Kết thúc môn quyền Anh nữ: Cột mốc mới về bình đẳng giới

11/08/2012 13:45 GMT+7 | Các môn thể thao khác

(TT&VH) - Đánh bại hạt giống số một Ren Cancan (Trung Quốc) với tỷ số thuyết phục 16-7, Nicola Adams đã trở thành nhà vô địch quyền Anh nữ đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội. Đây rõ ràng là một cột mốc mới về bình đẳng giới trong môn thể thao vốn chỉ được xem là dành cho phái mạnh này.

Lần đầu tiên, Nicola Adam biết tới đôi găng đấm bốc là năm 12 tuổi khi cô được mẹ đưa tới phòng thể dục ở Leeds. Đó hoàn toàn không phải một định hướng nghề nghiệp mà chỉ đơn giản là mẹ cô, bà Denver theo học một lớp aerobic ở trung tâm ấy, nhưng chẳng biết gửi con cho ai nên mang theo. Ngày ấy, Hội đồng quyền Anh của Anh cấm tiệt các trận đấu quyền Anh nữ. Adams thắng trận quyền Anh đầu tiên (được tổ chức giấu giếm) năm 13 tuổi, và phải đến 4 năm sau, cô mới tìm được đối thủ thứ hai.

Đó là những bước đầu tiên trong hành trình đến với quyền Anh của Nicola Adam, ở một đất nước bị xem là bảo thủ bậc nhất thế giới, nơi người ta quan niệm rõ ràng rằng phái đẹp thì không thể bị đấm vào mặt, dù là cuộc so tài giữa những cô gái với nhau. Và dĩ nhiên, chẳng hề có một CLB quyền Anh nào cho nữ cả. Năm 1997, nhà vô địch quyền Anh thế giới hạng nặng Lennox Lewis thậm chí còn gọi một trận quền Anh nữ là điều điên rồ. Năm 2009, khi IOC quyết định đưa quyền Anh nữ vào chương trình thi đấu của Olympic London, cựu vô địch thế giới Amir Khan là một trong những người phản đối dữ dội nhất khi ca thán rằng “Tội nghiệp các cô gái, sẽ rất đau đấy”. Sự kỳ thị thực tế chưa bao giờ chấm dứt đối với các nữ võ sĩ. Hồi tháng Ba, Liên đoàn quyền Anh nghiệp dư thế giới (AIBA) thậm chí còn đề xuất các tay đấm nữ phải mặc váy, để phân biệt với những đồng nghiệp nam.



Nicola Adams, nhà vô địch Olympic quyền Anh nữ đầu tiên trong lịch sử - Ảnh: Getty

Rạng sáng qua (giờ Việt Nam), Khan chính là một trong những CĐV cuồng nhiệt nhất của Nicola Adams. Và anh đã dành cho người đồng hương những lời tán dương đặc biệt sau trận chung kết. Với những cú thoi đầy uy lực, Adams đã khiến Ren Cancan, tay đấm từng ba lần vô địch thế giới thường xuyên phải rơi vào thế chống đỡ trong suốt 4 hiệp đấu, đặc biệt là hiệp thứ 3, với tỷ số áp đảo 5-1. Nên nhớ chỉ cách đây 3 tháng, chính Ren đã hạ gục Adams 14-10 để đăng quang ở giải vô địch quyền Anh nữ thế giới, tổ chức tại Tân Hoàng Đảo (Bắc Kinh, Trung Quốc).

Chiến thắng của Adams còn đáng khen hơn nhiều nếu biết rằng cách đây ba năm, cô từng dính một chấn thương rất nặng khi bước hụt cầu thang và bị rạn đốt sống lưng. “Đó chính là thời điểm IOC cho phép quyền Anh nữ góp mặt ở TVH, và tôi đã hết sức lo lắng”, Adams hồi tưởng. Dạo đó, cô đã trải qua một năm trời ngồi chơi xơi nước để chờ bình phục chấn thương.

Hướng tới Rio 2016

“Năm tôi 20 tuổi, HLV đã nói rằng ông sẽ biến tôi thành một nhà vô địch thế giới. Tôi vẫn chưa thực hiện được mục tiêu ấy khi ba lần về nhì, nhưng tấm HCV này sẽ là một cú hích lớn với tôi”, Adams nói như vậy khi nhắc đến người thầy của mình. Alwyn Belcher, một ông già 77 tuổi, nhưng vẫn còn đầy nhiệt huyết với môn quyền Anh và là một điểm tựa thực sự của cô học trò.

Gia đình Adams vốn chẳng dư dả gì và ít người biết rằng để có thể tiếp tục đam mê với nghiệp đấm bốc, cô đã phải làm rất nhiều công việc để kiếm thêm. Từ việc đóng vai quần chúng trong các show truyền hình thực tế Coronation Street, EastEnders cho đến làm... thợ xây để kiếm tiền. Phải đến sau khi IOC quyết định đưa quyền Anh nữ vào nội dung thi đấu ở Thế vận hội, nước chủ nhà mới thực sự quan tâm đến đời sống cũng như việc tập luyện và thi đấu của các nữ võ sĩ, và số tiền 1 triệu bảng dành cho Adams cùng hai đồng nghiệp Natasha Jonas và Savannah Marshall là một minh chứng. Cũng phải đến thời điểm đó, Adams mới thực sự được ăn tập một cách quy củ, kỹ càng tại học viện thể thao Sheffield. Với tấm HCV vừa rồi, cô cũng bỏ túi 27.737 bảng tiền thưởng, và một chiếc xe hơi mới cứng.

Tin vui khác cho Adams và các nữ võ sĩ; ngay trước trận chung kết hạng ruồi, chủ tịch AIBA Ching-Kuo Wu đã tiết lộ rằng số hạng cân của quyền Anh nữ tại TVH Rio 2016 sẽ được tăng lên gấp đôi, từ 3 lên 6 hạng cân. Có vẻ như sau một thời gian dài chịu đựng những thành kiến, quyền Anh nữ đã tìm được chỗ đứng của mình trong môn thể thao vốn được xem là độc tôn của phái mạnh này.

Quyền Anh nữ tại Olympic 2012

Hạng ruồi (51kg)

HCV: Nicola Adam (Vương quốc Anh)

HCB: Ren Cancan (Trung Quốc)

HCĐ: Marlen Esparza (Mỹ), Mary Kom (Ấn Độ)

Hạng nhẹ (60 kg)

HCV: Katie Taylor (Ireland)

HCB: Sofya Ochigava (Nga)

HCĐ: Mavzuna Chorieva (Tajikistan), Adriana Araujo (Brazil)

Hạng trung (75kg)

HCV: Claressa Shields (Mỹ)

HCB: Nadezda Torpolova (Nga)

HCĐ: Marina Volnona (Kazakhstan), Li Jinzi (Trung Quốc)     


Chủ tịch IOC Jacques Rogge: Cảm ơn các nữ võ sĩ

Phát biểu về màn ra mắt ấn tượng của quyền Anh nữ trong lần đầu góp mặt ở TVH, chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tỏ ý rất hài lòng và khẳng định rằng đó sẽ là một cú hích thực sự đối với những nữ VĐV ở nhiều môn thể thao khác.

"Tôi rất hạnh phúc", Rogge cho biết "Đã có rất nhiều chỉ trích khi chúng tôi đưa quyền Anh nữ vào nội dung thi đấu của TVH, nhưng sau những gì đã diễn ra, có thể thấy rằng đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn, và Olympic London mới là sự khởi đầu". Phó chủ tịch IOC El Moutawwakel, cựu vô địch 400m vượt rào nữ tại Los Angeles 1984 cũng đánh giá rất cao những trận quyền Anh nữ ở kỳ TVH này "Đó là những màn trình diễn đầy kỹ thuật và tuyệt vời". Công không nhỏ cho sự hiện diện của quyền Anh nữ là những màn lobby của Chủ tịch Liên đoàn quyền Anh nghiệp dư (AIBA), tiến sĩ Ching-Kuo Wu.

Tháng 9 tới, Jacques Rogge sẽ nghỉ hưu sau 12 năm đứng trên cương vị chủ tịch IOC, và kỳ TVH này là một thành công lớn của ông trong những nỗ lực mang lại sự bình đẳng giới. Chính Rogge, người cũng rất mạnh tay trong cuộc chiến chống doping và dàn xếp tỷ số, đã từng dọa trừng phạt Saudi Arabia, Qatar và Brunei, nếu như họ ngăn cản các VĐV nữ tham dự Olympic. Và cuối cùng, các quốc gia đạo Hồi này đã phải nhượng bộ.


P.C

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm