03/05/2014 13:31 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Không nhiều người biết đến cuộc đời và sự nghiệp chật vật của “nữ hoàng nhạc jazz Việt Nam” - danh hiệu mà những người Việt Nam và nước ngoài ở Việt Nam yêu nhạc jazz dành tặng cho Tuyết Loan, người đàn bà hát jazz gần nửa thế kỷ.
* Những người biết tiếng hát Tuyết Loan từ vài chục năm nay đều bất ngờ khi chị giới thiệu một album hát toàn nhạc… jazz Việt (Thuở ấy có jazz) vì quen nghe chị hát nhạc Mỹ. Bất ngờ nữa khi nghe nói chị đi Mỹ định cư ngay sau khi cho ra mắt album này, vậy mà mới vài tháng đã thấy về lại Việt Nam rồi?
- Khi sang đó cùng con gái, tôi chỉ nói “tạm biệt” thôi mà. Còn chuyện album, Thuở ấy có jazz mang ý nghĩa kỷ niệm cuộc đời ca hát của tôi, một cuộc chơi mới, đơn giản vậy thôi. Khi bắt tay vào thực hiện, tôi chỉ nghĩ rằng mình là người Việt Nam thì tại sao không có một album hát nhạc Việt, cho dù tôi không thể hát nhạc Việt để kiếm sống được.
* Một cuộc chơi khá tốn kém đấy chứ.
- Điều đó cũng đúng phần nào. Đa số ca sĩ trước đây đều xuất thân từ nghèo khó, và không phải ai cũng gặp may mắn. Những người nổi danh còn đếm được chứ những người kém may mắn, trong đó có tôi, chắc không đếm nổi đâu. Tôi thuộc dạng ca sĩ hát 50 năm rồi nổi thì không nổi mà hên (may) là không chìm hẳn, đời ca hát của tôi như lục bình trôi vậy. Nhưng chưa bao giờ tôi lấy làm phiền muộn. Cuộc sống tôi bây giờ khá hơn tuy không phải nhờ âm nhạc, nhưng nhờ âm nhạc mà tôi và gia đình sống sót. Tôi cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gắn với âm nhạc. Vậy thì khi đã khá hơn, cho ra một đĩa nhạc mà mình thừa biết cầm hòa là đã mừng lắm rồi, thì phải xác định là một cuộc chơi thôi. Một cuộc chơi kéo dài đến nửa thế kỷ.
* Những người trong giới nhạc biết chị, đều nhắc đến một Tuyết Loan chạy ăn từng bữa, vất vả ngược xuôi, trái ngược với giọng hát đĩnh đạc, sang cả của chị trên sân khấu. Điều họ nói có chính xác không?
- Chắc là đúng vậy. Ngày xưa cuộc sống của tôi rất chật vật, nói thẳng ra là nhiều khi không đủ no. Tôi phải chạy bén gót mới đủ tiền để sống. Cái nghề hát của tôi long đong lắm, có tháng hát được 6, 7 chỗ, có tháng được 3, 4 chỗ mà có khi cũng chỉ có 1 chỗ gọi. Lúc nào tôi cũng sống trong sợ hãi vì phải đi hát nhiều thì mới có đủ tiền trang trải. Lúc đó gia đình tôi rất đông người, má tôi mất sớm, tôi là chị cả phải lo toan cho các em và các con. Có những năm 23 Tết rồi mà nhà không có tiền để mua thịt rau ăn cho đàng hoàng. Đói thì không đói nhưng không được như những nhà bình thường. Có những đêm tôi đến chỗ hát thì họ bảo lần sau hãy quay lại vì họ đã có người khác rồi, tôi vừa chạy về trong cơn mưa tầm tã vừa khóc, nước mắt lẫn vào nước mưa, không biết cuộc sống vậy là đã đến điểm cuối chưa…
Tuy vậy người ta nói ba chìm bảy nổi, tôi chìm thì nhiều nhưng nổi cũng lẹ lắm, không đến nỗi chết đuối. Rồi tôi cũng được quý nhân phù trợ nhiều lần và cuộc sống không nỡ đẩy tôi đến chỗ bi đát nhất.
* Sao trong hoàn cảnh gia đình khó khăn và đi hát cũng là một sự khó khăn mà chị lại chọn thêm jazz vốn kén khách?
- Thật sự tôi không có cái nghề nào từ lúc lớn lên cho tới già ngoài cái nghề ca hát. Tôi cũng chưa bao giờ mường tượng ra mình chuẩn bị thêm một nghề nào khác cả. Tôi tuy nghèo nhưng vẫn có một chuẩn mực duy nhất từ lúc đi học là thích làm ca sĩ và cho tới bây giờ cuộc sống đã ổn định tôi vẫn mê hát, tất nhiên là jazz. Jazz ám vào tôi như thể số phận rồi. Tôi chẳng biết gì khác ngoài hát jazz.
* Một thời kỳ rất dài, ở Việt Nam có ai nghe nhạc jazz! Ngay cả bây giờ, khách nghe jazz đa số cũng là người nước ngoài. Nghe nói chị dã từng có ý định “vượt biên” với dòng nhạc của mình?
- Đúng là tôi có định đi mấy lần nhưng không thành. Mấy chục năm trước đúng là khó khăn lắm. Tôi hát nhạc từ trước năm 1975, khi giải phóng phải thay đổi mà mình thì xoay xở không nhanh được. Tôi nhớ thời đó cuộc sống chật vật, em gái tôi phải đem áo đầm của tôi ra chợ bán để lấy tiền mua cơm. Và rồi tôi cũng đi hát ở mấy đoàn hát nhạc giải phóng, đi hát ở tỉnh... Sau này được về các đoàn lớn hơn như đoàn Kim Cương và sau mới bắt đầu hát nhạc Mỹ ở các vũ trường mà thời đó ở Sài Gòn chỉ có ba cái là Palace, Rex với Đệ Nhất khách sạn. Vợ chồng tôi bấy giờ may mắn được hát ở Đệ Nhất và ở đó tới 10 năm. Lúc đó thì không có đất dụng võ cho jazz nhưng tôi cũng “lách” được. Ví dụ thay vì những điệu slow thì tôi hát blues, những điệu rumba tôi chuyển qua bossa nova... Sau đó tôi hát được nhiều hơn một chút khi cùng Lê Hựu Hà lập nhóm nhạc Hy Vọng. Sau đó, khi Nhã Phương vào thì tôi ra đi.
Còn sau này, bên Singapore có mời qua hát nhưng tôi thấy điều kiện không phù hợp nên không nhận lời.
* 14 tuổi mà đã hát jazz thì quả thật chị phải liều lắm!
- Cũng liều thôi, hoàn cảnh mà. Thật ra trước đó, tôi định hát nhạc Việt. Chị họ tôi là ca sĩ nên tìm cách giúp tôi. Tôi nhớ hồi đó suốt nửa năm trời tập hát đúng một bài Hoa xoan bên thềm cũ của Tuấn Khanh. Tôi thuộc nằm lòng, trong mơ cũng thuộc. Rồi đến khi bà chị giới thiệu tôi cho một ông bầu dancing club nổi tiếng, ổng đồng ý cho tôi hát thử. Đêm đó, đến phần hát slow thì tôi ra hát bài này. Đúng là trời đất không thương, tôi vì run quá nên hát sai nhịp liên tục, ban nhạc không vào nhạc được. Ông chủ sau đó chửi tôi không còn lời nào, ổng còn nói hát kiểu này thì đi hát làm gì. Tôi sợ quá, nên mỗi lần nhắc đến chuyện hát nhạc Việt là ám ảnh kinh khủng. Sau đó tôi hát nhạc ngoại quốc vì cũng rất thích, ai dè hợp nên được lựa luôn, tất nhiên là ở câu lạc bộ khác.
* Trong cuộc đời đi hát của mình, có bao giờ có một cơ hội để cho chị thành một ngôi sao mà chị đã bỏ qua hoặc từ chối nó?
- Thật sự cũng có nhiều gợi ý nhưng tôi nghĩ sự gợi ý đó chỉ thoáng qua thôi. Đôi khi tôi cũng bị rơi vô những hoàn cảnh như vậy nhưng tôi nhạy cảm và tôi biết đó chỉ là cái ảo ảnh nhất thời. Với lại tôi không thích mang ơn người ta mà tâm tư của mình nặng trĩu.
* Nếu con cháu chị muốn đi theo con đường của chị thì sao?
- Tôi từ chối. Tôi là một tấm gương điển hình cho chúng nhìn vào còn gì. Cuộc đời tôi đủ vất vả để cho chúng thấy đi theo âm nhạc vất vả thế nào. Cần phải nhấn mạnh rằng tôi luôn nói với con cháu mình rằng hãy tự hào về tôi, trong cuộc đời âm nhạc tôi là người rất đàng hoàng, cương trực. Nếu chúng muốn theo tôi và cũng phải theo nền nếp ấy, sẽ rất khó khăn cho chúng. 50 năm ca hát đến giờ này tôi được cái gì? Không được gì hết, cái nhà cũng do con cô gái tặng, cuộc sống giờ thanh thản không phải lo toan cũng là do con tôi mang lại. Ngày trước đi hát mà người ta báo hôm nay nghỉ là không biết tiền đâu để đi chợ ngày mai. Khổ lắm.
* Công chúng dành cho chị danh hiệu “Nữ hoàng nhạc jazz”, chị có xem điều đó là tài sản lớn nhất của chị?
- Đó là một niềm vui nhưng không thể dựa vào danh hiệu đó để cảm thấy mình là người quan trọng hay cái từ đó có thể nuôi sống được mình. Tôi thích bình thường mọi thứ để cân bằng cuộc sống.
Năm 1995, Tuyết Loan được mời ghi âm một album jazz tại Singapore với một nhóm ngũ tấu của nước này. Album Jazz Lady of Vietnam được phát hành tại Singapore và một số nước trong khu vực, sau đó được phát hành tại Việt Nam vào 2007. Album thứ hai ra mắt năm 2008. DVD Jazz Lady’s Intimate Concert ra mắt đầu năm 2013. Và album mới nhất, Thuở ấy có jazz, gồm 8 ca khúc tiền chiến, trữ tình lãng mạn của các tác giả Văn Phụng, Đoàn Chuẩn, Lam Phương, Ngọc Bích, Thông Đạt, Huỳnh Anh, Lê Hựu Hà, theo phong cách jazz đặc Mỹ kết hợp với kiểu hát phòng trà ở Sài Gòn những năm 1960. |
Cung Tuy (Thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất