10/06/2012 07:07 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH Cuối tuần) - Nói đơn giản, “ô nhiễm ánh sáng” là hiện tượng có quá nhiều nguồn ánh sáng nhân tạo phát tán trên diện rộng và làm nguy hại đến môi trường bình thường của ban đêm. Và thực tế thì lâu nay người ta chỉ nghĩ đến ô nhiễm rác thải hay nước bẩn còn thì ô nhiễm ánh sáng là chuyện xa vời. Nhưng chính vì xa vời như thế nên ít ai biết vì sao nhịp độ của cơ thể cứ bị thất thường, uể oải liên tục, thiếu tập trung, suy nhược cơ thể và dễ cáu gắt là do đâu…
Bản đồ ô nhiễm ánh sáng trên trái đất được chụp từ vũ trụ
Ban đêm trái đất “sáng rực”!
Tại đài quan sát thiên văn trên đỉnh Pic du Midi (Pháp) ở độ cao 2.877 mét so với mực nước biển, các nhà thiên văn không chỉ quan sát và nghiên cứu các vì sao mà còn gánh thêm trách nhiệm mới là “xăm soi” ánh đèn thành phố để tìm cách đối phó. Một chuyên gia của đài này nói: “Vào ban đêm, tại đây chúng tôi nhìn thấy rất rõ ở phía xa kia những vầng sáng từ Toulouse và Barcelona”. Năm 2001, nhà thiên văn người Ý Cinzano đã tái tạo chi tiết bản đồ trái đất nhìn vào ban đêm, trong đó 20% diện tích bề mặt địa cầu, nhất là tại Bắc bán cầu, đã bị ảnh hưởng từ nguồn ô nhiễm ánh sáng và diện tích này đã lan rộng ra thêm 5% mỗi năm tại châu Âu.
Đài quan sát thiên văn Mont- Megantic vào ban đêm với hai bức hình trước và sau hiện tượng ô nhiễm ánh sáng. |
- Một bóng đèn cao áp trong không gian thẫm tối có thể được trông thấy rất rõ từ khoảng cách vài chục km.
- Tại các thành phố lớn, ánh sáng của hàng ngàn bóng đèn được thắp lên đồng loạt vào ban đêm sẽ được cảm nhận từ vài ngàn, thậm chí vài chục ngàn km. - Theo quan sát của Woodruff Sullivan thuộc Đại học Washington (Mỹ)- người đã thực hiện tấm bản đồ trái đất đầu tiên vào ban đêm từ các ảnh vệ tinh- thì người Mỹ sử dụng điện cao gấp 75 lần so với người Ấn Độ; 30 lần so với người Nhật và gấp 2 lần người Trung Quốc. |
Để chống lại nguy cơ nhãn tiền là môi trường sống bình thường của sinh vật trên hành tinh vào ban đêm bị xáo trộn, bị hủy hoại dần, giới thiên văn đã có dự tính lấy đỉnh núi Midi làm biểu tượng tuyên truyền và thành lập “Khu bảo tồn quốc tế để cứu bầu trời đêm”.
Làm gì để “thắp sáng lại dải Ngân hà”?
Các biện pháp mới và táo bạo để hạn chế việc tiêu thụ điện năng dành cho thắp sáng công cộng tại các khu nội thị và các khu cơ sở hạ tầng không trực tiếp sản xuất đã được một ủy ban chuyên môn của 27 nước thành viên của Cộng đồng châu Âu thông qua. Các quy định cụ thể sắp tới đây sẽ được Nghị viện châu Âu xem xét. Theo đó, việc tiêu thụ điện năng trong khu vực không trực tiếp sản xuất và chiếu sáng công cộng sẽ phải được giảm xuống theo một lịch trình 2 giai đoạn (1 năm và 3 năm trong trường hợp bình thường), cộng với việc áp dụng các công nghệ chiếu sáng hiện đại hơn.
Thành phố Los Angeles (California, Hoa Kỳ) sáng lòa vào ban đêm (ảnh chụp năm 2002) |
Năm 2005, tính tổng cộng trên toàn châu Âu có 1,6 tỷ điểm chiếu sáng với mức tiêu hao điện năng hàng năm là 200 TWh, và sắp tới đây, lộ trình cắt giảm điện này dự tính sẽ giảm khoảng 38 TWh cho đến năm 2020, cũng như giảm hàm lượng thủy ngân trong các bóng đèn cao áp. Bộ trưởng môi trường của Pháp Jean- Louis Borloo đã tuyên bố: “Chúng ta phải đẩy nhanh thời kỳ quá độ về năng lượng, phải áp dụng ngay các biện pháp hạn chế tiêu thụ điện năng và giảm thải các chất khí gây hiệu ứng nhà kính”.
Nếu tất cả các biện pháp tỏ ra hiệu quả, thì mỗi một người dân sống tại thành thị, vốn từ vài chục năm nay đã không thể “ngắm sao đêm”, không thể mơ về những nền văn minh xa xưa hay suy ngẫm về những giai thoại thi vị từ chiếc áo nhung của màn đêm đang lấp lánh những dãy kim tuyến, hy vọng trong một tương lai không xa, sẽ tìm lại được cho mình những điều đã mất khi màn đêm buông xuống.
Tại Mont- Mégantic (Québec, Canada), các vì sao đêm đã chiếu sáng trở lại như cách đây 30 năm. |
Tường Nguyễn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất