các hoạt động dành cho thiếu nhi ở tỉnh, hỗ trợ, động viên cho những đơn vị xã hội hóa chứ đâu thể để họ “tự bơi” mãi được.

* Còn riêng IDECAF thì sao, những kế hoạch với thiếu nhi của anh có vẻ vẫn đang dài ra?

- Nếu không có gì thay đổi một nhà hát kịch nói chuyên nghiệp đầu tiên của miền Trung sẽ ra đời ở Đà Nẵng trong tháng 6 hoặc tháng 7. Kịch thiếu nhi sẽ đi trước. Nguồn kịch bản và cảnh trí, trang phục đã có sẵn ở đây sẽ được đưa ra đó dàn dựng và do chính lực lượng diễn viên được đào tạo tại địa phương biểu diễn.

Còn Rối Nụ cười cũng đã có mặt ở Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết, Bình Dương, Kiên Giang, Cần Thơ… và sẽ mở rộng thêm trong thời gian tới.

* Làm chương trình cho thiếu nhi trong bối cảnh hiện nay, theo anh có những khó khăn gì?

- Cái khó nhất hiện nay là kịch bản. Chúng tôi không lo về diễn viên, nhưng kịch bản lại là một vấn đề ngày càng đau đầu vì nguồn kịch bản hay từ các câu chuyện cổ nổi tiếng thế giới đều đã khai thác hết cả rồi. Ngày nay, với nhiều loại hình giải trí hiện đại thì việc có một câu chuyện đủ sức kéo các em tới rạp lại là không dễ. Một vấn đề “muôn năm” nữa là trang thiết bị kỹ thuật. Với điều kiện các rạp hát hiện nay thì những kỹ thuật bay nhảy, biến hóa bay bổng, lên rừng xuống bể, đầy màu sắc thần tiên hấp dẫn thiếu nhi là “nhiệm vụ bất khả thi”…

* Và các anh cũng đã có cách ứng biến?

- Bù lại thì diễn viên phải linh động hơn nữa, phải có cái hoạt kê khác để thu hút các em. Nói chung, chính người diễn viên với sự duyên dáng, năng động, khả năng khuấy đảo sàn diễn sẽ là yếu tố quyết định giúp che bớt những khiếm khuyết về mặt kỹ thuật tạm thời vẫn chưa thể khắc phục được.

* Cám ơn những chia sẻ của anh!

 Ngọc Tuyết (thực hiện)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm