Những võ sinh Aikido đặc biệt

10/10/2011 11:00 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Với căn phòng chỉ rộng chừng 20m2 được lót thảm êm ái, hàng chục võ sinh từ 7 tuổi cho đến độ “thất thập cổ lai hy” hăng say luyện tập môn võ Aikido, có xuất xứ từ nước Nhật. Tại nhiều sân tập ở TP.HCM, một số võ sinh Aikido còn là người khuyết tật. Rất nhiều các trung tâm thể thao, nhà thiếu nhi các quận đã mở lớp dạy môn võ thuật này.

Theo võ sư Đoàn Phú Hiệp, trưởng Ban vận động Aikido TP.HCM cho biết: “Số lượng võ sinh tập luyện ngày càng tăng lên. So với đây khoảng 5 năm, số lượng võ sinh đã tăng lên gần 50%”.

Võ sinh là người khuyết tật

Chúng tôi đã đến một số phòng tập Aikido ở các nhà thiếu nhi, nhà văn hóa, trung tâm thể dục - thể thao ở các quận 10, Tân Bình, Phú Nhuận... để ghi nhận không khí tập luyện của các võ sinh.

Có mặt tại phòng tập Aikido trong Nhà thiếu nhi quận Phú Nhuận vào lúc 19 giờ, phòng tập chỉ khoảng 16m2 mà có đến hơn 20 võ sinh đủ độ tuổi đang tập luyện các đòn thế nắm và bẻ khóa để khống chế đối thủ. Thầy Nguyễn Xuân Danh, giảng dạy Aikido tại Nhà thiếu nhi Phú Nhuận, cho biết: “CLB Aikido Nhà thiếu nhi quận Phú Nhuận tuy vừa mới thành lập gần 1 năm, nhưng số lượng học viên đến học tập khá đông. Aikido là một môn võ thuật chỉ dùng để tự vệ, tập luyện cũng khá nhẹ nhàng nên phù hợp với mọi giới, mọi lứa tuổi”.

Anh Nguyễn Văn Hậu, một võ sinh khuyết tật đang tập luyện

Nhà thiếu nhi quận Phú Nhuận có một võ sinh Aikido là người khuyết tật. Anh Nguyễn Văn Hậu, 25 tuổi, võ sinh bị bại liệt 1 chân kể: “Tôi bị sốt bại liệt từ nhỏ nhưng lại rất thích học võ thuật. Với thể trạng mình như vậy thì làm sao tập được các môn võ như võ cổ truyền, Taekwondo, Karatedo... được. Vô tình tôi xem được clip võ Aikido, thấy môn võ này sử dụng chủ yếu là đôi tay nên tôi mạnh dạn đăng ký học và thấy rất yêu thích môn này vì giúp cho sức khỏe tốt hơn rất nhiều”.

Được biết, anh Hậu đã tập luyện được 4 tháng, “Do em Hậu là người khuyết tật nên tôi chỉ dạy những gì phù hợp với thể trạng và đặc cách cho Hậu không cần phải mặc võ phục để thuận tiện khi lên sân” - thầy Danh nói.

Tương tự tại phòng tập Aikido Nhà thiếu nhi quận Tân Bình, chúng tôi chứng kiến em Hồng Huy Tỷ, 19 tuổi, dù em đã bị mù 2 mắt nhưng trong tập luyện đòn thế với võ sinh khác thì rất nhanh nhẹn, linh hoạt. Được biết, em Tỷ đã có thâm niên 4 năm tập luyện và hiện đang phụ tá cho thầy Lê Hoàng Mai tại CLB này.

Em Tỷ tâm sự: “Em bị mù từ nhỏ, rất ít bạn bè. Trước khi biết đến môn võ này em cứ quanh quẩn ở nhà cảm thấy buồn chán, cô độc. Cách đây 4 năm, cha mẹ cho em học võ Aikido, em cũng không biết mình có thể tập được hay không. Nhưng giờ em dám khẳng định sau khi tập luyện môn võ này, những người mù như em vẫn có thể tự vệ được trong một số trường hợp. Và đối với riêng em, em cảm thấy rất vui khi mình có một sân chơi rất bổ ích, vừa có sức khỏe, vừa có nhiều bạn bè”.

Được biết, tại sân tập Aikido Nhà thiếu nhi quận Tân Bình còn có những võ sinh đặc biệt như: chị Trần Thị Nguyệt, 40 tuổi, bị mất một cánh tay nhưng đã tham gia tập luyện môn võ này hơn 1 năm qua. Bác Nguyễn Phước Thiện, năm nay đã bước vào độ tuổi 70 nhưng cũng đã có hơn 3 năm rèn luyện môn Aikido này. Theo bác Thiện, từ tập Aikido bản thân cảm thấy sức khẻo như dẻo dai hơn, ít ốm vặt và đặc biệt ăn ngủ tốt lên.

Võ Aikido ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ tham gia

Học võ để “yêu thương”

Theo võ sư Đoàn Phú Hiệp, trên toàn TP.HCM có khoảng 30 sân tập luyện võ Aikido với 3.000 võ sinh đang tham gia tập luyện trong thời điểm này. Em Nguyễn Trương Quỳnh Anh, sinh viên Trường ĐH Bách Khoa, cho biết: “Hiện trường ĐH Bách Khoa, ĐH KHXH&NV cũng có sân tập luyện Aikido và các bạn sinh viên tham gia học môn này rất đông. Em thấy đây là một sân chơi bổ ích, vừa rèn luyện sức khỏe và tinh thần”.

Anh Trần Ngọc Tơ cùng với con trai 10 tuổi, hiện đang tập Aikido tại Trung tâm Thể dục - thể thao Trung Vương (quận Tân Bình), cho rằng: “Sau việc học trên lớp, tôi cho cháu lên tập luyện môn võ này để nâng cao sức khỏe và tránh cho cháu sa ngã vào những thú chơi không lành mạnh, nhiều cám dỗ. Và sau một thời gian đưa cháu đi tập luyện, bản thân tôi cũng tham gia tập luyện luôn”.

Về quan điểm của nhà chuyên môn, võ sư Hiệp cho biết: “Aikido xuất hiện tại TP.HCM cách đây 50 năm và thời gian sau này, rất nhiều người biết đến môn võ này. Đây là một môn võ tự vệ của Nhật Bản và mang một triết lý rất sâu sắc đó là: tình yêu thương hòa hợp, bất tương tranh”. Theo lý giải của võ sư Hiệp, môn võ này hoàn toàn không có đòn thế tấn công người khác và ngay từ cấp đai đầu tiên (đai trắng), triết lý nêu trên đã thể hiện rõ trong đòn thế. Cho nên môn võ này đòi hỏi người dạy không chỉ dừng lại ở rèn luyện thể chất, kỹ thuật mà còn dạy luôn cả đạo đức làm người.

“Sự hòa hợp với mọi người, không lấy việc thắng thua với người khác là mục đích cốt lõi của môn võ này. Về hình thức, những đòn thế của Aikido chỉ mang tính khống chế, tự vệ để giải thoát khỏi xung đột. Qua quá trình tập luyện, người tập sẽ có nhận thức chiến thắng bản thân mình mới quan trọng, biết thoát khỏi những xung đột để biết sống hòa hợp, yêu thương mọi người là cái cuối cùng cần hướng đến. Do vậy tinh thần của môn võ này rất có giá trị cho cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, học môn võ này rất khó, làm người thầy dạy cả võ lẫn đạo thì càng khó hơn” - võ sư Hiệp phân tích.

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm