NSƯT Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Chúng tôi phải giữ 'phong vị hài kịch' riêng

19/03/2024 19:15 GMT+7 | Văn hoá

Ngay từTết 2024 vừa qua, nhiều người đã bất ngờ khi thấy Nhà hát Tuổi trẻ công diễn chùm hài kịch Tiếng gọi mùa Hè về một đề tài xã hội khá "nặng đầu": Những bất cập trong giáo dục. Để rồi, như chia sẻ từ Nhà hát, cách tiếp cận này đang mang tới những kết quả khá tích cực trong giai đoạn đầu.

Đáng nói, nếu không kể vở hài kịch dài Cái ao làng năm 2022, Tiếng gọi mùa Hè có thể coi là cột mốc đánh dấu sự trở lại của Nhà hát Tuổi trẻ sau dịch Covid-19 với việc dàn dựng những chùm tiểu phẩm hài - thế mạnh truyền thống của mình.

Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.

* Anh có thể chia sẻ về việc Nhà hát chọn đón "mùa Hè" ngay từ đầu Xuân năm nay?

- Thật ra Tiếng gọi mùa Hè cũng không nằm ngoài truyền thống của Nhà hát: Khai Xuân bằng những chương trình ca múa nhạc trẻ trung đan xen chùm hài kịch đặc sắc. Có điều, chương trình năm nay được thiết kế để có thể trình diễn xuyên suốt trong năm 2024 với phần âm nhạc có kết cấu linh hoạt, được thay đổi phù hợp với từng thời điểm trong năm. Chọn cách tiếp cận này, chúng tôi mong muốn sẽ ngày càng kéo dài thêm đời sống của các vở diễn sân khấu, từ đó giúp chúng đến được với nhiều khán giả hơn.

Nhìn chung, từ Tết Nguyên đán đến nay, Tiếng gọi mùa Hè được diễn định kỳ hàng tuần và bước đầu đạt được những kết quả như kỳ vọng. Nhiều khán giả phản hồi rằng họ mua vé tới xem cũng bởi tò mò về tên gọi, để rồi công nhận Tiếng gọi mùa Hè rất "Xuân" và không hề "nặng đầu" (cười).

NSƯT Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Chúng tôi phải giữ 'phong vị hài kịch' riêng - Ảnh 1.

NSƯT Sĩ Tiến

* "Tiếng gọi mùa Hè" được dàn dựng ở thời điểm nhiều nghệ sĩ có tiếng đã nghỉ hưu và chia tay Nhà hát Tuổi trẻ . Vậy, Nhà hát  lấp đầy khoảng trống ấy với các gương mặt hiện có bằng cách nào?

- Mọi người đều biết, Nhà hát Tuổi trẻ có một "phong vị hài kịch" riêng, được tạo dựng bởi sự sáng tạo nối tiếp của nhiều thế hệ nghệ sĩ suốt những năm qua. Tất yếu, mục tiêu của chúng tôi là giữ được nét đặc thù ấy, với tiếng cười sâu sắc, ý nhịmà vẫn đủ tạo ra những giây phút giải trí tích cực.

Thời gian qua, khi dựng vở, chúng tôi thường đưa ra những phương án phân vai đa dạng để những gương mặt có tiềm năng được phối hợp cùng các nghệ sĩ có nghề, giàu kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, với cách làm này, nghệ sĩ có thể bắt nhịp với nhau rất nhanh để dẫn dắt mạch kịch một cách nhuần nhuyễn. Thêm nữa, mỗi vở diễn của Nhà hát đều được dàn dựng với 2 ê-kíp diễn viên để mỗi nghệ sĩ đều có cơ hội thử sức với các dạng vai diễn khác nhau. Có nhiều trường hợp, trong cùng một vở diễn, một nghệ sĩ đảm nhận 2 vai diễn khác nhau ở cả 2 ê-kíp diễn.

Xa hơn, vài năm gần đây, chúng tôi áp dụng phương pháp casting diễn viên để tìm ra nghệ sĩ phù hợp với vai diễn. Rồi, nhiều nghệ sĩ trẻ được trao cơ hội tự lựa chọn mẫu vai mà mình tâm đắc để thử sức… Cách làm này không chỉ diễn ra với hài kịch mà còn được áp dụng cho mọi loại hình biểu diễn của Nhà hát.

NSƯT Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Chúng tôi phải giữ 'phong vị hài kịch' riêng - Ảnh 2.

Một cảnh trong chương trình hài kịch “Tiếng gọi mùa hè”

* Thương hiệu "Đời cười" vẫn được Nhà hát đều đặn khai thác lại khá thường xuyên. Vậy, việc chọn lọc những tiểu phẩm từ "di sản" này được thực hiện theo tiêu chí nào?

- Đời cười không chỉ là thương hiệu, mà còn là một bảo chứng cho các tiết mục hài kịch chất lượng gắn với tên tuổi Nhà hát nhiều năm qua. Chúng tôi mong muốn gìn giữ những giá trị độc đáo của Đời cười, nên việc khai thác nó luôn gắn liền với cách ứng xử riêng cho từng tác phẩm. Nhìn chung, các tiểu phẩm được lựa chọn phục dựng đều có sự cân nhắc, đánh giá về thị hiếu khán giả, về bối cảnh đời sống khi tiểu phẩm ra đời, về thời điểm trình diễn hiện tại.

Có thể lấy ví dụ: Năm 2023, trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 45 năm thành lập Nhà hát, chúng tôi chọn tổ chức một số đêm diễn đặc biệt với sự góp mặt của những nghệ sĩ gắn bó với Đời cười từ thập niên 2000, khi sê-ri hài kịch này ra đời. Còn sắp tới, Nhà hát sẽ phục dựng chuỗi tiểu phẩm Bến Ôsin (Đời cười 5) từng gây tiếng vang lớn trong giai đoạn năm 2005.

* Câu hỏi cuối: bối cảnh "đối thủ" của sân khấu không chỉ có ca nhạc, điện ảnh mà còn là sự bùng nổ của mạng xã hội, các anh giải quyết bài toán tiếp cận khán giả trẻ như thế nào?

- Tôi chỉ xin nói thế này: Sân khấu quả thật gặp khó khăn rất lớn rước sự cạnh tranh tranh của nhiều loại hình giải trí nhanh trên mạng xã hội. Nhưng chúng tôi vẫn đang nỗ lực hết sức, và luôn tin tưởng vào sức sống của sân khấu. Bao giờ cũng vậy, một vở diễn được biểu diễn trực tiếp vẫn sẽ luôn có vẻ đẹp riêng.

NSƯT Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Chúng tôi phải giữ 'phong vị hài kịch' riêng - Ảnh 4.

Có những thực tế đôi khi đi ngược lại nhận định của những người bi quan. Cụ thể, theo ghi nhận của Nhà hát, những năm gần đây, khán giả ở độ tuổi học sinh, sinh viên ngày càng quan tâm đến sân khấu hơn. Và họ, Nhà hát Tuổi trẻ không chỉ để giải trí cuối tuần với những vở hài kịch, mà còn đón xem cả những vở diễn chính luận, xem kịch Lưu Quang Vũ, kịch kinh điển, hay các vở diễn có yếu tố nước ngoài.

 Tất nhiên, trước xu thế hiện tại, chúng tôi cũng có chiến lược để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả qua việc cung cấp thêm những trải nghiệm phong phú tại mỗi đêm diễn. Chẳng hạn, xây dựng không gian nghệ thuật sắp đặt tại các khu vực ngoại vi sân khấu, bố trí cho khán giả chụp ảnh, giao lưu cùng các nghệ sĩ trước và sau đêm diễn, tặng các phần quà, livestream tổ chức trò chơi, tương tác với khán giả trên các kênh mạng xã hội....

* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nối dài mùa Hè

Song song với hài kịch, Nhà hát Tuổi trẻ cũng dự kiến ra mắt mùa diễn đặc biệt có tên Mùa Hè yêu thương vào dịp Hè, với các vở diễn dành cho thiếu nhi: Vị vua không ngai, Bữa tiệc của Elsa, nhạc kịch Zorba, chú mèo thám tử (hợp tác với Hàn Quốc), kịch rối Giải cứu bà ngoại (hợp tác với Bỉ).

Cúc Đường (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm