Ông “Dã Tràng” đã thôi “xe cát”

31/05/2010 10:43 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - “Ôi, ông Công mất rồi sao? Tôi biết ông nằm bệnh viện chứ không nghĩ ông ấy mất”, NSƯT Thu An thảng thốt khi nghe tôi báo tin buồn. Hai người từng diễn chung trong bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam Chung một dòng sông (1959). Lúc ấy, Huy Công 32 tuổi, vào vai chiến sĩ công an tên Quảng. Bà An hơn ông một tuổi, vào vai cô Can.

Về già mới đẹp


 Bức ảnh chân dung do NSƯT
 Huy Công trao cho TT&VH năm 2000

Hỏi về Huy Công, bà An chỉ nói, “ông là người dễ chịu và sống biết điều”. Ngoài tình đồng nghiệp bởi nhiều năm gắn bó với Hãng Phim truyện VN, hai ông bà còn giữ tình bạn khá thân thiết sau khi nghỉ hưu. Nhà Thu An ở đường Bưởi, Huy Công ở Chùa Hà, không cách nhau bao xa. Khi con cái dựng vợ gả chồng, họ đều mời nhau. Những lần gặp sau này, bà An kể, “ông cứ ngồi tựa lưng vào tường, tai điếc, còn nói gì nữa”.


Năm 2000, khi thực hiện loạt bài viết về các “bô lão” làng văn nghệ cho số báo Xuân của TT&VH, khá khó khăn tôi mới lần ra số điện thoại và tìm được đến nhà ông. Ngày ấy, Huy Công là diễn viên điện ảnh cao niên, ở lĩnh vực sân khấu là NSND Đào Mộng Long... Cả hai ông đều tai ngễnh ngãng, vất vả lắm họ mới nghe câu được, câu mất. Có khi hỏi chuyện A, các ông nói sang chuyện B. Nhưng đã nói thì nói từng tràng dài tưởng như không dứt được... Tôi còn nhớ như in căn phòng nhỏ của ông với những đồ đạc lỉnh kỉnh, cả bộ tai nghe dây rợ lằng nhằng mà ông vứt lăn lóc ở giường, khi nói chuyện với ai thì gắn vào tai, nhưng cũng không nghe rõ lắm. Năm đó ông chưa bị bệnh, nhưng sắc vóc đã xộc xệch nhiều.

Không còn vẻ đẹp tuổi già mà ông có dịp phô bày khi vào vai ông lão đánh cá Dã Tràng trong bộ phim thiếu nhi Dã tràng xe cát biển Đông (1995) - vai diễn thành công ở tuổi 68 khiến không ít người xúc động. Ông lão làng chài có tấm lòng nhân hậu sống bên người vợ gian tham qua sự thể hiện của ông đã góp phần tô đậm câu chuyện cổ tích về sự tích Dã Tràng trong ký ức của một thế hệ người xem yêu điện ảnh... Sau vai diễn này, ông được nhiều người yêu mến gọi là “ông Dã Tràng”.

Khi lần giở cho tôi xem những bức ảnh gia đình, một Huy Công với mái tóc dài và chòm râu bạc trắng cùng với cặp kính trắng, áo gi-lê toát lên vẻ đẹp của một nghệ sĩ điện ảnh thực thụ. Dáng vóc cao lớn, vẻ gân guốc của tuổi già càng tôn nét đẹp nơi ông. Có những người về già mới đẹp, gọi là đẹp lão. Có lẽ vì vậy, ông được mời tham gia diễn xuất trong một số clip quảng cáo. Nhờ những bức ảnh để tôi gợi chuyện với ông, còn thì ông đã quên khá nhiều... Ông có nhiều ảnh chụp lúc đi chơi cùng con cháu. Và ông rất yêu trẻ con...

Vào vai diễn như đi giữa cuộc đời

Nghệ sĩ Huy Công được chữa chạy tại Bệnh viện Hữu Nghị trong gần hai năm nay bởi bệnh suy kiệt tim, gan, phổi. “Ông Dã Tràng” trút hơi thở cuối cùng vào chiều 27/5, hưởng thọ 84 tuổi. Lễ viếng vào lúc 7h hôm nay, 31/5, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Hà Nội) và lễ an táng cùng ngày tại nghĩa trang thị trấn Kép, Bắc Giang - quê hương ông.

Đạo diễn Hà Sơn nhớ lại khi làm phim Truyền thuyết tình yêu thần nước (1991), nghe nói phim dành cho thiếu nhi, Huy Công mừng ra mặt, dù phải chui vào lốt rùa chật ních và suốt cả ngày quay phải nằm yên một chỗ thực sự trở thành cực hình cả với diễn viên trẻ, trong khi năm đó ông 64 tuổi. Trường quay ẩm thấp, có lúc phải nằm bất động nên ông bị muỗi “tấn công”. Biết vậy nên đạo diễn Hà Sơn đề nghị xoa dầu để xua muỗi nhưng ông khua tay: “Khi diễn xuất thì đừng nghĩ đến hoàn cảnh”. “Ông luôn chỉ nghĩ đến vai diễn của mình và sẵn sàng hy sinh cho nó”, đạo diễn Hà Sơn trầm ngâm chia sẻ.


Là một trong ít những nam nghệ sĩ hai lần đoạt giải Diễn viên nam xuất sắc của LH Phim Việt Nam (lần thứ hai - 1973 và lần thứ tư - 1977), nhưng Huy Công không hề được đào tạo về diễn xuất. Trước khi trở thành diễn viên, ông theo nghề của bố - công nhân ngành đường sắt. Vai bác Thuận tuần đường lầm lũi và mẫn cán trong phim Ga (1970, đạo diễn Trần Đắc) được ông thể hiện tinh tế và truyền cảm có lẽ xuất phát từ chính cuộc đời ông. Vai anh bộ đội Cừ trong bộ phim Đứa con nuôi (1976, đạo diễn Nguyễn Khánh Dư) được coi là bước ngoặt trong sự nghiệp diễn xuất của ông khi thể hiện người đàn ông hiền lành và chất phác nhưng phải sống trong tình cảnh buồn bực và dằn vặt vì đứa con nuôi... Hai vai diễn này đưa ông vào hàng những diễn viên tài danh của điện ảnh VN. Ông còn nhiều vai diễn lấy được nước mắt của khán giả: ông Bộc trong Trạng, ông lão lái đò trong Học trò thủy thần...

“Nét đặc biệt của Huy Công là ông bước vào vai diễn như đi giữa cuộc đời. Không lên gân, không cường điệu mà chỉ có sự giản dị, thoải mái, tự nhiên trong từng vai diễn. Cái chất của người diễn viên này là một chất gỗ quý, chỉ để mộc đã đủ bền đẹp chứ không cần một nước sơn hay sự tô vẽ nào”, nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan đã viết về ông trong cuốn sách Diễn viên điện ảnh Việt Nam của Viện Nghệ thuật và Lưu trữ điện ảnh.

Hải Đông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm