03/01/2013 14:35 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Trước việc Nghị định 79 có hiệu lực, NSƯT Trần Quốc Chiêm - Phó GĐ Sở VH,TT&DL Hà Nội; ông Hoàng Tuấn, Giám đốc HT Production; bà Trương Thu Dung, Giám đốc hãng băng nhạc Rạng Đông có những chia sẻ:
NSƯT Trần Quốc Chiêm |
NSƯT Quốc Chiêm cho biết, Sở đã đề nghị bổ sung vào thủ tục cấp phép trong Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 79. Tại mục b Khoản 1 Điều 9 của Nghị định 79 còn thiếu thủ tục: Cung cấp hợp đồng biểu diễn nghệ thuật giữa đơn vị và nghệ sĩ tham gia trong chương trình (các thông tin của nghệ sĩ). Lý do: Đây là một trong những điều kiện bắt buộc và nhất thiết phải đưa vào văn bản pháp quy nhằm hạn chế, tránh trường hợp sau khi được cấp giấy phép, đơn vị tổ chức sử dụng nghệ sĩ trùng tên để quảng cáo mạo danh nghệ sĩ có tên tuổi, lừa khán giả mua vé xem chương trình. Đây là vi phạm phổ biến nhất đã và đang xảy ra trên thực tế mà báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng luôn quan tâm và thực tế gây khó dễ cho công tác quản lý trong thời gian vừa qua.
Ngoài ra, Sở cũng cho rằng, khoản 2 Điều 2 quy định: “Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hợp sơ hợp lệ, Sở VH,TT&DL nơi tổ chức có trách nhiệm trả lời bằng văn bản” là không khả thi và không phù hợp với thực tế. Việc tiếp nhận hồ sơ được thực hiện theo trình tự như sau: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (một cửa) - phòng chuyên môn (thẩm định: cán bộ chuyên môn - lãnh đạo phòng) - trình ban giám đốc ký - phòng chuyên môn - Bộ phận một cửa: trả kết quả.
Như vậy, trong thời hạn 2 ngày là không đủ thời gian để cơ quan quản lý xem xét và trả lời (chưa tính hồ sơ gửi qua đường bưu điện). Vì thế, Sở đề nghị thời hạn này là 5 ngày.
Hoàng Lê (ghi)
Để tránh “treo đầu dê bán thịt chó”
Nghị định tuy ra đời muộn nhưng vẫn rất có giá trị. Ngoài những điều rất thuận tiện cho các nhà sản xuất băng đĩa hoặc tổ chức biểu diễn tôi thấy còn vài vấn đề như: Cần tăng cường lực lượng để theo dõi, kiểm tra hoạt động biểu diễn. Những vụ việc dẫn đến xử phạt vừa qua, tất cả là do sự phát hiện của báo chí chứ không phải cơ quan quản lý.
Hình phạt hiện nay được xem là quá nhẹ không đủ sức răn đe, cơ quan quản lý cần mạnh tay hơn nữa nhất là việc cấm biểu diễn có thời hạn, đó cũng là điều mà các ca sĩ rất sợ.
Trong việc cấp phép biểu diễn cần có hợp đồng biểu diễn của ca sĩ đối với nhà tổ chức, để tránh tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” như đã diễn ra trong năm qua, mà nhiều nhất là ở các tỉnh miền Tây. (Ông Hoàng Tuấn, Giám đốc HT Production)
Dẹp bỏ nạn “phép vua thua lệ làng”
Việc không bắt buộc giấy chứng nhận đã đóng tác quyền trong hồ sơ xin cấp phép sản xuất băng đĩa tạo nhiều thuận lợi cho nhà sản xuất. Việc Sở VH,TT&DL tỉnh, thành cấp luôn “tem” cho đĩa nhạc giúp rút ngắn thời gian, nhà sản xuất không tốn thời gian đợi Cục xét hồ sơ để cấp “tem”.
Tuy nhiên giấy phép biểu diễn và sản xuất băng đĩa có thời hạn 3 tháng đối với ca sĩ hải ngoại là quá ngắn. Sau khi có giấy phép, nhà sản xuất tiến hành làm đĩa đến lúc hoàn thành mang lên Sở thì đã quá thời hạn cấp phép. Theo quy định mới hiện nay thì phải xin phép lại từ đầu chứ không gia hạn, điều này mất rất nhiều công sức và thời gian.
Với việc giấy phép tổ chức biểu diễn có hiệu lực trên toàn quốc, bỏ giấy tiếp nhận của địa phương (trừ những địa điểm hạn chế đã ghi trong giấy phép) cũng là điều rất tiến bộ, nó giúp dẹp bỏ tình trạng “phép vua thua lệ làng” đã từng diễn ra trong thời gian qua. (Bà Trương Thu Dung, Giám đốc hãng băng nhạc Rạng Đông)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất