Người thất nghiệp cũng có lương

23/12/2008 12:32 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hôm qua 22/12, Bộ LĐTB&XH tổ chức họp báo chính thông báo: Từ ngày 1/1/2009 Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sẽ chính thức có hiệu lực, theo đó người thất nghiệp sẽ nhận hỗ trợ 60% lương.

Đây là chính sách có tác động trực tiếp đến hàng triệu người lao động nhằm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị mất việc làm.

60% lương trong tối đa một năm để tìm việc làm

Ông Nguyễn Thanh Hoà - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh: Mặc dù nền kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng việc hỗ trợ 60% lương cho người mất việc làm, thất nghiệp lúc này là chính sách thiết thực nhằm thay thế và bù đắp một phần thu nhập nhập của người thất nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm, bảo hiểm y tế đối với người lao động. Mục đích chính của BHTN là thông qua các hoạt động đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, sớm đưa những lao động thất nghiệp tìm được một việc làm mới thích hợp và ổn định.


Theo chính sách BHTN, người lao động là công dân Việt Nam làm việc trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể; làm việc cho cơ quan, tổ chức, cho cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ và sử dụng lao động Việt Nam... có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 - 36 tháng đều thuộc diện tham gia BHTN.

Để nhận được trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải có những điều kiện như: bị mất việc làm, bị chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Luật Lao động mà chưa tìm được việc làm; trước khi bị thất nghiệp, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được 12 tháng trở lên và đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng nếu có đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng BHTN; 6 tháng nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 9 tháng nếu có đủ từ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng BHTN; 12 tháng nếu có từ đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên. Ngoài trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm và được hưởng bảo hiểm y tế theo quy định.

Nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng quỹ, BHTN quy định thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp dao động từ 3 tới 12 tháng để NLĐ nhanh chóng trở lại với việc làm.

Về vấn đề Nguồn chi cho BHTN, ông Nguyễn Đại Đồng - Vụ trưởng Vụ Lao động việc làm - Bộ LĐTB&XH cho biết, nguồn của Quỹ BHTN sẽ bao gồm người lao động đóng 1% tiền lương, tiền công; chủ sử dụng đóng 1% tổng quỹ tiền lương, tiền công và Nhà nước hỗ trợ từ Ngân sách 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN của người lao động tham gia loại hình bảo hiểm này.

Bên cạnh đó còn có tiền sinh  lời của hoạt động Quỹ BHTN. Ông Đồng nhấn mạnh, sự hỗ trợ 1% của Nhà nước cho Quỹ BHTN, chính là nét ưu việt so với quỹ BHTN của nhiều nước trên thế giới bởi khi có sự bảo hộ của Nhà nước, Quỹ sẽ ổn định, không thể “vỡ” được, đảm bảo an sinh cho người lao động.

Người lao động có thể khởi kiện nếu DN trốn đóng BHTN

Hiện vẫn chưa có con số thống kê về số người sẽ được hưởng lợi từ BHTN, song vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của BHTN. Trả lời câu hỏi của báo chí về việc trong năm 2008 nhiều doanh nghiệp phải ra tòa vì nợ đọng Bảo hiểm xã hội nay lại thêm BHTN, vậy phải có những chế tài như thế nào đối với các doanh nghiệp? Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết, đây chính là thời điểm cần thiết để thực thi BHTN khi tỷ lệ thất nghiệp trong thời gian tới có khả năng gia tăng. Cần phải có một nguời “đỡ đầu” cho người thất nghiệp. Rút kinh nghiệm từ việc các DN qua mặt cơ quan quản lý, nợ đọng BHXH, Bộ LĐ-TB-XH sẽ có chế tài xử phạt nặng đối với DN không thực hiện nghiêm túc BHTN, kiên quyết không để lâm vào tình trạng giống như bảo hiểm tự nguyện.

Nếu DN trốn đóng, chậm đóng, thì cũng căn cứ vào các văn bản quy định, NLĐ có thể khởi kiện ra tòa, buộc chủ sử dụng lao động tuân thủ đúng. Ngoài ra, thêm một yếu tố để thực hiện thành công việc đóng BHTN là phát huy được sự hợp tác chặt chẽ giữa "bộ ba" Liên đoàn LĐ, Sở LĐTBXH và Bảo hiểm XH dưới sự đồng thuận của UBND tỉnh, TP. Trong đó Liên đoàn LĐ phải đứng ra giám sát.

Bên cạnh đó có ý kiến cho rằng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ dao động từ 3 tới 12 tháng và có rất nhiều quy định để cắt trợ cấp này nếu người thất nghiệp vi phạm? Về vấn đề này đại diện Bảo hiểm xã hội Việt nam cho biết: nguyên tắc của Quỹ trợ cấp thất nghiệp là không kéo dài thời gian trợ cấp một phần nhằm cân đối quỹ, tăng tính chủ động của người  lao động, các cơ quan tạo việc làm và hạn chế tình trạng lạm dụng quỹ có thể xảy ra.

Theo quy định, nếu người lao động thất nghiệp không thông báo hằng tháng với cơ quan lao động về tìm kiếm việc làm hoặc sau 2 tháng người lao động từ chối việc làm do tổ chức BHXH giới thiệu mà không có lý do chính đáng sẽ bị cắt trợ cấp… Trong đó quan trọng nhất là phải xây dựng được một cơ chế quản lý, giám sát BHTN chặt chẽ, có hiệu quả để có thể chủ động khắc phục cao nhất tình trạng lạm dụng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm