31/08/2023 16:52 GMT+7 | GenZ
Nhiều công ty hiện đang chú trọng tới việc xây dựng hình ảnh qua những video vui vẻ, thể hiện sự gắn kết. Thế nhưng, việc lên hình với nhân sự hướng nội lại là vấn đề lớn, khiến họ rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan".
Đi làm đâu chỉ đơn giản là đến, làm rồi đi về. Tại mỗi công ty cũng đều có rất nhiều hoạt động khác nhau yêu cầu nhân sự phải tham gia, chẳng hạn như quay tiểu phẩm. Đó không chỉ là hoạt động gắn kết mọi người mà cũng là một cách PR công ty. Thế nhưng, với những nhân sự hướng nội, đây lại là một nỗi khổ tâm không biết giãi bày với ai.
Hướng nội nhưng phải “gồng mình” lên hình “flex” công ty
Nhân sự Gen Z hiện nay đã trở thành một lực lượng không thể thiếu trong mỗi công ty. Cũng từ đây mà các xu hướng được cập nhật liên tục. Các công ty không chỉ xuất hiện trên các trang tuyển dụng với vài dòng chữ mô tả ngắn ngủi mà đã có mặt trên khắp các nền tảng. Từng khoảnh khắc làm việc, các hoạt động team building hay cơ sở vật chất cũng được chia sẻ rộng rãi. Nhiều công ty cũng tận dụng trào lưu này để làm hình ảnh, qua đó thu hút được nhiều nhân tài về làm.
Tuy vậy, để có được những thước phim đạt mục tiêu nhất, các nhân sự trong công ty buộc phải hóa thân thành những diễn viên bất đắc dĩ. Bởi vì nhân sự chính là cốt lõi của một công ty. Nhìn vào hình ảnh nhân sự hiện tại, những ứng viên đang quan tâm tới công ty sẽ dựa vào đó để quyết định mình có phù hợp với công ty không và nộp đơn ứng tuyển. Hơn nữa, thông qua những video này, văn hóa nội bộ của công ty sẽ được lan tỏa đến với nhiều hơn, khiến mọi người có một cái nhìn khác về công ty.
Tuy nhiên, với những nhân sự hướng nội, việc xuất hiện trên video, quay các tiểu phẩm PR cho công ty, đây lại lại nỗi khổ không ai thấu. Thậm chí, nhiều người còn cho biết mình cảm thấy ám ảnh mỗi khi nghe ai đó nhắc tới từ quay video. T., một bạn trẻ trong nhóm “Cột sống” Gen Z chia sẻ: “Sếp mình lập một nhóm xây dựng kênh của công ty, yêu cầu mỗi tuần phải có 4 - 5 video. Và tất nhiên, diễn viên chính không ai khác ngoài nhân sự của công ty. Ban đầu được nhờ mình cũng ngại vì chưa từng xuất hiện trên video bao giờ nhưng mọi người năn nỉ quá, lại nể đồng nghiệp nên đồng ý quay. Chính vì lần đồng ý đó mà giờ mình phải thành diễn viên bất đắc dĩ. Bản thân mình cũng cảm thấy khó chịu, mệt mỏi”.
Đau đầu suy nghĩ từ chối hay cố gắng tham gia hoạt động PR công ty
Không thoải mái khi lên hình PR cho công ty nhưng nhiều người vẫn gồng mình làm chỉ vì không biết nên xử sự như thế nào mới đúng. Là một người hướng nội chính hiệu, Facebook cá nhân gần như chẳng bao giờ đăng ảnh nhưng lại phải lên hình, Hiền chia sẻ: “Khi nhận được lời đề nghị tham gia quay tiểu phẩm mình rất đắn đo, sợ hãi. Nửa thì ngại quay phim nhưng nửa thì không dám từ chối. Bởi vì mình biết hình ảnh của công ty được lan tỏa không chỉ có lợi cho công ty mà bản thân mình cũng sẽ có cơ hội gắn kết với đồng nghiệp”.
Một số độc giả của YAN còn cho rằng việc quay video PR cho công ty còn khiến quỹ thời gian làm việc sụt giảm, hiệu suất công việc không đạt được tối đa vì phải chia một phần nhỏ ra cho việc quay video. Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận việc quay clip PR cho công ty cũng giúp nhân sự ghi điểm trong mắt ban lãnh đạo, khiến bản thân trở nên tích cực, hòa nhập với mọi người nhanh hơn. Những hoạt động nho nhỏ đó cũng sẽ giúp môi trường công sở bớt áp lực, mọi người vui vẻ với nhau.
Chính những cái được, mất đó khiến nhiều nhân sự đau đầu không biết nên tiếp tục đóng tiểu phẩm hay không. Nếu đóng, đó là nỗi đau không ai hiểu, đặc biệt là với người hướng nội. Thế nhưng từ chối cũng làm đồng nghiệp khó xử với nhau. Tuy nhiên, nếu bản thân thực sự cảm thấy không thoải mái, hãy cứ tự tin chia sẻ vấn đề với đồng nghiệp. Chắc chắn rằng họ sẽ hiểu và thông cảm cho vấn đề của bạn.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất