19/07/2021 22:15 GMT+7 | Thế giới Sao
(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ còn vài ngày nữa, Olympic Tokyo 2020 sẽ khai mạc. Và trong khi thế giới đều chờ đợi sự kiện này diễn ra sau 1 năm bị hoãn, những câu chuyện bên lề Thế vận hội cũng có rất nhiều điều để nói.
Xem trực tiếp Olympic Tokyo 2021 ở đâu?
Theo nguồn tin của Báo thể thao & Văn hóa, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã đạt được thỏa thuận mua bản quyền phát sóng trực tiếp Olympic 2021. Nhiều khả năng, kênh VTV6 và VTV3 sẽ trực tiếp các sự kiện của Olympic, bao gồm cả môn bóng đá.
Lễ khai mạc, bế mạc Olympic Tokyo
Thế vận hội mùa hè Olympic Tokyo 2020 sẽ được khai mạc vào ngày 23/7/2021 và tổ chức lễ bế mạc vào ngày 8/8/2021 tại sân vận động quốc gia mới của Nhật Bản tại Shinjuku, Tokyo (sức chứa 68 nghìn chỗ ngồi).
Kì Olympic nóng nhất
Bình thường thì các VĐV luôn tập luyện trong điều kiện tương tự như những gì họ sẽ phải đối mặt ở Nhật Bản, nhưng chúng ta đều biết rằng đôi khi mẹ thiên nhiên không phải lúc nào cũng chơi đẹp. Nói vậy bởi nếu nhìn lại các kì Olympic từ năm 1984 ở Los Angeles, nhiệt độ cao trung bình của Tokyo là cao nhất, lên tới xấp xỉ 30 độ và cũng là ẩm ướt nhất trong hai tuần diễn ra. Ngoài ra, Tokyo cũng bị đe dọa bởi các cơn bão, có thể mang mưa xối xả, gió lớn và lũ quét. Mùa bão kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 nhưng thường đạt đỉnh vào tháng 8 và tháng 9.
Đối với VĐV điền kinh Mỹ, Gail Devers, cái nóng dường như không phải là vấn đề vì càng nóng, thời tiết càng giúp cơ của họ nóng lên nhanh hơn. Thế nhưng, với các VĐV khác, như VĐV chạy đường dài, cái nóng có thể gây nguy hiểm, nếu không muốn nói là chết người. Thực tế thì sự kết hợp giữa cái nóng này với độ ẩm rất cao đã dẫn đến một số đợt nắng nóng mùa hè chết người trên khắp Nhật Bản trong những năm gần đây. Những điều kiện này có thể gây căng thẳng cực độ cho các VĐV ở các địa điểm thi đấu ngoài trời trong thời gian diễn ra Thế vận hội.
Đáng ra, nếu Olympic diễn ra vào năm ngoái như kế hoạch, thời tiết có lẽ sẽ dễ chịu hơn khi mùa mưa kéo dài sang tháng Bảy, giúp xua đi cái nóng. Tuy vậy thì nếu không phải vì đại dịch Covid-19 trầm trọng thì dù mưa hay nắng, Olympic vẫn phải diễn ra sau 1 năm đã bị hoãn.
Số VĐV cộng đồng LGBTQ kỉ lục
Thống kê cho thấy có ít nhất 142 VĐV công khai thuộc cộng đồng LGBTQ đại diện cho 25 quốc gia sẽ tham dự Thế vận hội, bắt đầu một tuần kể từ hôm nay. Ở đây, LGBTQ là đồng tính nữ (Lesbian), đồng tính nam (Gay), song tính (Bisexual), chuyển giới (Transgender) và khác biệt (Queer). Con số 142 VĐV nói trên thậm chí nhiều hơn của các kì Olympic cộng lại, dẫn đầu là Mỹ với 34 người, Canada có 16, vương quốc Anh có 15 và Hà Lan có 13…
Do hôn nhân đồng giới chỉ được công nhận ở 29 quốc gia nhưng khi con số này tăng theo từng năm, các VĐV thuộc LGBTQ cũng tăng theo. Để so sánh, Olympic 2012 tại London có 23 VĐV thuộc LGBTQ khi có 11 nước công nhận hôn nhân đồng giới, năm 2016 tại Rio de Janeiro là 56 VĐV khi số quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới là 22.
Nổi tiếng nhất trong các VĐV thuộc LGBTQ là bộ đôi quyền lực, Sue Bird ở đội tuyển bóng rổ Mỹ và Megan Rapinoe của đội tuyển bóng đá Mỹ. Đứng sau có bộ đôi người Hà Lan là Edward Gal và Hans Peter ở môn cưỡi ngựa…
Chống sex ở Olympic
Sex ở Làng Olympic là câu chuyện của mọi kì Olympic. Thế nhưng, do đại dịch Covid-19, để bảo đảm một Olympic an toàn thì giãn cách xã hội, không tiếp xúc là yêu cầu hàng đầu. Vì vậy, một ý tưởng đặc biệt được đưa ra bên cạnh việc phát bao cao su miễn phí cho các VĐV để họ sử dụng chúng tại những nước của mình là “những chiếc giường chống sex” tại Làng Olympic. Đặc điểm nổi bật của những chiếc giường này là chúng được làm bằng bìa cứng nhằm tránh hai người nằm chung. Chính xác thì giường chỉ có thể chịu lực cho một người, nếu quá giường sẽ sụp!
Vì thế, tất cả đều tự hỏi, nếu không có sex, các VĐV liệu có thể giữ sức cho việc thi đấu hay sẽ làm giảm sự hưng phấn và khiến thành tích của họ đi xuống?
Mạnh Hào
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất