21/09/2022 18:45 GMT+7 | Văn hoá
Như báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã phản ánh, Liên hoan Hát xẩm Ninh Bình mở rộng 2022 (tổ chức từ 16 - 18/9) vừa khép lại trong niềm hân hoan của “làng xẩm”. Và nhìn từ liên hoan, không quá lời khi nói hát xẩm đang “nở hoa” sau những năm dài lận đận.
Hơn tháng trước, một sự kiện cũng đáng chú ý trong “làng xẩm” là bài Xẩm thập ân theo điệu Oán thập điều gắn liền với tên tuổi cố nghệ nhân Nguyễn Văn Nguyên - trùm xẩm Hà Nội giữa thế kỷ 20 - sau nhiều thập niên bị thất truyền đã được khôi phục và giới thiệu.
Với hơn 52 ngàn lượt xem trên YouTube của nhóm Xẩm Hà Thành, tính đến nay, sự phục hồi bài xẩm có nỗ lực không nhỏ của NSND Xuân Hoạch, với sự đồng hành, hỗ trợ của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long.
Trước những tín hiệu lạc quan về xẩm, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long.
Xẩm là vốn cổ cần hồi sinh
* Xin bắt đầu bằng bài xẩm ra mắt hơn một tháng trước, nhân duyên nào để anh cùng với NSND Xuân Hoạch bắt tay phục hồi bài “Xẩm thập ân theo điệu Oán thập điều”?
- Vốn là một điệu điển hình của nghệ thuật hát xẩm, nên Xẩm thập ân không chỉ có một số phiên bản hiện hành như chúng ta đã biết, mà còn có những phiên bản khác đã thất truyền. Bởi nghệ thuật hát xẩm đã từng phổ biến rộng trên toàn miền Bắc và được thực hành bởi nhiều nghệ nhân khác nhau.
Một trong những nghệ nhân hát xẩm hàng đầu của Hà Nội từ giữa thế kỷ 20, đó là cụ Nguyễn Văn Nguyên, được gọi là Trùm Nguyên (tức trùm xẩm Hà Nội). Cụ Trùm Nguyên từng thể hiện một phiên bản Xẩm thập ân theo điệu Oán thập điều, nhưng bài xẩm này đã bị thất truyền nhiều thập niên cùng với sự ra đi của cụ.
Năm 2018, tôi có may mắn được NSND Xuân Hoạch chia sẻ về băng tư liệu âm thanh có ghi lại bài này do chính cụ Trùm Nguyên trình bày. Đây vốn là băng cát-xét mà NSND Xuân Hoạch được một người bạn trao tặng. Kể từ nhân duyên này, tôi đồng hành cùng với NSND Xuân Hoạch trong quá trình phục hồi bài xẩm đặc biệt này.
* Như anh chia sẻ “Xẩm thập ân” có nhiều phiên bản khác nhau. Vậy bài “Xẩm thập ân” của cụ Trùm Nguyên có gì khác?
- Bài Xẩm thập ân theo điệu Oán thập điều của cụ Trùm Nguyên về cơ bản giống với những bài Xẩm thập ân của các nghệ nhân khác, như Hà Thị Cầu hoặc Hoàng Tùng. Bài xẩm này cũng kể về 10 công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Nhưng phần lời có sự gần gũi hơn với đời sống đương thời trong giai đoạn cụ Trùm Nguyên hát nó. Ví dụ phần lời có câu “Năm ân lấy thuốc sài - thuốc ghẻ - thuốc chốc - thuốc cam”. Đây là những dấu ấn của những năm tháng thời bao cấp.
Cũng cần nói thêm, Xẩm thập ân phiên bản xa xưa nhất mà chúng ta biết có thể nói tới phiên bản của nghệ nhân Hà Thị Cầu với lời ca dàn trải, dân dã, với lối hát tựa như kể chuyện. Chúng ta còn biết thêm một phiên bản Xẩm thập ân của cụ Hoàng Tùng, với lời ca gọn gàng, đã mang yếu tố của sân khấu chuyên nghiệp và được hát bởi nhiều nghệ sĩ chèo, ca hát dân gian khác.
Phiên bản Xẩm thập ân theo điệu Oán thập điều mang tính chất gần giống như lối hát dân gian của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Thế nhưng phần lời ca của cụ Trùm Nguyên lại mang dấu ấn của giai đoạn sau. Nếu nghe Xẩm thập ân của Hà Thị Cầu sẽ mường tượng ra những giá trị cổ xưa, thì nghe Xẩm thập ân của Trùm Nguyên lại mở ra giai đoạn của thời bao cấp, cuối những năm 1970 của thế kỷ trước.
Nhìn chung, mỗi bài xẩm mở ra một không gian văn hóa, và gắn với dấu ấn sáng tạo riêng của từng nghệ nhân. Đó là sự khác nhau cơ bản giữa những bài Xẩm thập ân. Riêng với bài Xẩm thập ân theo điệu Oán thập điều được “hồi sinh” đã mang lại cho xẩm Hà Nội nói riêng, cho nghệ thuật xẩm nói chung thêm một bài bản cổ đã thất truyền.
* Anh có thể chia sẻ đôi điều về quá trình “hồi sinh” bài xẩm đặc biệt này?
- Quá trình phục hồi bài xẩm này có nhiều khâu, công phu nhất có lẽ là việc hoàn thiện phần lời. Công việc phục hồi bắt đầu bằng việc bóc băng tư liệu âm thanh gốc. Tuy nhiên, băng ghi âm để quá lâu nên chất lượng âm thanh kém, phần lời vì thế không được đầy đủ, trọn vẹn. NSND Xuân Hoạch đã mất nhiều thời gian lấp đầy ca từ còn thiếu để hoàn thiện phần lời cho bài xẩm này.
Trong khi đó, phần nhạc trong băng đã khác so với thị hiếu của người nghe hiện nay. Do đó, phần nhạc được xử lý phù hợp để vừa giữ được bài bản gốc, vừa giúp công chúng hiện đại dễ nghe.
Riêng phần đánh đàn với những câu lưu không (nhạc dạo), câu xuyên tâm (nhạc giữa các câu), cũng được xử lý tối ưu nhất với bản gốc, để tạo dựng một bố cục tác phẩm hoàn chỉnh trong hình hài của sự phục hồi một bài bản cổ của xẩm.
* Được biết MV này được đăng tải hoàn chỉnh trên YouTube. Với hình thức này thì bài xẩm đã được đón nhận như thế nào, thưa anh?
- Khi đăng tải bài Xẩm thập ân theo điệu Oán thập điều trên kênh YouTube của nhóm Xẩm Hà Thành, chúng tôi dự đoán chỉ được khoảng mấy trăm lượt xem thôi. Nhưng thật bất ngờ, sản phẩm đã được đón nhận ngoài mong đợi. Tính đến nay, bài xẩm đã đạt hơn 52 ngàn lượt xem. Hiệu ứng của tác phẩm tương đối lớn, lớn hơn cả những bài xẩm mới được chúng tôi thực hiện và giới thiệu trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến khác nhau trong những bình luận phản hồi. Có người nghe thấy hay, có người lại cảm thấy khó nghe do đã quen với những bài xẩm của Hà Thị Cầu. Điều này là lẽ bình thường, bởi nghệ thuật hát xẩm đã bị ngắt quãng trong một thời gian khá dài.
Để nghệ thuật hát xẩm được lan tỏa
* Là nhà nghiên cứu âm nhạc gắn bó với nghệ thuật hát xẩm trong nhiều năm, xin anh cho biết liệu còn nhiều bài xẩm thất truyền như bài “Xẩm thập ân theo điệu Oán thập điều”?
- Tôi nghĩ còn nhiều. Nhưng những người làm nghiên cứu như chúng tôi tìm được chưa nhiều. Nhóm phục hồi xẩm của chúng tôi may mắn khi có nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa ở Viện Âm nhạc trợ giúp. Với vai trò nghiên cứu viên ở bộ phận kho tư liệu âm nhạc bằng âm thanh, công việc chính là bóc băng tư liệu, nghe các nghệ nhân hát, ghi ra thành bản nhạc để lưu trữ dạng văn bản. Từ đây, nhiều bài xẩm thất truyền được tìm lại và trở thành một trong những cơ sở để nhóm chúng tôi tiến hành phục hồi.
Tính tới thời điểm hiện tại, chúng tôi mới tìm ra khoảng hơn chục làn điệu, bài bản trong hệ thống nghệ thuật hát xẩm để phục hồi. Cộng thêm với những bài xẩm của nghệ nhân Hà Thị Cầu đang còn lưu hành, đã tạo ra một bức tranh nghệ thuật hát xẩm khá phong phú. Hay nói cách khác, chỉ với một số bài bản xẩm đã được phục hồi cùng với các nghệ nhân chỉ đếm trên đầu ngón tay, chúng ta đã có một bức tranh xẩm tương đối đa dạng.
Nếu có khả năng tập hợp được hàng loạt các nghệ nhân xưa kia ở khắp vùng châu thổ Bắc bộ chắc chắn nghệ thuật hát xẩm sẽ còn phong phú hơn nữa. Bởi không phục hồi xẩm, sẽ không biết xẩm đa dạng đến thế. Thực tế, ở Ninh Bình không chỉ có nghệ nhân Hà Thị Cầu, mà còn có các nghệ nhân khác nữa. Rồi ở Hà Nội, cũng có nhiều nghệ nhân hát xẩm, có cả những nghệ nhân được mệnh danh là trùm xẩm như cụ Trùm Nguyên. Hay nhiều nghệ nhân khác ở các vùng Sơn Tây, Hà Đông, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh… Chỉ tiếc rằng các nghệ nhân đã khuất bóng, trong khi tư liệu và khả năng tiếp cận hết sức khó khăn.
* Anh có nhắc tới nhóm phục hồi xẩm của mình. Vậy xin anh chia sẻ thêm một số hoạt động của nhóm trong thời gian qua?
- Nhóm phục hồi nghệ thuật hát xẩm của chúng tôi hoạt động từ năm 2005, gồm nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu tâm huyết với xẩm như: (cố) GS-TS-NGND Phạm Minh Khang, nhạc sĩ Thao Giang, NSND Thanh Ngoan, nhạc sĩ Hạnh Nhân, Mai Tuyết Hoa… Hiện nay, nhóm quan tâm nhiều hoạt động kết nối cho nhiều bạn trẻ yêu xẩm, nhiều câu lạc bộ ca hát dân gian, theo đuổi xẩm.
Trong giai đoạn mới phục hồi, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới phong cách xẩm Hà Nội. Cuối năm 2005, thành quả đầu tiên của dự án là ra mắt đĩa Xẩm Hà Nội, gồm 7 bài, đều là những bài bản cổ của nghệ thuật hát xẩm.
Giai đoạn thứ hai, chúng tôi tiến hành những hoạt động đưa xẩm trở lại với đời sống và trở lại với công chúng Hà Nội. Để xẩm trở lại với không gian đường phố, chúng tôi tái hiện lại một phần không gian văn hóa của xẩm bằng "chiếu xẩm", biểu diễn tại khu vực chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân, hoạt động từ năm 2006 cho đến nay. Qua đây để khẳng định Hà Nội có một văn hóa âm nhạc đường phố độc đáo như xẩm.
Năm 2009, tôi cùng Mai Tuyết Hoa và Khương Cường - 3 thành viên trẻ trong nhóm - nhận thấy xẩm cần thêm những hoạt động nối dài để ghi dấu ấn với thời đại. Từ ý niệm này, chúng tôi thành lập nhóm Xẩm Hà Thành, hướng tới xây dựng những bài xẩm mới mang hơi thở cuộc sống hiện đại trên cơ sở những điệu xẩm cổ. Cùng với đó, kết hợp với nhiều hoạt động quảng bá âm nhạc dân tộc trong nước và trên thế giới.
* Tham gia nhiều hoạt động “hồi sinh” và quảng bá xẩm, theo anh bằng cách nào để có thể lan tỏa những làn điệu xẩm đã từng thất truyền?
- Theo tôi, truyền thông là giải pháp hàng đầu để lan tỏa. Từ những sản phẩm đầu tiên như đĩa xẩm được ra mắt năm 2005, chúng tôi đã chú trọng đến truyền thông bằng cách xuất hiện thường xuyên trên báo, đài và có được những kết quả nhất định. Trong đó, kết quả rõ nhất phải kể đến là hiện nay xẩm đã có một cộng đồng được lan tỏa ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hay những liên hoan nghệ thuật hát xẩm được tổ chức thường xuyên ở Ninh Bình, trở thành sân chơi, giao lưu, học hỏi giữa các nghệ nhân và nghệ sĩ trẻ.
Thứ hai, cần nâng tầm giá trị của xẩm, nhằm xác lập thành một bộ môn nghệ thuật độc đáo, giống như ca trù, quan họ, chèo… Chưa kể đến những yếu tố văn hóa, lịch sử, chỉ riêng phần âm nhạc của xẩm được phục hồi cũng đã là một di sản nghệ thuật. Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi đã đưa xẩm vào Nhà hát lớn Hà Nội thông qua các chương trình như Đêm xẩm trống quân mừng Xuân Mậu Tý (2008), Xẩm Hà thành (2011), Xẩm và đời (2015)...
Thứ ba, để xẩm được cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế công nhận như một di sản. Những năm qua chúng tôi đã thực hiện nhiều chương trình biểu diễn xẩm tại Hội Nhà văn Hà Nội và nhiều đại học, nhiều địa chỉ văn hóa tại Hà Nội. Chúng tôi từng mang xẩm sang Pháp, sang Đức, nhóm Xẩm Hà thành cũng đã từng tới Đại học Harvard (Mỹ) để nói chuyện về nghệ thuật hát xẩm.
Bên cạnh đó, cần không ngừng giới thiệu những tác phẩm xẩm mới, để xẩm đi vào đời sống. Mặt khác, cũng cần chú trọng tìm lại những giá trị bài bản của xẩm để hồi sinh, giới thiệu và quảng bá đến với khán giả bằng nhiều hình thức khác nhau.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
“Năm 2009, tôi cùng Mai Tuyết Hoa và Khương Cường - 3 thành viên trẻ trong nhóm - nhận thấy xẩm cần thêm những hoạt động nối dài để ghi dấu ấn với thời đại. Từ ý niệm này, chúng tôi thành lập nhóm Xẩm Hà Thành, hướng tới xây dựng những bài xẩm mới mang hơi thở cuộc sống hiện đại trên cơ sở những điệu xẩm cổ” (Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long). |
Công Bắc (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất