Odetta không kịp hát mừng ông Obama nhậm chức

05/12/2008 13:25 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Mùa hè 2008 vừa rồi, ở tuổi 77, Odetta còn bắt dầu thực hiện một chuyến lưu diễn ở Bắc Mỹ và cách đây khoảng 5 tuần, bà còn hát trước hàng nghìn người ở Toronto (Canada). Theo kế hoạch, bà sẽ là nữ ca sĩ hát trong lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống Obama vào ngày 20/1/2009 tới. Nhưng Odetta đã không thực hiện được điều đó: Bà vừa qua đời hôm 2/12 ở New York.

Là một trong những người hát dân ca nổi tiếng nhất nước Mỹ, Odetta chính là người đã góp phần làm hồi sinh các dòng nhạc dân gian Mỹ hồi thập kỷ 1950 và 1960, qua đó có ảnh hưởng lớn tới cả một thế hệ nghệ sĩ Mỹ, trong đó có Bob Dylan, Joan Baez hay Janis Joplin. Martin Luther King gọi Odetta là “Nữ hoàng nhạc dân gian Mỹ”. Nữ nghệ sĩ này cũng đã thể hiện những khúc ca mạnh mẽ nhất trong phong trào đấu tranh đòi chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ, vì thế bà còn được mệnh danh là “Giọng hát của phong trào dân quyền”.

Odetta Holmes sinh ngày 31/12/1930 trong thời đại suy thoái ở nước Mỹ. Âm nhạc và khung cảnh thời điểm đó – đặc biệt là các ca khúc trong tù và những bài hát của người lao động cất lên trên những cánh đồng vùng Deep South – đã định hình nên cuộc sống của bà. “Đó là những ca khúc giải phóng”, Odetta nói.

Cha mất sớm, năm lên 7 tuổi, Odetta và mẹ - bà Flora Sanders - chuyển tới sinh sống ở Los Angeles. Lớn lên, Odetta theo học nhạc cổ điển và sân khấu tại đại học Los Angeles. Tuy nhiên những điều bà học được ở trường “lại chẳng ứng dụng gì được trong đời tôi”, Odetta cho biết. Cô gái da màu này thích nhạc blues, jazz và các dòng nhạc dân gian mang truyền thống Mỹ-Phi và Mỹ-Anh. “Trường học dạy tôi cách đếm và cách viết câu, nhưng qua âm nhạc dân gian tôi mới hiểu được tâm hồn con người” - bà cho biết.

Năm 1950, Odetta bước vào cuộc đời ca sĩ chuyên nghiệp và bắt đầu nổi tiếng với những cuộc trình diễn khắp nước Mỹ ở các quán cà phê hay hộp đêm. Những album ra mắt của bà hồi cuối thập kỷ 1950 và đầu 1960 thuộc số những album dân ca ăn khách nhất nước Mỹ thời bấy giờ. Odetta đạt tới đỉnh cao sự nghiệp vào năm 1963 khi bà diễu hành cùng mục sư Martin Luther King Jr. và trình diễn phục vụ Tổng thống John F.Kennedy.

Sau khi Luther King bị ám sát vào năm 1968, các phong trào dân quyền yếu dần đi và các ca khúc phản kháng từng là “nhạc nền” của trào lưu này dân dần ít được hát. Vì thế tên tuổi của Odetta có phần nào ít được nhắc tới nhiều.

Nhưng suốt nhiều năm qua nữ ca sĩ kiêm diễn viên và nhạc sĩ này vẫn thường xuyên tích cực hoạt động nghệ thuật. Năm 2007, Hội liên hiệp Dân gian quốc tế còn trao tặng bà danh hiệu “Nghệ sĩ dân gian truyền thống của năm”. Cũng năm ngoái, album Gonna Let It Shine của bà được đề cử trao giải Grammy. Trong số rất nhiều danh hiệu và giải thưởng Odetta nhận trong đời mình, đáng chú ý có Huân chương Nghệ thuật và Nhân văn Quốc gia do Tổng thống Bill Clinton trao tặng năm 1999 hay danh hiệu “Huyền thoại sống” do Thư viện Quốc hội tôn vinh năm 2003.
 
Top ten của tạp chí Billboard
Top Albums
 
1. 808s & Heartbreak (Kanye West)
2. Fearless (Taylor Swift)
3. Chinese Democracy (Guns N’ Roses)
4. I Am ... Sasha Fierce (Beyonce)
5. Theater Of The Mind (Ludacris)
6. Day & Age (The Killers)
7. Dark Horse (Nickelback)
8. Twilight (nhạc phim, nhiều nghệ sĩ)
9. Now That’s What I Call Music! Vol.29 (nhiều nghệ sĩ)
10. David Cook (David Cook)
Như nhiều nhân vật còn sống khác từ thời phong trào dân quyền ở Mỹ hồi những năm 1960, Odetta vô cùng xúc động trước việc Barack Obama trở thành vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Khi hấp hối ở New York, gần giường nằm của Odetta vẫn treo một tấm áp phích hình Obama. Nhập viện vào hôm 1/12 do suy tim, nhưng bà vẫn mong muốn mình sống chỉ vì một lý do đơn giản: Bà muốn được hát trong lễ nhậm chức Tổng thống của ông Obama. Doug Yeager - nhà quản lý của Odetta - viết trên trang web dành cho người hâm mộ ngay trước khi bà qua đời: “Odetta tin bà vẫn có thể hát vào ngày Obama tuyên thệ nhậm chức và tôi nghĩ đó chính là lý do để bà vẫn còn sống”.
 
Đáng tiếc là điều đó đã không trở thành sự thực. Trái tim của “Nữ hoàng nhạc dân gian Mỹ” đã ngừng đập hôm 2/12/2008.
 
Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm