17/09/2021 08:28 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn - họa sĩ - NSND Ngô Mạnh Lân từ biệt cõi trần vào chiều ngày 15/9/2021 tại Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi (1934 - 2021). Cháu ngoại ông - đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chia sẻ trên trang Facebook của mình: “Ông tôi đi thanh thản, nhẹ nhàng. Đó là điều an ủi duy nhất trong nỗi đau lớn này. Con, cháu, chắt xin cúi đầu tiễn biệt ông…”.
Nghe tin ông ra đi lúc Hà Nội giãn cách, bạn bè, đồng nghiệp, học trò thương tiếc gửi lời chia buồn sâu sắc cùng tang quyến. NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam gửi lời tiễn biệt “Xin vĩnh biệt NSND-họa sĩ Ngô Mạnh Lân. Xin chia buồn sâu sắc nhất tới toàn thể gia đình”. Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh thảng thốt vĩnh biệt người thầy - giảng viên hướng dẫn đáng kính của mình: “Tôi sẽ luôn nhớ ông, một người nghệ sĩ tài hoa, một người thầy trìu mến, độ lượng, hóm hỉnh, nhưng cũng vô cùng nghiêm túc, khoa học trong nghiên cứu và giảng dạy”.
Họa sĩ Ngô Mạnh Lân sinh ngày 9/11/1934 tại Tả Thanh Oai (làng Tó hay Tó Tả), huyệnThanh Trì, Hà Nội. Đây địa danh khoa bảng nổi tiếng, có họ Ngô với dòng Ngô gia văn phái và các danh nhân Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm đã đi vào lịch sử dân tộc. Năm 16 tuổi (1950), ông tham gia khóa học đầu tiên, khóa học kháng chiến (1950 - 1954) của Trường Mỹ thuật Việt Nam ở Chiến khu Việt Bắc do họa sĩ Tô Ngọc Vân phụ trách. Lúc đó, ông là học viên nhỏ tuổi nhất.
Sau khi tốt nghiệp, ông vào phục vụ trong quân đội, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Những ký họa kháng chiến của họa sĩ trẻ Ngô Mạnh Lân ra đời trong chính thời điểm này. Năm 1956, ông sang Liên Xô học mỹ thuật tại Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô (VGIK) (1956 - 1962). Sau khi tốt nghiệp (1962), ông về nước nhận công tác tại Xưởng phim Hoạt họa búp bê Việt Nam (nay là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) làm họa sĩ, đạo diễn. Năm 1984, ông bảo vệ luận án Phó tiến sĩ Nghệ thuật tại Liên Xô…
Do điều động của tổ chức, từ 1987 đến 1992, ông đảm nhận cương vị Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu phim và băng hình Việt Nam. Năm 1993, ông trở về Hãng phim Hoạt hình làm đạo diễn và cố vấn nghệ thuật cho đến khi nghỉ hưu (năm 1996).
Trong hơn 34 năm (1962 - 1996), NSND Ngô Mạnh Lân đã đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà trên các lĩnh vực phim hoạt hình, mỹ thuật và sách nghiên cứu. Ông được đánh giá là "cây đại thụ" của điện ảnh Việt Nam; là 1 trong những người đặt nền móng cho thể loại phim hoạt hình tại Việt Nam.
Khởi đầu từ phim hoạt hình “Một ước mơ”
Nhận công tác ở Xưởng phim Hoạt họa búp bê với bao háo hức và bỡ ngỡ buổi ban đầu. Lúc đó, xưởng mới có 4 bộ phim búp bê: Đáng đời thằng Cáo, Con một nhà, Cây đa chú cuội và Chú thỏ đi học. Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, ông thấy tìm thấy nhiều bài học giáo dục có trong kịch bản Em bé lười học. Và thế là năm 1963, chàng họa sĩ trẻ được giao thực hiện bộ phim đầu tay Một ước mơ dựa trên kịch bản Em bé lười học. “Vạn sự khởi đầu nan” đã trả lời bằng kết quả thuyết phục cho người tâm huyết dấn thân đầy đam mê sáng tạo.
Có thể nói sau bộ phim Một ước mơ đã mở ra cho Ngô Mạnh Lân cánh cửa bước vào thể loại phim hoạt hình. Nói như Hoàng Tuấn: “Một ước mơ đã đánh một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của ông cũng như chuyên ngành hoạt hình non trẻ của Việt Nam”.
Những kiến thức học ở VGIK, học thầy Tsekhanopski đã được ông phát huy trong điều kiện mới của nước nhà, thực tiễn bối cảnh chiến tranh. Năm 1965, Ngô Mạnh Lân thực hiện bộ phim hoạt họa đen trắng Mèo con. Kịch bản bộ phim dựa theo truyện ngắn Cái Tết của mèo con của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Bao khó khăn, vất vả đã được ê-kíp làm phim thực hiện. Kết quả mang đến niềm động viên khích lệ rất lớn. Phim Mèo con (âm nhạc: Nhạc sĩ Hoàng Việt) đã đoạt giải Bồ nông Bạc tại LHP quốc tế Mamaia, Rumani (1966); tiếp tục đoạt giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ nhất (1970).
Đánh giá từ 2 bộ phim đã mang đến sự khích lệ rất lớn cho họa sĩ Ngô Mạnh Lân và ê-kíp sáng tạo khi tìm tòi rất nhiều chất liệu khác nhau. Chất liệu màu đã được thực hiện trong các bộ phim Con sáo biết nói (1967), Lời đáng yêu nhất (1972)… Phim búp bê màu đã thực hiện thành công trong những bộ phim Những chiếc áo ấm (1968), Chuyện ông Gióng (kịch bản: Nhà văn Tô Hoài, âm nhạc: Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, 1970)… Thể nghiệm loại chất liệu cắt giấy màu thành công cho các phim Rồng lửa Thăng Long, Trê cóc…
Phim Những chiếc áo ấm (búp bê màu, 1968) đã đoạt Giải Bông sen Vàng. Phim Chuyện ông Gióng đoạt Giải Bồ câu Vàng tại LHPQT Leipzig - Đức (1971); Huy chương danh dự của Ủy ban đoàn kết Á - Phi và tiếp tục đoạt giải Bông sen Vàng tại LHP VN lần thứ II (1973). Phim Chuyện ông Gióng vẫn có sức lan tỏa kỳ diệu để năm 2009 hành trình tiếp tục cùng 5 bộ phim: Mèo con, Trê cóc, Phép lạ hồi sinh, Những chiếc áo ấm, Bộ đồ nghề nổi giận sang Phần Lan tham dự LHP Tampere. Hai bộ phim Trê cóc (cắt giấy màu, 1994) và Phép lạ hồi sinh (1995) đã đoạt Giải B - Giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1995.
NSND Hà Bắc - nguyên đạo diễn Hãng phim Hoạt hình Việt Nam chia sẻ: “Năm 1976, tôi may mắn được về công tác ở Hãng phim Hoạt hình và được học hỏi nhiều nghệ sĩ tên tuổi, trong đó có họa sĩ - NSND Ngô Mạnh Lân. Ông là người thầy, người họa sĩ đáng kính, bậc nghệ sĩ tiền bối của ngành hoạt hình Việt Nam. Ông đã dành trọn cả cuộc đời cống hiến cho phim hoạt hình Việt Nam”…
Minh họa “Dế mèn” và nhiều hơn nữa
Ngoài công việc đạo diễn, ông còn là một họa sĩ, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam (1982). Ông đã vẽ nhiều ký họa, tranh sơn dầu, hoạt hình, tranh cổ động, bìa tem, bìa sách, truyện tranh… Có thể kể đến: Tranh ký họa (Bộ đội, Nữ dân quân, Mặt trận Ðiện Biên Phủ, Chuẩn bị đánh đồn A1, Quân và dân Nam Ðịnh đắp đê chống lụt…); Tranh sơn dầu: Ngày tiếp quản, Chiến sĩ Ðiện Biên, Nữ dân quân ngoại thành, Bà lão nông thôn Nga, Chiều vàng, Bên bìa rừng (1957), Cảnh làng Tarutxa (1957), Nắng cuối hè (1959), Nhà thờ Sain Isaac (1959)… Ông còn là tác giả 2 bộ tem mang tên Kỷ niệm những ngày lịch sử của đất nước và Quan Âm Thị Kính; và vẽ nhiều tranh cổ động.
NSND Ngô Mạnh Lân là tác giả minh họa sách thiếu nhi rất độc đáo, như: Truyện tranh Dế mèn phiêu lưu ký (lời Tô Hoài), Truyện trê cóc (lời Tô Hoài), Cây tre trăm đốt (lời Thảo Hương)… Ngoài ra ông còn là tác giả minh họa nhiều bìa sách.
Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân đã thực hiện các cuộc triển lãm tranh vào các năm: Năm 1971 (triển lãm lần thứ nhất); 11/2006 (triển lãm lần thứ 2) và tròn 13 năm sau, ông tổ chức triển lãm lần thứ 3 (11/2019) có tên gọi Nét thời gian.
Ngoài làm phim, PGS-TS Ngô Mạnh Lân còn tham gia công tác đào tạo; nghiên cứu, viết sách, viết báo về chuyên ngành phim hoạt hình và mỹ thuật, như: Phim hoạt họa Việt Nam - Ngô Mạnh Lân, Trần Ngọc Thanh (NXBVăn hóa, 1977); Hoạt hình nghệ thuật thứ tám: Vài nét về sự phát triển của nghệ thuật hoạt hình thế giới và hoạt hình Việt Nam (NXB VHTT, 1999); Ngô Mạnh Lân - Chặng đường mỹ thuật 50 năm (NXB Mỹ thuật, 2007).
Họa sĩ Hà Huy Chương bồi hồi nhớ lại bao kỷ niệm: “Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân rất nhã nhặn, điềm đạm, hòa đồng… Tranh của ông chân thực, tình cảm, chỉn chu... Lúc còn trẻ, lần đầu tiên tôi hiểu được về kỹ thuật phim hoạt hình là từ cuốn sách phim hoạt hình của ông”.
Danh họa Trần Văn Cẩn đánh giá: “Nghệ thuật của Ngô Mạnh Lân là một nghệ thuật trong sáng, khoáng hoạt mà chừng mực, biểu lộ một cái nhìn lạc quan, dí dỏm, thoáng trào lộng nhưng không lộ liễu với một bảng màu phong phú và giàu sắc nhị cùng với tạo hình một cách thông tuệ, vững vàng”.
Lý Phương Dung đánh giá: “NSND Ngô Mạnh Lân là cây đại thụ trong lớp các họa sĩ tài năng thuở Mỹ thuật thời kháng chiến. Ông còn là tác giả của nhiều tập truyện tranh dành cho thiếu nhi, một số công trình nghiên cứu, tác giả một số bộ tem thư, bìa sách, và rất nhiều tranh ký họa”.
Tôi có dịp gặp ông trong nhiều hoạt động nghệ thuật ở Liên hiệp các Hội VHNT VN và các Hội chuyên ngành Trung ương (Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam). Ai đã từng tiếp xúc với ông đều có chung cảm nhận là sự nho nhã, lịch thiệp… Tôi ấn tượng với nụ cười hiền tỏa sáng ở con người rất mực hồn hậu, thông minh, cực kỳ hóm hỉnh, tinh tế. Chậm chãi, kiệm lời, khi chạm vào học thuật thì giọng nói của ông vẫn nhỏ nhẹ, nhưng khúc chiết, chặt chẽ, đầy sức thuyết phục.
Năm 2008, cơ quan tôi mời ông tham gia Ban Giám khảo chấm tranh cổ động (pano, áp phích), tranh gấp cho một cuộc thi sáng tác lựa chọn sản phẩm truyền thông. Theo yêu cầu của ông và họa sĩ Trần Khánh Chương, tôi trải tất cả các bức tranh đã vào chung khảo, ông lặng lẽ đi hết một vòng, đánh dấu…và cuối cùng đã chọn ra được một số bức tranh tiêu biểu làm sản phẩm truyền thông. Ông nhận xét đầy đủ, kín kẽ, rất thuyết phục từng bức tranh và sau đó những tác phẩm đoạt giải đó đã tham gia triển lãm tại Trung tâm triển lãm số 2 Hoa Lư, TP Hà Nội.
Pha nước mời ông uống, tôi mới được dịp trò chuyện “Những bộ phim hoạt hình do bác đạo diễn Một ước mơ, Mèo Con, Con sáo biết nói, Những chiếc áo ấm, Chuyện ông Gióng, Rồng lửa Thăng Long đã in đậm trong ký ức tuổi thơ của cháu. Bọn trẻ chúng cháu xem phim trong hang đá, bên ngoài vẫn ì ì…ùng oàng tiếng máy bay Mỹ cắt bom. Cháu không thể quên cảm xúc khi xem những bộ phim đó, nhất là phim Chuyện ông Gióng”. Nghe tôi nói, bác nhìn tôi bằng ánh mắt ấm áp, nhủm nhỉm cười hiền hiền đường như xúc động lắm...
Tôi cảm nhận yếu tố địa văn hóa của làng Tả Thanh Oai nổi tiếng đã thấm bện trong huyết mạch, chi phối từ trong cách ứng xử văn hóa thông minh, lịch lãm, tinh tế của ông.
Chung cảm nhận như tôi, đạo diễn Đỗ Lệnh Hùng Tú - thế hệ sau đào tạo ở VGIK cũng ấn tượng về nụ cười của họa sĩ Ngô Mạnh Lân: “Hình ảnh mang đến cho tôi ấn tượng mạnh là nụ cười của chú Ngô Mạnh Lân - nụ cười lạc quan luôn tràn đầy năng lượng, vượt lên mọi lẽ thường chán nản, mệt mỏi nếu gặp nó trên đời. Chú thường hóm hỉnh, pha trò thông minh và chia sẻ thân tình với lớp thế hệ chúng tôi về lẽ sống. Chú nhỏ nhẹ, thủ thỉ tâm tình về sự mệt mỏi vốn dĩ tồn tại khách quan như quy luật của mỗi kiếp người. Nhưng, tuyệt nhiên hình như không bao giờ ông muốn nỗi buồn bàng bạc của người vốn quá nhiều từng trải bị lây sang người khác. Kết thúc câu chuyện bao giờ cũng là nụ cười - nụ cười Ngô Mạnh Lân”.
Ngoài đặc sản nụ cười là sự hóm hỉnh, thông minh. Họa sĩ của VGIK nhớ lại: “Có lần, họa sĩ Ngô Mạnh Lân cùng nhóm chúng tôi vác giá vào rừng vẽ trực họa. Mấy chú cháu bắt chước quý tộc xưa trải ni lông, bày bánh mỳ, thịt nướng, bia, nước ngọt... thành bữa ăn trên cỏ. Mùi lá cây, mùi hăng hăng của cỏ, mùi hoa thạch thảo, xen lẫn cùng thịt nướng thơm lừng cùng mùi vodka, bia vàng... cùng cả mùi sơn dầu và các họa phẩm phụ gia khi vẽ... cho đến giờ vẫn còn nhớ mãi không quên. Chú Ngô Mạnh Lân thủ thỉ: "Thế kỷ trước, Manet vẽ tác phẩm bữa ăn trên cỏ với nhân vật nữ khỏa thân ngồi chính giữa tranh. Bây giờ ở đây mà có mẫu nữ thật thì cũng chưa chắc ai dám ngồi… Mọi người còn tò mò chưa biết vì sao thì chú tủm tỉm “Trong rừng này nhiều cây lá han lắm…”.
Gia đình có 3 thế hệ nghệ thuật
Người bạn đời của ông là NSND Phan Ngọc Lan - lớp diễn viên khóa I Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) cùng những nghệ sĩ tên tuổi như Trà Giang, Phi Nga, Tuệ Minh, Lâm Tới, Thúy Vinh… Bà là gương mặt quen thuộc trong các bộ phim điện ảnh, truyền hình như: Lửa trung tuyến, Quê nhà, Huyền thoại người mẹ, Kiếp phù du, Giông tố, Mùa lá rụng trong vườn, Bánh đúc có xương… và hiện nay NSND Ngọc Lan đóng vai bà nội Tuệ Nhi trong bộ phim 11 tháng 5 ngày đang phát trên VTV3 Giờ vàng phim Việt. Bà yêu thơ, “Nếu như làm lại từ xưa/ Vẫn xin chọn lại cái nghề tôi yêu”.
Ông bà tự hào 3 thế hệ trong gia đình đều có chung niềm đam mê nghệ thuật. Ngoài con gái thứ 3 Ngô Phương Ly và cậu út Ngô Lâm theo cha học ngành mỹ thuật, còn lại gia đình con gái cả Ngô Phương Lan cùng theo theo nghiệp điện ảnh như ông bà. TS Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh và hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam. Con rể Đinh Trọng Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Thế giới điện ảnh (Hội Điện ảnh Việt Nam) là nhà lý luận phê bình điện ảnh sắc sảo. Cả 2 cha con Ngô Phương Lan đều tốt nghiệp Trường Điện ảnh quốc gia Moskva - VGIK và cùng nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật ở lĩnh vực điện ảnh (cha Ngô Mạnh Lân nhận giải thưởng năm 2007 và 10 năm sau - 2017 con gái cũng nhận giải thưởng cao quý này).
Đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ là thế hệ thứ 3 tự hào được nuôi dưỡng trong gia đình nghệ sĩ nổi tiếng đã có nhiều đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà.
Tình yêu không tuổi
Đam mê nghệ thuật không có giới hạn “Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc” (Thanh Hải), ở tuổi 85 (cuối năm 2019), ông còn mở triển lãm Nét thời gian tổng kết lại chặng đường làm nghệ thuật và nhận được bao tình cảm yêu mến của gia đình, đồng nghiệp, học trò và công chúng Thủ đô. Và nửa năm sau (6/2020), ông có mặt chứng kiến người bạn đời của mình - NSND Ngọc Lan ra mắt tập thơ Nặng tình. Cặp đôi nghệ sĩ Mạnh Lân - Ngọc Lan dường như sinh ra để cho nhau.
Tròn 60 năm kể từ ngày ấy chàng sinh viên VGIK vừa chạm mặt nữ diễn viên chính cô Nhàn - Ngọc Lan (đại diện cho đoàn Việt Nam và diễn viên Bôn-đa-chúc của nước chủ nhà kéo lá cờ khai mạc LHP Quốc tế Moskva lần thứ II năm 1961) đã bị chinh phục. Họ đã đi qua bao chặng đường khó khăn để xây dựng, vun đắp gia đình hạnh phúc. Ông dẫu đi trước chắc sẽ cảm nhận được sự ấm áp bởi có tình yêu của người bạn đời thủy chung dành cho mình qua vần thơ:
“Hàng đêm bên nhau ta như hai người bạn
Em lo cho anh lúc trái nắng trở trời
Mỏi gối nhức đầu trằn trọc đêm khuya lạnh
Anh vững lòng vì luôn có em ở bên”…
Tác giả của 17 phim hoạt hình Về phim hoạt hình Việt Nam, ông là tác giả thực hiện 17 bộ phim hoạt hình, họa sĩ 5 phim thuộc các thể lọai hoạt hình và khoa học. Có thể kể đến những bộ phim hoạt hình của ông từ năm 1963 đến 1994, như: Một ước mơ (1963), Mèo Con (1965), Con sáo biết nói (1967), Những chiếc áo ấm (1968), Chuyện ông Gióng (1970), Rồng lửa Thăng Long (1970), Rừng hoa (1974), Thạch Sanh (1976), Bước ngoặt (1982), Trê cóc (1993), Bộ đồ nghề nổi giận, Phép lạ hồi sinh (1994)… Mỗi bộ phim thể hiện nỗ lực tìm tòi, sáng tạo bền bỉ của họa sĩ Ngô Mạnh Lân. Vì thế, qua 17 bộ phim, ông đã định hình được dấu ấn phong cách riêng. Không lạ khi NSND Ngô Mạnh Lân là người đầu tiên trong làng hoạt hình nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. |
Ngô Mạnh Lân và các giải thưởng - Phim Mèo con đoạt giải Bồ nông Bạc tại LHP Quốc tế Mamaia, Rumani (1966). - Phim Những chiếc áo ấm (búp bê màu, 1968) đoạt Giải Bông sen Vàng; phim Mèo con đoạt giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ I (1970). - Phim Chuyện ông Gióng (kịch bản: Nhà văn Tô Hoài) đoạt Giải Bồ câu Vàng tại LHP Quốc tế Leipzig - Đức (1971); Giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ II (1973). - Phim Trê cóc (1994) và Phép lạ hồi sinh đoạt Giải B - giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1995. - Cuốn sách Hoạt hình - Nghệ thuật thứ 8 (NXB Văn hóa) nhận Giải thưởng chính thức của Hội điện ảnh Việt Nam năm 1999. Ông đã nhận được 6 giải thưởng về mỹ thuật (1 giải A triển lãm đồ họa - Hội Nghệ sĩ tạo hình; 1 giải quốc gia về minh họa sách thiếu nhi (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và UNICEF; 2 giải Nhất, 2 giải Nhì triển lãm áp phích của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL). Ngô Mạnh Lân là 1 trong các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam có mặt trong Bách khoa toàn thư Điện ảnh Liên Xô. Năm 1991, ông được phong hàm Phó Giáo sư. Năm 1997, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Năm 2007, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về về Văn học Nghệ thuật (đợt 2) cho cụm tác phẩm phim hoạt hình (Mèo con, Chuyện ông Gióng, Con sáo biết nói, Những chiếc áo ấm, Trê cóc). |
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất