14/01/2012 11:48 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - “Gia đình 5 người như một bàn tay, đụng chạm vào ngón nào cũng đều đau xót cả” - có lẽ, lần đầu tiên, NSƯT Lê Vi nói về những “sóng gió” xung quanh Tự truyện Lê Vân… Như một cơ duyên, NSƯT Lê Vi cùng chồng và 3 con trở về nước đúng dịp LHP Việt Nam lần thứ 17 diễn ra tại Phú Yên và ở lại quê nhà đón Tết.
NSƯT Lê Vi tâm sự với TT&VH: “Khi dứt bỏ tất cả sang bên kia, thấy cuộc sống ngày xưa vất vả quá. Tôi vừa đi diễn, vừa lo cho gia đình, vì tính mình luôn muốn như vậy… Đến giờ khi đã thích nghi với cuộc sống bên kia, có lúc ngồi tĩnh lại và tự hỏi tại sao mình sướng thế này. Tầm tuổi này nghĩ cho cùng với người phụ nữ hạnh phúc gia đình là tất cả. Tôi cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống hiện có. Còn sự nghiệp, suy cho cùng, cũng chỉ là khát vọng tuổi trẻ”.
Tôi không đòi hỏi những thứ ngoài tầm với
* Một NSND kỳ cựu của ngành múa từng nói, tiếc những tài năng múa như Lê Vi theo chồng “bỏ cuộc chơi”…
- Nếu có người tiếc như thế, thì tôi sẽ mừng hơn là mình phải tiếc. Tôi không hề hối hận vì đã chọn đúng điểm dừng, lúc mà mọi người còn nghĩ đến mình, chứ không phải thời điểm mình không còn vị trí nữa mà buộc phải ra đi. Sự chọn lựa có thể là đúng, nhưng nói thật, không phải ai cũng dũng cảm làm điều đó vì để đi đến quyết định như vậy phải có dũng khí. Đến giờ, tôi thấy mình đã nhìn đúng hướng, tôi đã chọn lựa và đã lựa chọn đúng.
Tôi lập gia đình năm 27 tuổi. Sau khi cháu lớn 8 tuổi thì mới sinh cháu thứ hai. Lúc đầu chỉ nghĩ là về Pháp sinh cháu, nhưng khi quay trở lại thì dừng hẳn. Bạn vừa hỏi có tiếc không, thì có lẽ đúng là tiếc vì mình còn lửa nghề, còn có thể kéo thêm vài năm nữa cũng được. Nhưng lúc đó tôi đặt gia đình lên trên. Không thể một chốn đôi nơi mãi được.
NSƯT Lê Vi (bìa trái) và chị gái - NSND Lê Khanh
* Chị dừng mọi hoạt động nghệ thuật không có chút gì vương vấn ư?
- Tôi nói đùa, tim tôi có nhiều ngăn, tôi dành một ngăn cho nghệ thuật để cất giữ. Nó không bao giờ chết cả, vẫn nguyên vẹn. Nói không vương vấn thì không đúng. 10 tuổi đã học múa, nên đến tận giờ, cứ thấy nhạc lên là phấn chấn, thấy mạch máu trong người chảy dồn dập.
* Nhưng chị có nghĩ rằng, nếu ở VN, chị vẫn sẽ có một gia đình hạnh phúc, một sự nghiệp vẻ vang?
- Chắc chắn. Nhưng cái gì cũng có giá của nó. Tôi vẫn là Lê Vi, thời nào hay ở đâu cũng thế. Nếu có thêm việc thì vẫn phải gồng mình lên. Khi bước vào một cuộc sống khác, thấy một lỗ hổng rất lớn, khi thiếu người thân, thiếu công việc, thiếu một cái gì đó vô cùng lớn. Ban đầu định sinh con xong, quay về sống cuộc sống của ngày xưa, được múa, được làm nghệ thuật. Có những lúc, tôi thấy cuộc đời sao bất hạnh thế, không ai bất hạnh hơn mình… Có lẽ, đó là cảm giác đầu tiên của những người xa quê. Năm 2005, một lần nữa sống lại với nghề, trở lại với hai phim truyền hình: Nghề báo và Miền quê thức tỉnh… Tôi đã sống để thấy khao khát của mình có thật sự không. Nhưng sau khi đã thỏa mãn thì thấy mình không thể sống được như thế vì mình còn chồng, còn con cần đến bàn tay chăm sóc. Thế là tôi quyết định trở thành một người phụ nữ của gia đình. Một ngày đẹp trời ngồi ngoài vườn, nhìn nhắm bầu trời, tôi muốn hét lên, sao mình sướng thế. Tôi mong muốn trong hoàn cảnh như thế là đủ. Tôi không đòi hỏi quá cái mình đang được, không đòi hỏi những thứ ngoài tầm với. Mà với tôi, thứ ngoài tầm tay bây giờ là sống như ở bên đó và làm nghề như ở đây.
Bây giờ tôi cảm thấy thanh thản
* Bây giờ, chị có muốn trải nghiệm như năm 2005 đó không?
- Tất cả những gì tôi muốn, chồng đều chiều hết. Nếu tôi ở lại đây, tôi sẽ thấy lo lắng, day dứt vì một phần còn ở bên kia mất rồi. Không thể lo được đủ đầy cho cả hai mảng. Nếu không làm được, thì đành phải bỏ mảng đó đi.
Lần này về tham dự LHP, tôi thấy vui về tinh thần. Hai cháu nhỏ không hề biết mẹ làm nghệ thuật. Cô giáo hỏi bố làm gì, thì các cháu trả lời bố làm việc ở trên gác, còn mẹ làm gì, các cháu bảo, mẹ ở trong bếp. Vì thế, tôi vui vì khi các cháu đến LHP, các cháu đã thấy một phần nghề nghiệp đã qua của mẹ chứ không phải chỉ là mẹ ở trong bếp.
* Bố mẹ còn ở VN, có khi nào chị băn khoăn lo lắng về điều đó?
- Đương nhiên. Năm đầu tiên khi bắt buộc phải ra đi, điều đầu tiên là nghĩ tới bố mẹ. Gia đình có ba chị em, mẹ thích ở với gia đình tôi nhất. Dứt áo ra đi, nghĩ mình bất hiếu vô cùng. Tôi đã khóc rất nhiều và cứ nghĩ sinh con đủ khỏe, sẽ về VN sống với bố mẹ. Nhưng rồi nghĩ lại, nếu mình làm vậy, lúc đó bố mẹ anh ấy thì sao? Bố mẹ anh ấy mất con gần 10 năm ở VN. Nghĩ đi, lại phải nghĩ lại. Ở nhà có chị Vân, chị Khanh. Bố ở chị Vân, mẹ ở với chị Khanh, mọi người động viên tôi lo cho ổn định cuộc sống. Rất may có hai chị, sống có hiếu, đó là chỗ dựa tinh thần để tôi yên tâm. Nếu không có hậu phương tốt như vậy, tôi không thể nói chuyện vui vẻ với các bạn như vậy. Ở bên kia, tôi chăm sóc cho bố mẹ chồng như là bố mẹ mình vậy. Tôi cảm thấy nghĩa vụ làm con không đặt ở đây thì đặt ở nơi khác, có những người cha mẹ luôn cần có mình. Giờ tôi cảm thấy thanh thản…
* Thời điểm năm 2005-2006, khi Tự truyện Lê Vân ra mắt, chắc chắn “sóng gió” đã nổi lên trên dư luận và cả gia đình, sóng gió ấy có sang tận… Pháp?
- Không như mọi người nghĩ đâu. Gia đình tôi hiểu nhau, chỉ có điều không nói ra. Gia đình 5 người như một bàn tay, có động chạm một chút cũng đau xót rồi. Lúc đó chúng tôi hiểu nhau hơn, thương cảm hơn và không đổ lỗi lại ai. Cuộc sống là vậy, lúc cái trúc trắc xảy ra, nhưng trong lúc khó khăn, hãy nhìn lại mình để gắn lại vết thương và sống cho nhau. Đến giờ, không ai nói lại một lời nào về chuyện đó nhưng cảm thấy hiểu và gắn bó nhau hơn. Đọc những điều như thế, tôi thương bố, thương chị lắm chứ. Gia đình chúng tôi đối xử với nhau bằng tình cảm không bằng lời đâu. Không trốn tránh báo chí, nhưng tôi không thể nói được gì, mà những người trong gia đình hãy tự cảm nhận và hiểu nhau hơn.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Hà Chi (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất