'Trò đời' thành cơ hội 'làm ăn' trên YouTube

24/10/2013 13:32 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Chậm chậm đi qua cái bóng của Số đỏ, Trò đời - bộ phim truyền hình dài tập chuyển thể từ các tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng đang trở thành phim “hot” trên truyền hình hiện nay. Phim được bàn tán rôm rả trên mạng xã hội, thậm chí thành cơ hội “làm ăn” của một số trang phim…

Sau 10 tập thăm dò, nhiều khán giả đã bắt đầu “kết” Trò đời, mong chờ tới hai ngày duy nhất trong tuần (thứ Năm, thứ Sáu) để theo dõi bộ phim này.

Món ngon của khán giả, mồi ngon của YouTube

Dư luận trên các mạng xã hội, hay trên YouTube cũng rất rôm rả. Ở đây các bạn trẻ khen rất ngắn gọn “phim hay”, “rất ý nghĩa”, “chờ tập tiếp theo”... Họ bàn luận khá sôi nổi về những điểm mà họ cho rằng chưa chuẩn, chưa đúng trong phim. Và rất nhiều bạn trẻ ngóng chờ xem số phận của cô Đũi, đồng cảm cảnh đời của cô, phấp phỏng lo sợ cô tha hóa, cảm thán thương cho thân phận của cha con cô. Sự chú ý này là một tín hiệu rất đáng mừng, vì phim về quá khứ mà lôi kéo được khán giả trẻ quả thực không hề dễ dàng.

Một cảnh trong Trò đời

Trên YouTube, Trò đời trở thành cơ hội làm ăn của một số trang phim. Họ chờ truyền hình chiếu, thu lại và đưa lên mạng, chèn quảng cáo trang của họ vào phim, và chào mời khán giả rất nhiệt tình. Rất nhiều người tranh nhau tải phim này lên YouTube, với lời mời chào bản HD. Khán giả theo dõi online cũng khá háo hức, thường xuyên yêu cầu những người tải phim phải cập nhật thật nhanh.

Phim đã chiếu được 18 tập, tới giai đoạn này, nhân vật Xuân Tóc Đỏ sẽ bắt đầu đảm nhiệm vai trò nhân vật trung tâm.

“Trò đời” đời thực hơn

Nếu trong hai tập phim video nổi tiếng Số đỏ sản xuất năm 1990, nhân vật Xuân Tóc Đỏ là trung tâm, thì trong Trò đời, ngoài nhân vật này khán giả sẽ có cơ hội hiểu hơn về xã hội nơi Xuân Tóc Đỏ sống. Trong Trò đời, xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20 hiện lên đầy chân thực với đầy đủ mọi giai tầng, với những con người dưới đáy xã hội (như con sen, thằng ở, phu xe, đào nương), giới thượng lưu “Âu hóa” nửa mùa rởm rít, những kẻ cơ hội từ đáy đi lên như bà Phó Đoan, Xuân Tóc Đỏ... Những nhân vật văn học độc đáo nhất của văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20 được tái hiện đầy sinh động trong Trò đời.

Mỗi nhân vật trong Trò đời đều có lai lịch, gốc tích, có quá trình chuyển biến tâm lý... Xuân Tóc Đỏ không “độp một cái” tha hóa. Nó cũng trải qua nhiều gian khó, bầm dập, nó cũng từng biết yêu thương, chia sẻ với người đồng cảnh ngộ. Trong suốt 10 tập đầu tiên, nhiều khán giả cảm thấy thất vọng vì Xuân Tóc Đỏ (Việt Bắc đóng) lành quá và tốt quá, khác hẳn với thằng ma cô mà nhà văn Vũ Trọng Phụng mô tả.

Nhưng việc cho Xuân vài nét tính cách tốt đẹp cũng không có gì là quá, mặt khác còn thể hiện góc nhìn nhân văn của biên kịch. Nhịp của phim truyền hình cũng chậm hơn nên khán giả cần kiên nhẫn, sẽ tới lúc được chứng kiến sự tha hóa của Xuân Tóc Đỏ.

Diễn biến trong mỗi tập phim không nhiều, nhưng đạo diễn đã thành công khi tạo ra không khí cho bộ phim. Cách diễn viên đi lại nói năng, trong bối cảnh được đầu tư chỉn chu đã tạo cho phim một đời sống thực sự, chứ không kịch và “giả cổ”.

Trò đời là bộ phim truyền hình được xây dựng dựa trên 3 tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng: Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây Cơm thầy cơm cô. Phim gồm 30 tập, đang phát sóng trên VTV1 vào lúc 20h30 ngày thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần. Phim do Phạm Nhuệ Giang làm đạo diễn với sự tham gia của các diễn viên: NSƯT Quốc Anh (cụ cố Hồng), NSƯT Minh Hằng (bà Phó Đoan), Việt Bắc (Xuân Tóc Đỏ), Phú Đôn, Minh Phương, Chiến Thắng...

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm