Ở Barca, tiền đạo là nghề nguy hiểm

05/07/2017 06:20 GMT+7 | Barcelona

(Thethaovanhoa.vn) - Gerard Deulofeu vừa trở lại Barca sau 4 năm chia xa. Một sự trở lại không hứa hẹn nhiều, chỉ thể hiện rõ hơn một điều, tiền đạo là nghề nguy hiểm ở Barca.

Khi mà tam tấu Lionel Messi - Luis Suarez - Neymar vẫn còn đó, các tiền đạo không có tương lai ở Camp Nou.

Sự áp đảo của MSN

Mùa giải 2016-17, dù Barca không thành công về mặt danh hiệu (chỉ có Cúp nhà Vua), bộ ba MSN vẫn có khoảng thời gian bùng nổ. Messi - Suarez - Neymar đã ghi tổng cộng 111 bàn và 51 pha kiến tạo. Trước đó, trong mùa giải 2015-16, MSN lập kỷ lục với 131 bàn và 65 tình huống kiến tạo quyết định. Mùa 2014-15, khi lần đầu tiên đá cạnh nhau, những chàng trai Nam Mỹ giúp Barca giành cú “ăn ba”, trực tiếp mang về 112 bàn và có 55 pha kiến tạo.

MSN đã ghi bàn hết phần người khác. Với những ngôi sao ấy trong tay, Luis Enrique không sử dụng tiền đạo nào khác. Thực tế, không chỉ Luis Enrique - người vừa ra đi sau khi hết hợp đồng 3 năm, mà gần như tất cả các HLV chuyên nghiệp cũng sẽ làm như thế. Messi - Luis Suarez - Neymar là những cầu thủ có khả năng tạo đột biến cao, khả năng hoạt động độc lập, nên mặc nhiên đá chính. Chưa kể, danh tiếng là một sự đảm bảo khác cho họ một chỗ trong đội hình xuất phát.

Bóng đá hiện đại đòi hỏi sự cân bằng cao, nên Barca không thể đá nhiều hơn 3 tiền đạo. Chính vì thế, với việc MSN luôn được đá chính, các tiền đạo khác chỉ như những cascadeur đúng nghĩa. Cascadeur là nghề đóng thế nguy hiểm. Bất kỳ tiền đạo nào chấp nhận làm đồng đội của MSN trong phòng thay đồ ở Camp Nou cũng đều mạo hiểm với nghề nghiệp của mình.

Kể từ khi MSN hình thành, Pedro Rodriguez là tiền đạo duy nhất được thi đấu thường xuyên. Cụ thể là mùa 2014-15, khi Pedro tham dự 50 trận, với 22 lần đá chính và ghi 11 bàn. Nhưng cơ hội đến với Pedro là nhờ Suarez bị treo giò 4 tháng (có 2 tháng đầu mùa, 2 tháng thuộc mùa Hè). Khi Suarez thực hiện xong án treo giò từ FIFA, Pedro bị đẩy lên ghế dự bị nên anh quyết định “đào tẩu” sang Chelsea, hiện đang tỏa sáng cho đến nay.

Sau khi Pedro ra đi, Barca sử dụng Sandro Ramirez và Munir để đóng thế cho MSN. Munir có màn ra mắt ấn tượng từ mùa 2014-15, khi còn Pedro, để rồi được HLV Del Bosque gọi vào ĐTQG Tây Ban Nha. Không còn ai ở Barca quan tâm đến Munir lúc này. Sự nghiệp của tiền đạo sinh ở Madrid có nguy cơ lụi tàn, nên anh vừa phải chọn ĐTQG Morocco. Sandro may mắn hơn Munir, vừa gia nhập Everton sau mùa giải xuất sắc với Malaga. Nhưng Sandro cũng chỉ đá hay sau khi bị Barca vứt bỏ.

Barca B lên hạng, rồi sao nữa?

Barca B lên hạng, rồi sao nữa?

Ở Camp Nou, cũng như truyền thông Catalunya, đang rất háo hức với sự kiện Barca B chiến thắng trước Racing Santander để thăng hạng Segunda (hạng Nhì ở Tây Ban Nha). Nhưng phía sau đó không hoàn toàn là điều tích cực.

Tương lai không chắc chắn

Pedro, Sandro và Munir lần lượt ra đi (có thể kể thêm cả Adama Traore chết chìm từ khi đến Aston Villa, mùa Hè 2015), Barca bỏ qua chính sách “cây nhà lá vườn” để mua cascadeur mới. Luciano Vietto khước từ họ, rồi đến Kevin Gameiro cũng làm điều đó. Sau cùng, Barca chọn Paco Alcacer. Một vụ đầu tư có giá trị 30 triệu euro đã thất bại trong năm đầu tiên. Alcacer, đội trưởng Valencia và được xem như “số 9” kế thừa David Villa ở ĐTQG Tây Ban Nha (trong 9 trận quốc tế đầu tiên, ghi 6 bàn), mất hút bởi cái bóng mà MSN che phủ.

Không thành công với Alcacer, Barca chọn giải pháp mua lại Deulofeu, một người có chất La Masia trong cách chơi bóng. Barca đang thiếu chất La Masia thời gian gần đây. Một thương vụ đầy hoài nghi, khi mà Deulofeu trải qua thời gian khá dài thi đấu kém, chỉ bùng nổ vài tháng gần đây khi từ Everton sang Milan theo dạng cho mượn (nhưng không quá ổn định).

Barca mua lại Deulofeu giá rẻ để làm gì? Bán lại anh để thu lãi, hay bán Alcacer? Không loại trừ khả năng HLV Valverde sẽ giữ lại cả hai người. Thay vào đó là cuộc chia tay với Arda Turan và Rafinha. Nhưng điều đó không có nghĩa là tương lai của Deulofeu và Alcacer hứa hẹn. Ở lại Barca đồng nghĩa với sự mạo hiểm với sự nghiệp, mà cụ thể hơn là giấc mơ World Cup 2018 có thể tan vỡ.

Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm