Nước Anh tiễn biệt Nữ hoàng Elizabeth II

19/09/2022 14:42 GMT+7 | Tin tức 24h

Hôm nay, ngày 19/9/2022, lễ quốc tang Nữ hoàng Anh Elizabeth II được tổ chức tại Tu viện Westminster vào 11 giờ sáng (tức khoảng 17 giờ Việt Nam). Buổi lễ kéo dài một giờ, trong đó dành 2 phút mặc niệm tưởng nhớ Nữ hoàng. Trong suốt 7 thập kỷ trị vị, Nữ hoàng Elizabeth II luôn là biểu tượng cho sự đoàn kết của đất nước và giữ vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Anh.

Lễ viếng Nữ hoàng Anh kéo dài 4 ngày

Lễ viếng Nữ hoàng Anh kéo dài 4 ngày

Từ 17h ngày 14/9 (giờ địa phương - tức 23h cùng ngày giờ Việt Nam), người dân Anh bắt đầu vào viếng Nữ hoàng Elizabeth II tại tòa nhà Quốc hội Anh Westminter Hall. Lễ viếng sẽ kéo dài đến 6h30 ngày 19/9 trước khi tang lễ diễn ra.

Người Anh thương tiếc Nữ hoàng Elizabeth II    

Ngày 8/9/2022 là một dấu mốc buồn đối với nước Anh khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà ở tuổi 96 sau hơn 70 năm trị vì. Không chỉ là người có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh, Nữ hoàng Elizabeth II còn là vị vua có thời gian tại vị lâu nhất thế giới.    

Nữ hoàng Anh Elizabeth II có tên khai sinh là Elizabeth Alexandra Mary, sinh ngày 21/4/1926 tại Mayfair, Tây London. Năm 1936, lúc bà 10 tuổi, Vua Edward VIII - bác ruột của bà - rời bỏ ngai vàng để sống cùng vợ là một người Mỹ bình thường. Cha của bà lên ngôi, trở thành Vua George VI và Elizabeth trở thành công chúa, nhưng trong suy nghĩ của bà chưa hề có ý nghĩ một ngày nào đó sẽ trở thành Nữ hoàng của Vương quốc Anh. 

Tháng 2/1952, Vua George VI lâm bệnh nặng, Elizabeth cùng chồng là Hoàng thân Philip đảm nhận vai trò thay vua cha thực hiện chuyến công du chính thức tới Kenya. Đó được xem là sự kiện cột mốc trong cuộc đời Elizabeth, đánh dấu hành động đầu tiên của bà trong vai trò người đứng đầu Hoàng gia. Đêm ngày 5 rạng sáng ngày 6/2/1952, Vua George VI băng hà, Elizabeth kế vị ngai vàng và trở thành Nữ hoàng Anh. Lễ đăng quang của bà được tổ chức vào ngày 2/6/1953 và được truyền hình trực tiếp. Đây là lần đầu tiên lễ đăng quang được truyền hình trực tiếp cho dân chúng xem, góp phần làm cho vương triều trở nên gần gũi với dân chúng hơn. Lúc đăng quang, bà mới 26 tuổi.    

Nữ hoàng Elizabeth II. Nữ hoàng Anh. Lễ quốc tang Nữ hoàng Anh. Vua Charles III
Nữ hoàng Anh Elizabeth II lúc mới lên ngôi. Ảnh: Wikipedia

Ngày 9/9/2015, Nữ hoàng Elizabeth II trở thành nữ hoàng trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh (vượt qua kỷ lục 63 năm, 7 tháng, 2 ngày của Nữ hoàng Victoria). Đại lễ Bạch kim mừng 70 năm trị vì nước Anh của bà diễn ra trọng thể hồi đầu tháng 6/2022. Bà không chỉ là người chứng kiến nhiều đổi thay ở Xứ sở Sương mù mà còn tận mắt thấy những biến động trên toàn thế giới. Triều đại của bà trải qua 15 đời thủ tướng, bắt đầu từ ông Winston Churchill (sinh năm 1874) cho đến bà Liz Truss (sinh năm 1975). Nữ hoàng đã chứng kiến những thay đổi xã hội to lớn trong suốt triều đại của mình, trải qua thời kỳ hậu chiến, quá trình chuyển đổi từ đế chế sang Khối thịnh vượng chung, kết thúc Chiến tranh Lạnh, Vương quốc Anh gia nhập Liên minh châu Âu rồi rời đi sau đó.    

Sau hơn 7 thập niên trên ngai vàng, Nữ hoàng Elizabeth II được người dân Vương quốc Anh kính trọng, ngưỡng mộ vì cách bà tận tâm, thầm lặng cống hiến cho nhiệm vụ và cũng vì cách bà quyết tâm giữ kín cuộc sống riêng tư của mình. Theo nhận định của giới quan sát, trong thời gian tại vị, Nữ hoàng Elizabeth II đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách thận trọng và trách nhiệm.

Sự nổi tiếng của cá nhân Nữ hoàng Elizabeth II là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự ủng hộ đối với chế độ quân chủ của Vương quốc Anh trong những năm gần đây. Bà thường tránh những can thiệp chính trị và được thần dân biết đến chủ yếu qua những sự kiện trước công chúng và các thông điệp Giáng sinh được phát trên truyền hình, trong đó thường nhấn mạnh tới giá trị của trách nhiệm, sự tận tâm và đối thoại để giải quyết mọi vấn đề.          

Không chỉ là nguyên thủ của Anh, Nữ hoàng Elizabeth II còn là nguyên thủ của Khối Thịnh vượng chung, tổ chức liên chính phủ gồm 53 quốc gia thành viên, hầu hết từng là lãnh thổ của Đế quốc Anh. Ngoài Anh, bà còn là nữ hoàng của 15 quốc gia khác trong khối, trong đó có Canada, Australia và New Zealand. Trên bình diện quốc tế, Elizabeth II là vị Nữ hoàng đặc biệt.    

Nữ hoàng Elizabeth II. Nữ hoàng Anh. Lễ quốc tang Nữ hoàng Anh. Vua Charles III
Nữ hoàng Anh Elizabeth II trình bày các chính sách của Chính phủ tại phiên họp Quốc hội ở London, ngày 14/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngay sau khi thông tin về việc Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, Chính phủ Anh đã chính thức bắt đầu thời gian quốc tang tưởng niệm Nữ hoàng Elizabeth II từ ngày 9/9 và kéo dài trong vòng 10 ngày.    

Những ngày qua, người dân Anh đã tập trung rất đông tại Cung điện Buckingham ở London và đặt hoa tưởng niệm. Các hoạt động và sự kiện thể thao, văn hóa trên khắp nước Anh đều được hoãn lại nhằm thể hiện sự tiếc thương của người dân trước sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II.    

Sau khi linh cữu Nữ hoàng Elizabeth II được rước từ Cung điện Buckingham, nơi ở chính thức của Hoàng gia Anh, tới tòa nhà Quốc hội Anh Westminter Hall và được bảo quản tại đây, từ ngày 14 đến 19/9, hàng trăm nghìn người dân đã đến viếng để bày tỏ lòng kính trọng đối với Nữ hoàng Elizabeth II trước khi tang lễ diễn ra vào ngày 19/9.    

Loạt sự kiện trong lễ quốc tang của Nữ hoàng diễn ra trong 10 ngày kết thúc bằng tang lễ tại Tu viện Westminster ở London, bắt đầu vào lúc 11 giờ sáng ngày 19/9 (giờ Anh). Nữ hoàng Elizabeth II sẽ an nghỉ bên cạnh chồng là Hoàng thân Philip tại Nhà nguyện tưởng nhớ Vua George VI (King George VI Memorial Chapel), đặt trong Nhà thờ St.George. Nhà nguyện này cũng là nơi đã từng chôn cất cha mẹ thân sinh của Nữ hoàng Elizabeth II. Quan tài chứa tro cốt của Công chúa Margaret-người em gái của Nữ hoàng Anh Elizabeth II cũng được đặt tại đó.    

Nữ hoàng Elizabeth II. Nữ hoàng Anh. Lễ quốc tang Nữ hoàng Anh. Vua Charles III
Trong ảnh: Người dân xếp hàng dài hai bên đường để bày tỏ lòng thành kính khi Linh cữu Nữ hoàng Anh Elizabeth II được rước từ Cung điện Holyroodhouse tới Lâu đài St Giles ở Edinburgh, ngày 14/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó trong ngày 18/9, rất nhiều nguyên thủ thế giới đã đến thủ đô London để viếng Nữ hoàng Anh, như Tổng thống Mỹ Joe Biden, lãnh đạo Australia, New Zealand, Canada cũng đã tới Anh để dự tang lễ Nữ hoàng Elizabeth II. Văn phòng Đối ngoại của Vương quốc Anh cho biết, có gần 100 tổng thống, người đứng đầu chính phủ và hơn 20 hoàng gia dự kiến dự lễ tang của Nữ hoàng Anh.    

Lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth II được truyền hình trực tiếp tại 125 rạp chiếu phim trên khắp nước Anh, trong khi các công viên, quảng trường và nhà thờ của nước này cũng sẽ dựng màn hình lớn trình chiếu sự kiện trọng đại của Xứ sở xương mù. Nghi thức tang lễ tại Tu viện Westminster và các đám rước liên quan trên khắp thủ đô London cũng sẽ được các hãng truyền thông như BBC, ITV và Sky truyền hình trực tiếp.    

Tang lễ của Nữ hoàng Elizabeth II là sự kiện công cộng lớn nhất kể từ Thế vận hội London 2012 và là một trong những sự kiện lớn nhất từ trước đến nay khi có hàng trăm nghìn người dân và khoảng 500 quan chức nước ngoài đến viếng. Sự kiện này cũng sẽ kích hoạt hoạt động bảo vệ cá nhân lớn nhất từ trước đến nay của cảnh sát London.

Để chuẩn bị cho sự kiện quốc gia có quy mô lớn nhất với nước Anh này, chính quyền Anh và thủ đô London đã huy động một lực lượng an ninh khổng lồ với hơn 10.000 cảnh sát Anh được triển khai phục vụ tang lễ và đây cũng là sự kiện lớn nhất trong lịch sử đối với lực lượng này. Sự kết hợp giữa an ninh, ngoại giao, lễ tân và hậu cần có thể được xem là nhiệm vụ lớn nhất mà ngành ngoại giao Anh phải tổ chức trong ngắn hạn kể từ quốc tang Thủ tướng Winston Churchill vào năm 1965.    

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, được sự ủy quyền của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ sang Vương quốc Anh tham dự lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth II. Trước đó, lãnh đạo Việt Nam ngày 9/9 đã gửi điện chia buồn tới Hoàng gia, Chính phủ, Nghị viện và nhân dân Anh. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thu Hằng ngày 10/9 trả lời phỏng vấn báo chí cũng đã cho biết, là đối tác chiến lược của Vương quốc Anh, Việt Nam luôn trân trọng những tình cảm và sự ủng hộ tích cực của Nữ hoàng trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Anh đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Nước Anh kỳ vọng tương lai tươi sáng dưới triều đại Vua Charles III    

Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, Thái tử Charles đã kế vị ngai vàng, trở thành Vua Charles III của Vương quốc Anh. Ngày 10/9, Vua Charles III đã chính thức được tấn phong ngôi vị tại buổi lễ diễn ra ở Cung điện St James, thủ đô London của Anh.          

Trong những phát biểu đầu tiên của mình trước Hội đồng Tấn phong, Vua Charles III đã dành những lời tri ân tới Nữ hoàng Elizabeth II vừa qua đời và khẳng định tuân thủ nguyên tắc chính phủ lập hiến. Vua Charles III nhấn mạnh rằng ông "nhận thức sâu sắc sự kế thừa to lớn cùng những bổn phận và trách nhiệm nặng nề" mà ông sẽ đảm trách khi kế vị ngai vàng sau khi thân mẫu của ông là Nữ hoàng Elizabeth II băng hà và ông sẽ cố gắng noi theo "tấm gương truyền cảm hứng" của thân mẫu trong việc duy trì chính phủ hợp hiến, tìm kiếm hòa bình, đem lại thịnh vượng cho mọi người dân ở Vương quốc Anh cũng như Khối thịnh vượng chung và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.    

Trước đó, ngày 9/9/2022, trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng, sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, Vua Charles III đã bày tỏ lòng kính trọng đối với mẹ mình và khẳng định sẽ noi gương bà để tiếp tục cống hiến. 

Nữ hoàng Elizabeth II. Nữ hoàng Anh. Lễ quốc tang Nữ hoàng Anh. Vua Charles III
Trong ảnh: Vua Charles III phát biểu trước Quốc hội Anh tại Cung điện Westminster ở thủ đô London, ngày 12/9/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cũng tại lễ tấn phong, Vua Charles III đã phong tước hiệu Hoàng tử xứ Wales cho con trai cả của ông là Hoàng tử William, 40 tuổi. Phu nhân của Hoàng tử William trở thành Công nương xứ Wales.          

Vua Charles III sinh ngày 14/11/1948 tại Cung điện Buckingham ở London, là con trai cả của Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip. Ông cũng là người cháu đầu tiên của Quốc vương George VI và Vương hậu Elizabeth (tức thân phụ và thân mẫu của Nữ hoàng Elizabeth II). Ông trở thành người thừa kế ngai vàng sau khi thân mẫu lên ngôi Nữ hoàng năm 1952.    

Theo các nhà quan sát, qua các năm hoạt động của Vua Charles III từ thời ông còn là Thái tử, có thể thấy ông là người có cách tiếp cận gần gũi với công chúng. Vua Charles III lên ngôi đúng vào thời điểm nước Anh vừa có Thủ tướng mới, trong bối cảnh nước Anh đang phải đối mặt với đợt lạm phát lớn nhất kể từ năm 1970. Ngoài ra, nền quân chủ Anh đã thay đổi nhiều sau 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II, vì vậy, Vua Charles III sẽ phải đưa ra các cách tiếp cận mới để trở thành một bậc quân vương trong thời kỳ hiện đại, giống như Nữ hoàng Elizabeth II đã thích nghi với bối cảnh những năm sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II (1939-1945). 

Nhiều nhà quan sát cho rằng, nước Anh dưới thời Vua Charles III sẽ vượt qua được các thách thức hiện tại và Hoàng gia Anh vẫn tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Anh.

                                                                                                             An Ngọc (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm