15/03/2012 09:20 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Sau 6 suất diễn phục vụ khán giả yêu kịch Sài Gòn tại rạp Công Nhân (7 - 12/3), Nhà hát Tuổi Trẻ tiếp tục có một tuần lễ vòng quanh các trường đại học với vở chính kịch Nhà có năm anh em trai (tác giả: Nguyễn Thu Phương, đạo diễn: NSƯT Anh Tú). NSƯT Anh Tú, Trưởng đoàn 1 Nhà hát Tuổi Trẻ, đã chia sẻ với TT&VH về chuyến “du Nam” lần này.
* Nhà hát Tuổi Trẻ thường lựa chọn những tiết mục như thế nào để giới thiệu với khán giả trong những chuyến lưu diễn như thế này thưa anh? Theo “gu” khán giả miền Nam hay những đại diện đậm “phong vị Bắc”?
- Thực ra chúng tôi chưa có điều kiện nghiên cứu thị hiếu khán giả miền Nam, mà các vở đưa đi cũng không hẳn đậm chất Bắc. Tiêu chí của chúng tôi là phải mang đi những vở thật hay, thật hấp dẫn. Những vở đã chinh phục được khán giả Thủ đô thì chắc chắn khán giả TP.HCM cũng sẽ thích.
* Nhưng rất có thể đấy là một sự mạo hiểm vì cả hai vở Cô gái đội mũ nồi xám (kịch bản: Lưu Quang Vũ) - cổ điển và đầy chất thơ, và Nhà có năm anh em trai (phóng tác từ truyện ngắn Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp) - một vở chính kịch “khá nặng” - có vẻ không hợp với khán giả Sài Gòn?
- Đúng, khán giả TP.HCM ít có dịp xem kịch loại này nhưng đấy cũng là lợi thế khi một món ăn mới lạ dễ gây ấn tượng với khán giả hơn. Mà một vở diễn hay thì ở đâu cũng sẽ được đón nhận. Những suất diễn vừa qua khán giả TP.HCM đã dành cho chúng tôi rất nhiều tình cảm. Đặc biệt là vở Nhà có năm anh em trai được khán giả rất thích. Tôi rất xúc động khi có những khán giả sau buổi diễn đã đứng chờ bắt tay tôi và nói rằng cám ơn đoàn đã cho xem một vở diễn hay như thế. Mà đấy là khán giả “Nam Bộ rặt”, bỏ tiền mua vé xem vở đàng hoàng chứ không phải “khán giả vé mời”.
* Có thể nói Nhà hát Tuổi Trẻ là “chịu chơi” nhất làng kịch cả nước khi cứ hai năm một lần lại “hành phương Nam”. Chắc hẳn ngân sách cho những chuyến đi cũng dư dả?
- Hoàn toàn không phải vậy. Mỗi chuyến lưu diễn của chúng tôi hoàn toàn là tự hạch toán, tự thân vận động hết, có thua lỗ thì cũng ráng mà chịu. Tất cả đều trông vào tiền bán vé. Để chuẩn bị cho chuyến đi này, chúng tôi đã phải chuẩn bị từ tháng 10 năm ngoái: từ chuyện liên hệ rạp, chỗ ăn nghỉ cho anh em sao cho hợp túi tiền, rồi tìm nguồn tiêu thụ vé. Như năm nay, chúng tôi đã không thể vào được Nhà hát TP.HCM như mọi lần vì “không chịu nổi” tiền thuê (đến 38 triệu/suất diễn).
* Đã nhiều lần dẫn đoàn vào Nam, lần trở lại này với anh có gì mới không?
- Tôi thấy khán giả Sài Gòn thì vẫn vậy, vẫn nồng nhiệt với kịch Bắc. Nhưng cũng ngày càng “khó” hơn, đòi hỏi cao hơn vì vậy chúng tôi càng phải lựa chọn kịch bản kỹ lưỡng hơn, tập luyện ngon lành hơn trong mỗi chuyến lưu diễn. Và có một điều, thuộc về cảm nhận thôi, làm tôi thấy tiếc là dường như cả Hà Nội và Sài Gòn, tôi cũng không nhớ mình đã vào đây bao nhiêu lần rồi, có nhiều công trình hoành tráng hơn nhưng cũng ngày càng mất đi những vẻ lãng mạn vốn có.
* Cám ơn những chia sẻ của anh!
Ngọc Tuyết
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất