Đạo diễn Việt Tú: Kẻ “lũng đoạn” thị trường showbiz

01/03/2012 07:19 GMT+7 | Giải Cống hiến


(TT&VH Cuối tuần) - 7 năm trước, với Con đường âm nhạc, Việt Tú và ê-kíp của mình đã chiến thắng tại giải thưởng Cống hiến lần thứ nhất, năm 2005, ở hạng mục Chương trình của năm. Và nay, anh lập kỷ lục in vân tay lên 3 trên 5 chương trình lọt vào chung kết hạng mục này, cả 3 hoàn toàn khác biệt về phong cách, nhưng có chung ấn tượng không thể phủ nhận: Hồ Ngọc Hà Live Concert tạo tiếng vang lớn trên thị trường âm nhạc với sự hoành tráng, hiện đại được xem là lá cờ đầu cho công nghệ giải trí hiện nay. Những chuyến đi của Tùng Dương là chất lượng đỉnh cao về live show “nghe” của một ca sĩ. Không gian âm nhạc đã tạo một địa chỉ nghe chất lượng và đáng tin cậy dành cho những khán giả muốn khám phá vẻ đẹp đích thực của âm nhạc (thông cáo báo chí giải Cống hiến).

Nhưng ít ai biết rằng người như được sinh ra để trở thành đạo diễn đắt sô nhất và đạo diễn của những sô đắt nhất trong làng ca nhạc Việt, lại từng là sinh viên… dốt của Nhạc viện Hà Nội. Và người nói thẳng vào mặt anh điều này cũng lại chính là người có công “khai phá” một tài năng đạo diễn ca nhạc mang tên Việt Tú: ca sĩ Trần Thu Hà.

Bị Hà Trần từ chối vì… học dốt!

Trần Thu Hà và Việt Tú thật sự có duyên đụng nhau. Năm 2001, sau một thời gian dài loanh quanh và loay hoay với nhiều thử nghiệm âm nhạc, từ Trần Tiến, Dương Thụ, Bảo Chấn, Ngọc Châu…, Trần Thu Hà vẫn là một giọng hát tiềm năng, nhưng chưa ai dám chắc cái tiềm năng đó nằm ở đâu. Thì Hà gặp Ngọc Đại và Đỗ Bảo. Rồi họ có Nhật thực vào năm 2002, một ngã rẽ thông minh mà từ đó Trần Thu Hà đã trở thành một Hà Trần hấp dẫn trong sự biến ảo, đẳng cấp trong sự văn minh, nhanh chóng được tấn phong “diva thứ tư” của nhạc Việt.

Khi thực hiện show Nhật thực, Trần Thu Hà mời Phạm Hoàng Nam, lúc bấy giờ đã là một tên tuổi trong làng ca nhạc, làm đạo diễn, tuy nhiên đạo diễn này đã từ chối vì cảm thấy không hợp với những ca khúc trong Nhật thực. Việt Tú bỗng dưng trở thành giải pháp thay thế. Thực ra, Hà mời Tú, xuất phát từ gợi ý của anh trai (một họa sĩ, đồng thời cũng là người thiết kế sân khấu cho live show này) làm đạo diễn các video clip cho chương trình, chứ người “đạo diễn show” thực sự chính là Hà.

Việt Tú thời ấy, tuy đã tốt nghiệp khoa Đạo diễn ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, nhưng lại rất thích chơi với đám nghệ sĩ đương đại và thể loại đương đại Tú chơi lúc ấy là video art. Và những clip xuất hiện trên sân khấu Nhật thực năm ấy đã hòa giọng không thể chê được với âm nhạc Nhật thực, gây ấn tượng mạnh với người xem tới độ bây giờ nhắc lại, nhiều người vẫn không quên nổi cảm giác ướt át gai người khi xem những con ốc sên… làm tình trên màn hình sân khấu. Còn anh, như thú nhận sau này thì “cho đến lúc làm xong show, tôi cũng không nghĩ là mình đã làm, hoàn toàn là cảm giác của một người đi trong bóng tối mịt mù, không có ai soi đường. Vì trước đó, tôi chỉ có cảm giác, có cái hình dung về sân khấu, chứ chưa có những kỹ năng cần thiết của một người đạo diễn sân khấu. Tôi sử dụng toàn bộ cảm quan của mình để huy động vào thời khắc đó. Tận cùng của vấn đề, tôi nghĩ mình quá may mắn vì đã luôn thoát hiểm ngoạn mục, để có được những bứt phá vào đúng thời điểm để tạo ra được những dấu mốc cho mình và cho những người mình cùng cộng tác”.

Tất nhiên, trong “vụ” này, may sao Hà đã tin vào ông anh họa sĩ và tin cả vào sự mạo hiểm của mình để phó thác hình ảnh show diễn vào tay Việt Tú, chứ không đùng đùng bỏ về khi biết Tú làm đạo diễn cho video clip của mình như mấy năm trước vì chê Tú… học dốt!

Khán phòng sang trọng, giản dị của Không gian âm nhạc

Chuyện ít người biết nhưng Việt Tú thì nhớ đời. Năm ấy, Tú đang là sinh viên thực tập ở Đài Truyền hình Việt Nam, một lần đi quay chương trình ca nhạc tổng hợp thì gặp Hà. Chẳng lạ gì nhau, bởi trước khi nhảy sang học đạo diễn, Việt Tú đã có 4 năm học cùng Hà lớp văn hóa ở Nhạc viện Hà Nội (Hà khoa Thanh nhạc, Tú khoa Kèn Clarinette, nhưng văn hóa thì học chung) mà Tú thì nghịch ngợm và lười học nổi tiếng. Vừa thấy Tú ở chỗ ghi hình, Hà hỏi: Mày làm gì ở đây? Nghe Tú ngoan ngoãn trả lời là sẽ làm đạo diễn quay clip cho Hà thì Hà “phang” luôn: Học dốt như mày mà cũng làm được clip ca nhạc á?, rồi đùng đùng bỏ về! “Đạo diễn trẻ” nhà ta nghệt mặt ra và chả biết đáp trả câu nào ngoài cười trừ.

Không chỉ riêng Trần Thu Hà, mà tất cả bạn bè cùng trường nhạc ngày trước, khi ấy đều cảm thấy “kinh hoàng” khi biết Tú trở thành… đạo diễn! Nghịch ngợm có hạng, thích “lêu lổng” ngoài sân patin hơn là đi học, thậm chí có thời gian còn theo bạn “nhảy tàu” đi bụi, kết quả học tập “chán một cách toàn diện”, Việt Tú thời chưa làm đạo diễn còn là nỗi “kinh hoàng” cho cả bố mẹ. Không hy vọng cậu con làm nên trò trống gì, ông bố đặt trước cậu 2 lựa chọn: Một là đi buôn xe máy với bố (lúc ấy dù là một đạo diễn ca nhạc của đài truyền hình nhưng đi buôn là nghề tay trái của ông); Hai là vào học một môn nghệ thuật nào đó ít phải… ngồi bàn học. Sẵn có chút say mê nghe nhạc quốc tế, thế là Việt Tú được/bị “tống” vào nhạc viện (ít ra còn hơn đi buôn xe máy), nhưng lại là khoa Kèn Clarinette. Cho tới bây giờ Tú cũng chẳng hiểu tại sao hồi ấy bố lại “tống” anh vào khoa kèn (cái khoa đã chứa chấp khá nhiều tài năng của âm nhạc Việt Nam, nhưng không phải là tài năng… thổi kèn. Ngoài Việt Tú, thì việc vào khoa kèn của Bằng Kiều cũng là một trường hợp tréo ngoe thú vị, sẽ được kể ở một Góc khuất khác). Cậu tiếp tục chán học. Việt Tú bảo nếu thời điểm đó anh được chọn nhạc cụ để theo học thì rất có thể cuộc đời anh sẽ rẽ sang một hướng khác, bởi Tú đặc biệt thích học trống và guitar.

Cũng chả ai biết được nếu như vậy thì sẽ ra sao, nhưng có một điều chắc chắn, hết 4 năm “không chịu nổi” ở nhạc viện, Tú nhảy qua học đạo diễn, gặp Hà Trần, làm Nhật thực và sự nghiệp đạo diễn của anh bước ra… đại lộ.

Màn đáp phi thuyền ấn tượng trong Hồ Ngọc Hà Live Concert

Đứa con ngỗ nghịch của làng giải trí

Thật ra thì sau show Nhật thực, làng nhạc vẫn dè dặt với cái tên Việt Tú, nhưng làng thời trang thì như bắt được vàng. Đẹp Fashion Show năm đầu tiên, 2004 và liên tiếp hai mùa 2005, 2006 với ba phiên bản được xem là “mẫu mực” của sân khấu thời trang Việt Nam đều mang dấu ấn của người đạo diễn trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Đến năm 2005 thì Việt Tú có một chương trình thực sự của mình, là Con đường âm nhạc, được khởi sự ý tưởng từ anh, do anh đạo diễn cùng một ê-kíp do chính anh chọn lựa.

Cũng vẫn là thời trang với những cô người mẫu đi đi lại lại trên sân khấu, nhưng anh gọi show thời trang ấy là “vở diễn thời trang”. Cũng chương trình tác giả - tác phẩm trên truyền hình nhưng Con đường âm nhạc thật sự là những khắc họa chân dung âm nhạc sống động, hấp dẫn, thậm chí là đầy tò mò và háo hức khám phá cho cả người xem lẫn chính tác giả - điều mà đã lâu người ta không còn thấy khi xem các chương trình ca nhạc trên truyền hình. Sự phá cách, gây ấn tượng mạnh đến phát “sốc”, hiện đại và thời thượng, Việt Tú mang đến một làn gió lạ cho sân khấu giải trí Việt Nam lúc ấy đang hoặc văn chương mỹ miều nhưng cũ kỹ hoặc sang trọng cổ điển nhưng nhàm chán… Hay hay không thì còn tùy vào gu người thưởng thức, nhưng chắc chắn hấp dẫn. Sự hấp dẫn bắt nguồn từ một tư duy đương đại, thích thay đổi mọi thứ được xem là cổ điển, là bất di bất dịch. Nhạc sĩ Dương Thụ gật gù với clip con cá vàng bơi mà Việt Tú dùng để đặc tả sự im lặng trong show tác giả của ông cũng như hào hứng với ý tưởng kết hợp giọng ca nhạc nhẹ Mỹ Linh với giọng hát quan họ Thúy Hường trên sân khấu. Còn người bạn đồng niên của ông, nhạc sĩ Phó Đức Phương thì lại không muốn trao “chân dung” mình vào tay “thằng bé ngỗ nghịch”.

Nhưng Đẹp Fashion Show mới hết 3 mùa, Con đường âm nhạc mới đi hết 5 tháng thì “thằng bé” đùng đùng “cúp cua” showbiz. Nghỉ thẳng cẳng trong 5 năm (từ 2006, dĩ nhiên là trừ một vài sô kiếm tiền làm chả cần nhắc tên). Nhưng 5 năm ấy hóa ra lại là 5 năm “nén lò xo”, để tới 2011 thì bật kinh hoàng: 11 show ca nhạc (chỉ riêng Không gian âm nhạc là 9 show), 2 show thời trang và hàng chục show lễ hội, event lớn nhỏ khác, trong đó đáng kể nhất là các show ca nhạc: một show giải trí đã mắt, một show nghệ thuật đã tai và một series trường lực. Chẳng giống với những đạo diễn chuyên nghiệp, Việt Tú làm show không để kiếm tiền (dù tiền để anh làm show luôn làm các nhà đầu tư sợ hãi) vì sẵn có một hậu phương cực vững chắc. Cũng không để có công ăn việc làm (anh đã từng “nghỉ hưu” 5 năm, cũng đã từ chối làm show cho 2 ca sĩ có tiếng từng mang cả bọc tiền đến gặp anh với yêu cầu anh nhận lời làm show cho họ với bất cứ yêu cầu nào về tài chính, chỉ đơn giản vì cảm thấy tại thời điểm ấy, họ chưa đủ tố chất để thành công!). Những gì một đạo diễn chuyên nghiệp phải làm trong vài năm thì Việt Tú chỉ cần đúng 1 năm. Bởi vậy, tôi biết, lại sắp tới lúc Việt Tú chuẩn bị “cúp cua” làng showbiz. Trước mắt anh là một giấc mơ và cũng là một thách thức lớn: đạo diễn một vở opera cổ điển như cái cách mà Trương Nghệ Mưu đã làm vở opera Tần Thủy Hoàng trên sân khấu Nhà hát Opera New York Metropolitan.

Đạo diễn Việt Tú:

Đi tiếp hay dừng lại?

Không gian âm nhạc là một giấc mơ đối với tôi và ê-kíp. Sau khi rời khỏi Con đường âm nhạc, tôi vẫn luôn mơ về một chương trình của riêng ê-kíp mình, ở đó mình có thể chủ động đầu tư, sản xuất, quyết định mọi việc. Thành thực tôi không nghĩ mình đã phải đợi lâu đến vậy (5 năm), nhưng khi nó đến thì mọi thứ diễn biến rất nhanh đến mức không ngờ. Một lần tình cờ gặp Đức (Caviar de Duc), làm doanh nghiệp nhưng rất yêu nghệ thuật (hồi trước Đức học cello ở Học viện Âm nhạc Quốc gia trước khi sang Nga). Trong lúc trò chuyện đủ thứ trên đời, tôi có kể với Đức về khán phòng Ngụy Như Kom Tum tôi đã tìm được từ năm 2007 và việc có thể làm một điều gì đó đặc biệt với không gian ấy như kiểu những chương trình MTV Unplugged kinh điển. Đức gần như ngay lập tức “bắt sóng” ý tưởng đó. Mọi việc sau đó được thực hiện rất nhanh chóng, mọi người cùng nhau xắn tay vào làm tất cả những gì có thể, cả một ê-kíp gần như không có khoảng trống nào về thời gian để đảm bảo mọi thứ có một khởi đầu thuận lợi.

Nhưng phía sau những hấp dẫn, suôn sẻ, ăn khách là sự nỗ lực của rất nhiều con người, đặc biệt là những chương trình đầu tiên. Có nhiều lúc tôi luôn phải đứng trước quyết định làm tiếp hay dừng lại. Có quá nhiều thứ mà mình không lường trước được, hệ thống hợp đồng chưa chặt chẽ, ê-kíp chưa vào guồng, thời tiết không thuận lợi (tâm bão rơi vào đúng 2 đêm diễn của 3 chương trình liên tiếp: số 3, số 4, số 5), cái cảnh lần đầu tiên làm chương trình bán vé, trời thì mưa, gió giật đứt hết hệ thống banner quảng cáo giữa đêm phải đi treo lại, không biết vé có bán được không. Rồi thì trước chương trình, Thu Phương gần như mất giọng, cả ê-kíp gần như không ngủ nổi vì lo. Sau khoảng 2 số thuận lợi, đến chương trình được kỳ vọng nhất thời điểm đó là Hà Trần - Ngũ Cung thì Hà ốm, mất giọng, phải hoãn chương trình một tuần, hoàn vé cho khán giả tới vài trăm triệu đồng tiền mặt. Chương trình số 6 ấy có lẽ là thử thách thần kinh nhất đối với ê-kíp, vì quyết tâm chưa đủ, mọi thứ gần như phụ thuộc vào sức khỏe của Hà. Tuần Hà nghỉ ốm, tôi yêu cầu Hà không đi ra ngoài, không đọc báo, xem mạng, hay cập nhật Facebook vì sợ những thông tin không tốt ảnh hưởng tới tinh thần của cô ấy. Nếu không phải là thần kinh thép và quá yêu chương trình chắc tôi và ê-kíp đã chọn giải pháp dừng lại. Những gì đã trải qua như một thử thách mà tôi và ê-kíp phải vượt qua để được chứng kiến những gì mình ước mơ, tâm huyết trở thành hiện thực.

Nhiều tiền, không tài vẫn thất bại

Lúc làm show cho Hà là lúc tôi ít tin nhất là show sẽ diễn ra, vì Hồ Ngọc Hà Live Concert đã được lên kế hoạch từ 2007, trải qua rất nhiều lần trì hoãn. Lúc nó diễn ra rồi thì chính tôi, khi nhìn thấy khối lượng công việc của cả mình lẫn Hà, không tin là cả hai có thể vượt qua. Tôi đến phòng tập, thấy sân tập được chia làm nhiều góc, mỗi góc là một nhóm vũ công tập bài, Hà chạy liên tục từ góc này qua góc khác để nhớ bài, tập xong, Hà chạy về đi luyện thanh, tập ghép với ban nhạc, nhóm bè, tập yoga, chưa kể 4 ngày cuối cùng nhóm nhảy Hàn Quốc mới sang, khoảng thời gian mà lý ra Hà nên nghỉ ngơi nhiều nhất thì lúc đó là lúc hoạt động cường độ khủng khiếp nhất, không hiểu bằng cách nào cô ấy nhớ được tới vài chục bài múa trong cùng một thời điểm, chưa kể lời hát, đường đi lối lại trên sân khấu giả định (được thuê với kích cỡ như sân khấu thật).

Chưa chương trình nào tôi phải sử dụng tới 7 trợ lý (nhiều người trong số đó trên thực tế đã có thể tự làm đạo diễn những live show cỡ vừa), cộng với một ê-kíp lên tới hàng trăm con người. Nguyên việc chế tạo ra cái sân khấu (hình dáng dựa theo đầu và phần hốc gió của chiếc xe Lamborghini), phía trên có hệ thống màn LED chạy trần (có lẽ lần đầu tiên ở Việt Nam), chiếc phi thuyền và các đạo cụ khác, tôi cãi nhau với họa sĩ thiết kế Đinh Công Đạt và ê-kíp thiết kế sân khấu không biết bao nhiều lần, cứ lên bản vẽ, xóa đi, vẽ lại, rồi làm ra mô hình, đập đi, làm lại, làm được rồi thì chuyển sang film 3D. Đó là một trải nghiệm chưa từng có trước đây. Sau mấy người cascadeur, thì tôi chính là người ngồi lên thử cái phi thuyền trước khi Hà bước lên đó. Lúc phi thuyền bay lên cao tôi nghĩ là Tú ơi, sao mà ngu thế hả Tú, nếu bây giờ chẳng may cái phi thuyền này nó bị rơi thì thế nào? Cả thời gian làm show không ngày nào tôi được ngủ quá 3 tiếng đồng hồ, máy điện thoại lúc nào cũng nóng ran.

Một yếu tố quan trong nữa tạo nên thành công là Hà đã rất giỏi trong việc thuyết phục mọi người, xây dựng ê-kíp của riêng mình, và đặc biệt tiêu tiền đúng chỗ. Khi làm việc với Hà mọi người đều hiểu tiền bạc không phải là một vấn đề, nhưng không thể tiêu vô lối. Hà có may mắn lớn khi phụ trách về kế hoạch tài chính trong ê-kíp là mẹ mình, một cựu nhân viên ngân hàng, nên mọi hợp đồng thương lượng được tiến hành rất bài bản và khoa học. Với Hồ Ngọc Hà live concert, có nhiều tiền nhưng không có tài năng, tố chất thì vẫn thất bại như thường.

Live show Những chuyến đi của Tùng Dương với sân khấu tối giản
và âm nhạc là “nhân vật chính”

Không thể và có thể

Live show Những chuyến đi được bàn bạc từ rất lâu rồi. Việc Tùng Dương mơ ước có một live show của riêng mình như thế nào thì tôi là người biết rõ hơn cả, vì ngay sau cuộc thi Sao Mai - Điểm hẹn lần 1 mà tôi làm đạo diễn, còn Dương đi thi, Dương đã thổ lộ mong muốn có một live show mang tính thể nghiệm và đậm dấu ấn cá nhân. Những gì Tùng Dương thích và theo đuổi là những gì tôi biết, và nghiên cứu rất nhiều, nên có những thứ Dương không nói, ngay lập tức tôi đã biết Dương cần gì. Live show của Dương được thực hiện theo trường phái tối giản, trên sân khấu chỉ có 2 con hạc cưỡi rùa, chiếu, lư hương trầm, ban nhạc nhẹ và ban nhạc dân tộc, mãi tới cuối mới cho chiếu mấy cái video clip. Đây là một dạng show không phải cứ thích là làm được vì nó quá... đơn giản. Nhưng nếu cả nghệ sĩ lẫn đạo diễn không có đủ nội lực và cá tính, mọi thứ trông sẽ chẳng đâu vào đâu. Có lẽ cả tôi và Tùng Dương đã quá may mắn khi có được một sự hợp tác thành công, nhưng show diễn kiểu này sẽ rất khó lặp lại, nó giống như Nhật thực lần đầu tiên của Hà Trần vậy.

Thời điểm tôi làm show cho Tùng Dương thì cũng đang chuẩn bị show cho Hồ Ngọc Hà. Hai show này về lý thuyết không thể được thực hiện bởi một đạo diễn, hai nghệ sĩ quá khác nhau về bản chất. Một người là nghệ sĩ tiên phong với sự cực đoan đến tận cùng, show diễn thì theo phong cách tối giản. Một người là nghệ sĩ giải trí bậc nhất với phong cách đầy sáng tạo, rực lửa, và show diễn đòi hỏi những hiệu ứng sân khấu đầy mê hoặc. Ai cũng hỏi tôi là làm sao làm nổi điều đó. Thực ra, cả hai show này thể hiện hai phần trong con người tôi ở hai thời kỳ khác nhau, khi mà tôi chuyển từ việc làm những show thể nghiệm sang làm những show đầy chất sân khấu và hiệu ứng. Có lẽ đây là may mắn của riêng tôi, vì những gì tôi yêu thích và nghiên cứu nhiều trước đây khi còn trẻ đều ứng với phong cách của hai nghệ sĩ này, nên khi làm việc có thể nói chung tiếng nói với họ, hiểu những gì họ muốn và những yêu cầu mình đưa ra họ cũng luôn hưởng ứng hết mình.

Bài: Mây + Mây
Ảnh: Jun Dat, V.Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm