Libya bàn tới thời "hậu" Gaddafi

21/08/2011 08:06 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Trong nhiều tháng, quân chống đối chính phủ đang nỗ lực lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Libya Moammar Gaddafi. Giờ đây, sau nhiều tuần giành được những chiến thắng quan trọng, đẩy ông Gaddafi vào chân tường, phe chống đối đã bắt đầu bàn luận về một tương lai mới của đất nước khi không còn ông nắm vị trí cầm quyền cao nhất.


Thời gian ngắn gần đây, quân chống đối ở Libya đã liên tiếp giành được các thắng lợi trước quân chính phủ

Dấu hiệu sự đi xuống của chính quyền Libya xuất hiện thông qua việc quân chống đối liên tiếp giành chiến thắng và nhiều lãnh đạo cao cấp đã vội vã đào tẩu.

Sự trốn chạy của các lãnh đạo cao cấp

Nguồn tin quân chống đối hôm 20/8 nói rằng họ đã chiếm toàn bộ trung tâm dầu mỏ chiến lược Brega ở miền Đông đất nước. Trong gần một tháng qua, với sự hậu thuẫn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), quân chống đối đã tìm cách chiếm Brega, vốn cách thành trì Benghazi của họ khoảng 240 km về phía Tây Nam. Thành phố này trước đây là con đường huyết mạch trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ từ miền Trung của Libya.

Ngoài ra, quân chống đối còn đẩy lui quân chính phủ khỏi thành phố mang vị trí chiến lược Zawiya. Thành phố này chỉ nằm cách phía Tây thủ đô Tripoli có 50km. Tại phía Tây, thành phố Zlitan cũng rơi vào tay quân chống đối. Việc chiếm các thành phố này đã cắt đứt hoàn toàn các nguồn cung nhiên liệu và nhiều hoạt động tiếp tế khác cho thủ đô.

Phe chống đối càng có thêm lý do để ăn mừng bởi sự đào tẩu của hàng loạt nhân vật lãnh đạo cao cấp trong chính quyền Libya. Đó là Abdessalem Jalloud, nhân vật từng nắm tới ghế Thủ tướng, đã quyết định cùng gia đình chạy trốn sang Italia.

Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu lửa Omran Abukraa cũng đã nhân một chuyến công du nước ngoài trốn chạy sang Tunisia và quyết định không trở lại quê hương. Hồi đầu tuần, Nasser al-Mabruk Abdullah, một quan chức an ninh cao cấp của Libya đã bỏ chạy sang Cairo, Ai Cập.

Vấn đề an ninh thời hậu chiến   

Tin tức thắng lợi đã khiến phe chống đối ở Libya tự tin bàn về một tương lai mới thời hậu Gaddafi.

Hãng tin Reuters cho biết mối quan tâm lớn nhất của họ hiện nay là tránh tình trạng hôi của và giết chóc lan tràn diễn ra tại Baghdad, theo sau cuộc tấn công vào Iraq của liên quân quốc tế do Mỹ cầm đầu hồi năm 2003.


Một số dự báo cho rằng sự tồn tại của chính quyền do ông Gaddafi lãnh đạo chỉ còn tính bằng tuần, thậm chí bằng ngày.

Các mâu thuẫn nội bộ và vụ ám sát một lãnh đạo quân sự của phe chống đối thời gian gần đây đã làm dấy lên những nghi ngờ về việc liệu họ có còn đoàn kết, khi quyền kiểm soát đất nước không còn nằm trong tay ông Gaddafi. Giới lãnh đạo quốc tế cũng bày tỏ sự quan ngại về viễn cảnh mất ổn định.

Nhưng phe chống đối khẳng định việc họ nắm quyền sẽ dẫn tới chuyện các đảng phái sẽ cùng nhau tham gia bầu cử để tạo ra một nền dân chủ thực sự, chứ không phải dẫn đến một cuộc nội chiến hủy diệt.

Trong nhiều tháng qua, một lực lượng không nhỏ quân chống đối đã được lực lượng an ninh Qatar trực tiếp giúp đỡ huấn luyện. Họ sẽ đóng vai trò nòng cốt, đảm bảo công tác an ninh tại các vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng và nhiều di tích ở Tripoli. “Chúng tôi đã sẵn sàng để nắm quyền điều hành” - Abu Oweis, sáng lập viên kiêm tư lệnh sư đoàn Tripoli do Qatar giúp đào tạo nói. Oweis cũng cho biết binh lính của ông sẽ có nhiệm vụ bắt hơn 100 nhân vật trung thành với ông Gaddafi, hiện đã được xem là tội phạm hình sự và là lực lượng gây rắc rối cho tương lai.

Bên cạnh công tác an ninh, phe chống đối còn tích cực vận động để cộng đồng quốc tế gấp rút ghi nhận chính quyền của họ. Hiện họ đã nhận được sự thừa nhận về mặt ngoại giao từ khá nhiều nước trên thế giới, gồm cả Mỹ. Sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đóng vai trò chủ chốt, đã giúp quân chống đối tiếp cận được nhiều tài sản của chính quyền Libya bị đóng băng. Việc mua sắm vũ khí đạn dược để chiến đấu với quân chính phủ cũng trở nên dễ dàng hơn.

 Nhiều thách thức đang chờ đón

Trong khi phe chống đối rất lạc quan vào viễn cảnh tương lai của Libya thời hậu Gaddafi thì giới phân tích vẫn chỉ ra rằng tình hình an ninh ở quốc gia châu Phi sẽ sớm trở nên xấu đi. Thậm chí trong kịch bản tồi tệ nhất, một cuộc nội chiến sẽ xảy ra giữa các nhóm quyền lực, đại diện cho các chính trị gia, bộ tộc, cộng đồng dân cư khác nhau trong nước.

Ngăn chặn khả năng xảy ra hỗn loạn và đổ máu sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng của phe chống đối trong việc thương thuyết, nhượng bộ các lực lượng trung thành với ông Gaddafi và việc kiến tạo một tiến trình chính trị, trong đó mọi bộ phận của xã hội Libya đều có tiếng nói.

Phe chống đối cũng phải tránh việc lặp lại sai lầm ở Iraq và Afghanistan, trong đó quyền lực kinh tế và chính trị của đất nước chỉ tập trung trong tay một bộ phận nhỏ người, gây nên tham nhũng và bất công.  Họ phải chứng tỏ mình không phải lực lượng bù nhìn do Mỹ và NATO lập nên, thông qua những chính sách điều hành đất nước độc lập, sáng suốt.  Họ cũng phải đảm bảo an ninh, sự tôn trọng luật pháp thời kỳ hậu chiến, trong khi vẫn phải tìm cách cung ứng hàng viện trợ nhân đạo cho các cộng đồng người cần sự giúp đỡ và tái kích thích nền kinh tế.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm