06/08/2012 08:28 GMT+7
(TT&VH) - 1. Mùa Thu ở đây, tôi không muốn nói đến sự xa xăm của những "thiếu nữ tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì", cũng chẳng phải nét buồn đẹp tịch liêu của cây bạch dương chơ vơ giữa dòng nước trong tranh Levitan, mà mùa Thu sắp đến là mùa lũ, mùa Hà Nội… lội, mùa mang nỗi buồn tang tóc bởi những diễn biến kinh khủng và khó lường của thời tiết.
Mùa Thu là mùa ta nghe những trận bão liên hồi. Bão. Tuổi trẻ thích bão, thích sự dữ dội và ầm ĩ; thích tiếng mưa chát chúa vỗ ào ào vào mái tôn. Nó là bản Rock tuyệt vời. Tôi cũng thích lái xe rẽ đôi làn nước trên đường phố (thi thoảng đường ngập chút làm xáo động cuộc sống nhạt nhẽo).
Song "mùa Thu nay khác rồi". Đường phố cũng không chỉ úng lụt qua loa một đôi chỗ nữa. Bão ngày một nhiều, tần suất ngày càng lớn và hễ hơi mưa lớn là đường phố dường như tê liệt hoàn toàn.
Cứ mỗi khi mưa to, đường lụt, hàng đoàn người hàng giờ đánh vật với con nước ngoài đường để về nhà. Những bà nội trợ thì mặt tái xanh nặng nề dắt chiếc xe treo đầy thức ăn không thể nổ máy được. Rồi ta còn phải chứng kiến những ông già, bà già xắn quần, bì bõm bon chen giữa dòng nước đen ngòm giữa lòng Thủ đô…
Những năm gần đây, cứ bão tới là ta phải nghe những số liệu về người chết, nhà sập, thôn bản, làng mạc tan hoang... Rồi cùng xem những phóng sự buốt lòng về những gia đình có người thân bị mất trong lúc đang ra khơi đánh cá. Sẽ là tấm ảnh một người được đặt lên bàn thờ nghi ngút khói. Những đứa trẻ mắt trong veo ngân ngấn lệ. Những người vợ mắt đỏ ngầu khóc tức tưởi bên bàn thờ chồng. Cứ thế, mấy năm nay, những phóng sự na ná nhau vẫn phát đều mỗi khi Thu về. Song, năm nào cũng vậy, dù xem lại những khuôn hình cũ mèm lòng người vẫn cảm thấy đau nhói.
Rồi những ngôi nhà vững vàng bị con nước sông "nuốt chửng" trước sự bất lực của chủ nhân. Khi những bức tường sừng sững che chở cho gia đình bao năm phút chốc chỉ còn là đống gạch vụn; khi chợt nhận ra bao khát vọng chinh phục ngàn đời chỉ là “ảo tưởng”; khi mọi lý thuyết về quyền năng của loài người chỉ được gắn kết bằng vôi và cát; khi ta nhặt được chân lý từ đống đổ nát ta mới thấy con người bé nhỏ biết chừng nào.
2. Là một quốc gia "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa", cha ông ta ý thức rất rõ tầm quan trọng của tự nhiên và ứng xử hài hòa với nó. Song giờ đây, hàng loạt cánh rừng đầu nguồn bị đốn hạ, "sa tặc" đêm ngày hút cát dưới lòng sông, thủy điện xây tràn lan bẻ quặt những khúc sông hiền hòa thuần khiết… Với lối ứng xử ấy, Mẹ thiên nhiên còn thương yêu, che chở cho chúng ta như ngàn đời nữa không?
Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học dự đoán, năm 2100, mực nước biển của Việt Nam sẽ dâng lên 1 mét. Và nếu mực nước biển dâng 1 mét sẽ có khoảng 90% diện tích trồng lúa của vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hoàn toàn, 20% xã trên cả nước, 9.200 km đường bộ bị ngập hoàn toàn... Những con số khủng khiếp.
Với đường bờ biển dài hơn 3.000 km, mỗi khi Thu về, bão đến, biết bao thảm họa thiên nhiên đang sẵn sàng đổ bộ và gieo tang thương lên dải đất hình chữ S này.
"Tháng tám mùa Thu, lá khởi vàng chưa nhỉ?" Mùa Thu khơi dậy trong lòng người bao sự rung cảm lạ kỳ. Nhưng chúng ta cũng cần tỉnh táo để ứng phó với “nỗi sợ” mùa Thu.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất