Thủ phạm vụ thảm sát Mỹ Lai hối lỗi

23/08/2009 10:31 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 22/8, báo chí phương Tây cho biết William L. Calley, kẻ được coi là thủ phạm gây nên vụ thảm sát Mỹ Lai kinh hoàng, cướp đi mạng sống của hàng trăm người Việt vô tội, cuối cùng đã lên tiếng xin lỗi sau hơn 40 năm im lặng.

Lời xin lỗi muộn màng


William L. Calley xuất hiện tại CLB
Kiwanis hôm 19/8 vừa qua 
Với giọng nói khẽ khàng, đôi khi có vẻ nặng nhọc, William L. Calley, sĩ quan Mỹ duy nhất bị khởi tố trong vụ giết hại thường dân Việt Nam ở Mỹ Lai hồi năm 1968, đã lần đầu lên tiếng xin lỗi các nạn nhân của ông ta. “Không có một ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy hối tiếc về những gì đã xảy ra tại Mỹ Lai” - Calley, 66 tuổi, nói trước các thành viên của CLB Kiwanis ở vùng Greater Columbus, bang Ohio - “Tôi thấy thương xót những người Việt Nam bị giết hại và gia đình họ, thương xót những lính Mỹ liên quan và cả gia đình. Tôi rất xin lỗi”.


Calley là một sĩ quan lục quân trẻ khi ông ta bị đưa ra tòa án binh gần Fort Benning, Ohio, vào năm 1971 vì tội giết hại 22 thường dân trong vụ thảm sát hơn 500 người Việt tại Mỹ Lai. Dù bị kết án chung thân, thực tế Calley chỉ chịu quản thúc tại gia trong 3 năm trước khi được xóa án và trả tự do.

Sau đó, Calley sống ở Columbus và làm việc tại một cửa hiệu kim hoàn do bố vợ sở hữu trước khi chuyển tới Atlanta cách đây vài năm. Ông ta xa lánh công chúng và thường từ chối đề nghị được phỏng vấn của các phóng viên về vụ Mỹ Lai. Tuy nhiên Calley đã phá vỡ sự im lặng hôm 19/8 vừa qua khi nhận lời mời của bạn thân tới dự một cuộc họp mặt tại CLB Kiwanis. Những lời nói của Calley sau đó đã xuất hiện trên tờ báo địa phương Columbus Ledger- Enquirer.

Calley đã đưa ra lời xin lỗi trước khoảng 50 thành viên Kiwanis. Cả Al Fleming, người là bạn thân với Calley trong khoảng 25 năm, và Lennie Pease, Chủ tịch Kiwanis, đều xác nhận với hãng tin AP rằng lời xin lỗi của Calley đã được đưa ra vào đầu buổi gặp mặt, trước khi ông ta trả lời các câu hỏi trong nửa tiếng. Không hề có sức ép nào buộc ông ta phải lên tiếng xin lỗi.

Vụ thảm sát kinh hoàng

William L. Calley nhập ngũ vào ngày 26/7/1966. Sau một đợt huấn luyện cơ bản ở Fort Benning, bang Georgia, ông ta nộp đơn và được chấp nhận vào Trường tuyển sĩ quan hồi năm 1967 rồi tốt nghiệp với quân hàm thiếu úy. Calley được điều về Đại đội Charlie, Tiểu đoàn số 1, Trung đoàn bộ binh 20, Lữ đoàn bộ binh 11, và trải qua chương trình huấn luyện tại doanh trại Schofield ở Hawaii trước khi đến miền Nam Việt Nam vào tháng 12/1967.


Một trong những bức ảnh cho thấy sự tàn bạo
của lính Mỹ trong vụ thảm sát Mỹ Lai

Sáng ngày 16/3/1968, sau một đợt bắn dọn đường của phi pháo, Đại đội Charlie đổ bộ vào làng Sơn Mỹ. Các binh sĩ của đơn vị này không tìm thấy bất cứ người lính Việt Cộng nào trong làng, thay vào đó chỉ có những thường dân, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đang cố gắng tìm chỗ ẩn nấp trước cuộc càn quét của quân Mỹ. Đại đội của Calley bắt đầu xả súng bừa bãi vào “các vị trí nghi của quân địch”. Hành động này đã khiến nhiều thường dân bị thương và thiệt mạng, đồng thời mở màn cho cuộc tàn sát. Hãng tin BBC về sau mô tả lại: “Binh lính nổi điên, bắn hạ tất cả đàn ông, đàn bà, trẻ em và cả những đứa bé còn ẵm ngửa, không mang vũ khí. Các gia đình tìm chỗ trốn trong hầm cũng không thoát. Những người chui ra khỏi hầm, tay giơ lên đầu cũng bị giết chết... Đây đó trong làng, hàng loạt các cuộc tàn sát diễn ra. Phụ nữ bị cưỡng hiếp tập thể, có những người quỳ lạy lính Mỹ đã bị đấm, bị đánh bằng báng súng, đâm bằng lưỡi lê. Một số nạn nhân bị khắc chữ “Đại đội C” lên ngực. Vào buổi chiều cùng ngày, một số ý kiến được đưa lên cấp cao và lệnh ngừng bắn được ban ra nhưng Mỹ Lai đã tan hoang. Thi thể người chết nằm la liệt khắp làng”.

Phản ứng của người trong cuộc

Sau vụ thảm sát Mỹ Lai, trong mấy chục năm trời, Calley đã không tỏ ra hối hận dù có thừa nhận hành động giết người. Vì vậy lời xin lỗi mới đây của ông ta đã khiến không ít người ngạc nhiên. William George Eckhardt, công tố viên trưởng trong vụ xét xử Calley, nói rằng ông hoàn toàn không biết về lời xin lỗi của Calley và cũng chưa từng nghe nhân vật này làm việc đó trước đây. “Thật khó chấp nhận nếu chỉ đưa ra lời xin lỗi sau khi đã giết hại bao nhiêu con người” - ông Eckhardt, hiện là một giáo sư luật ở Đại học Missouri-Kansas, nói - “Nhưng ít nhất ông ta cũng đã thừa nhận trách nhiệm”.

“Đó là vấn đề của quá khứ và chúng tôi chấp nhận lời xin lỗi của ông ta dù rằng nó tới quá muộn” - ông Phạm Thành Công, Giám đốc Khu chứng tích Sơn Mỹ nói qua điện thoại trong cuộc phỏng vấn của hãng tin AFP - “Tuy nhiên tôi mong ông ấy gửi những lời xin lỗi tới cho tôi, dù là thư tay hay thư điện tử”. Ông Công, người mất cả mẹ và các anh em trong vụ thảm sát, cũng bày tỏ mong muốn Calley sẽ trở lại Mỹ Lai và chứng kiến những thay đổi ở nơi đây. Theo ông Công, có thể đã tới lúc Calley “cảm thấy hối tiếc cho những tội ác và sai lầm mà ông ta gây ra cách đây hơn 40 năm”.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm