Nỗi đau khiến người gần nhau, lòng tham khiến người xa nhau

16/05/2014 08:45 GMT+7


(Thethaovanhoa.vn) - 1. Trong những ngày này, dường như nhiều người đã quên đi phần nào vụ tai nạn kinh hoàng liên quan đến chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines. Dư luận trong nước và quốc tế đang đổ dồn về chiếc giàn khoan của Trung Quốc đang ngang nhiên xâm lấn vào vùng biển Việt Nam, thách thức dư luận và luật pháp quốc tế.

Biển Đông lại nổi sóng, nhưng đây lại là những đợt sóng khác. Cách đây hơn 2 tháng (ngày 8/3/2014), thế giới hướng về Biển Đông trong nỗi đau kìm nén và trong niềm hy vọng le lói về cơ hội tìm thấy chiếc máy bay xấu số và những người sống sót… Nỗi đau ấy, niềm hy vọng ấy chia đều cho 239 hành khách trong chuyến bay, không phân biệt họ là người thuộc quốc gia, dân tộc nào hay đảng phái chính trị nào. Trong số đó, hẳn tất cả mọi người đều nhớ, có hơn một nửa (154 hành khách) là người Trung Quốc.

Và hẳn là dư luận thế giới, nhất là thân nhân của các nạn nhân ấy, đều rất nhớ, những ngày đó, tàu bè, máy bay các nước trong khu vực đã đổ ra Biển Đông, đã không quản ngại nắng mưa cùng chi phí đắt đỏ để quần thảo mặt biển, bầu trời, dõi theo từng dấu vết nhỏ trên đại dương mênh mông, mà có khi chỉ là vết dầu loang, một vật thể lạ trôi nổi… Tất cả đều muốn tìm kiếm với một hy vọng mong manh, xoa dịu nỗi đau chung mà các nạn nhân trên chuyến bay đã gặp phải (xin nhắc lại là trên đó có đa số là hành khách Trung Quốc). Và khi qua báo chí, chứng kiến những giọt nước mắt, những khuôn mặt thẫn thờ của thân nhân các nạn nhân, dù ở sân bay Malaysia hay ở sân bay Bắc Kinh, người ta đều rưng rưng xúc động, đều phấp phỏng chờ đợi, đều tự nhủ là không thể vội vàng bỏ cuộc trong cuộc tìm kiếm dù là như “mò kim đáy biển” này.

Những ngày đó, không chỉ lực lượng cứu hộ mà cả các ngư dân Việt Nam cũng tham gia tìm kiếm. Chúng ta không chỉ tìm kiếm trên biển mà còn tìm kiếm trên cả đất liền, suốt một dải bờ biển Nam Bộ, tới tận rừng U Minh. Những ngày đó, Việt Nam, vì mục đích nhân đạo, đã không nề hà cho phép tàu bè Trung Quốc đi vào vùng biển của mình, để tìm kiếm các nạn nhân…

Nỗi đau khiến người ta xích lại gần nhau hơn…

2. Nhưng rồi lòng tham khiến người ta trở mặt, hay nói đúng hơn là tự lộ rõ dã tâm bấy lâu nay. Chiếc giàn khoan của Trung Quốc cùng đội tàu bè hộ tống hung hăng ấy không những gây mất ổn định an ninh trong khu vực, mà còn làm cho lòng người xa nhau hơn. Tâm trạng người Việt Nam với Trung Quốc lúc này đầy những sự lo ngại, thậm chí phẫn nộ, lên án... Giờ biết nghĩ gì đây về cái cụm từ “phương châm 16 chữ vàng: Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”  để xác định tư tưởng chỉ đạo và khung tổng thể phát triển quan hệ hai nước Việt - Trung trong thế kỷ mới?

Dĩ nhiên, về sâu xa, có lẽ chúng ta đều nhất trí với nhau rằng, lòng tham cùng các ý đồ bành trướng, thái độ hung hăng hống hách, tư tưởng nước lớn, thường là căn bệnh của giới cầm quyền, chứ không phải là của những người dân lao động bình thường….

3. Cho đến nay, hơn 300 nạn nhân, trong đó có hơn 150 người Trung Quốc vẫn biệt tích. Lực lượng cứu hộ vẫn âm thầm làm việc, và cuộc tìm kiếm, dù không còn trải trên diện rộng nữa nhưng vẫn tiếp diễn và chuyển sang chiều sâu…

Bất chấp những diễn biến phức tạp trên bề mặt Biển Đông, khi kẻ mạnh ỷ thế nước lớn làm những điều sai trái chà đạp lên luật pháp quốc tế, thì ở dưới tầng sâu, vẫn cần lắm sự tương trợ lẫn nhau trong hoạn nạn, cần lắm những tấm lòng nhân ái để kết nối con người với nhau trong hòa bình. Bởi sức mạnh của một dân tộc chính là ở tinh thần hòa hiếu, ở lòng nhân ái, như Nguyễn Trãi từng viết: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” (Đại cáo bình Ngô).

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm