Những vần thơ của các vị Tiên

10/04/2010 14:51 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Tối ngày 9/4, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền) diễn ra chương trình Những vần thơ của các vị Tiên. Trong chương trình này TS Nguyễn Xuân Diện (Viện Nghiên cứu Hán-Nôm) đã thuyết trình về giáng bút - hiện tượng “nhập thần” trong đó thực hiện nghi lễ cầu cúng để mong muốn có sự phán truyền dạy dỗ của thần linh thông qua văn tự (Hán-Nôm)


Cảnh cầu Tiên giáng bút ở đền Bích Câu (Hà Nội)
Giáng bút là hiện tượng “nhập thần” trong đó thực hiện nghi lễ cầu cúng để mong muốn có sự phán truyền dạy dỗ của thần linh thông qua văn tự (Hán Nôm) mà thư viện Viện Hán Nôm hiện đang lưu trữ 254 cuốn thơ văn giáng bút, với hàng vạn bài thơ, bài văn. Dưới hình thức “tâm linh” mà nhiều khi bị cho là “mê tín di đoạn”, hiện tượng giáng bút thực chất là một hoạt động tuyên truyền rộng khắp trong suốt thời gian nửa cuối thế kỷ 19 và nửa đâù thế kỷ 20 tập trung vào hai vấn đề: Kêu gọi lòng yêu nước thương nòi và chấn hưng văn hóa dân tộc. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định, kêu gọi lòng yêu nước thương nòi là một chủ đề lớn của thơ văn giáng bút nói riêng và thơ văn yêu nước cách mạng nói chung.

Trong thơ văn giáng bút, điều này được thể hiện ở những khía cạnh sau: Giáng bút lời của các vị anh hùng của dân tộc như: Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bà Liệt nữ “Tiết hạnh khả phong” ở làng Đông Ngạc...; Giáng bút lời của các vị thần tiên trong thần điện Việt Nam như: Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Liễu Hạnh Công chúa, Từ Đạo Hạnh...; Giáng bút lời các tiên nho, các nhà văn hoá của Việt Nam như: Tô Hiến Thành, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Bà tổ nghề thao ở Triều Khúc...


Ngoài ra, thơ văn giáng bút còn nhắc nhở, thúc giục lòng yêu nước, thương yêu giống nòi, phản ánh nỗi nhục của dân mất nước. Còn nội dung chấn hưng văn hoá dân tộc, xây dựng nếp sống mới thường được biểu hiện như sau: Đề cao việc nâng cao dân trí, bài bác hủ tục, đề cao phụ nữ (giáng bút lời Thánh mẫu cho phụ nữ), khuyên sống lương thiện, thương yêu đùm bọc nhau, in ấn kinh sách về tôn giáo, lịch sử, văn học, ngôn ngữ.

Trong chương trình Những vần thơ của các vị Tiên có sự hiện diện của ông Đặng Văn Mừng, một “nhân chứng sống”, người đã từng 40 năm trực tiếp tham gia việc giáng bút tại Vi Thiện đàn, Hà Nội.

Hoàng Mai

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm