Những tác phẩm đã đưa vào vũ trụ (kỳ 3) - Âm nhạc Beethoven: Cảm xúc 'cực đại' của con người

01/12/2019 18:57 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Bên cạnh sự mẫu mực, chân phương và tính chất vượt mọi biên giới, thời đại trong âm nhạc của Bach; sự tinh tế và khả năng “siêu phàm” của giọng hát con người ở âm nhạc của Mozart, thì xúc cảm mãnh liệt của con người trong âm nhạc của Beethoven có lẽ là lý do mà NASA chọn nhạc của Beethoven vào đĩa Voyager Golden để “giới thiệu” với người ngoài hành tinh (nếu có).

Những tác phẩm nhạc hàn lâm đưa vào vũ trụ (kỳ 2): 'Queen Of The Night' - cơn thịnh nộ trong 'Cây sáo thần'

Những tác phẩm nhạc hàn lâm đưa vào vũ trụ (kỳ 2): 'Queen Of The Night' - cơn thịnh nộ trong 'Cây sáo thần'

Kỳ 2 của loạt bài này chúng tôi giới thiệu bản nhạc của Mozart mà NASA chọn vào đĩa "Voyager Golden", đó là aria "Queen Of The Night". Aria này nằm trong vở opera "Cây sáo thần" của Mozart và là nhạc phẩm ưa thích trên các sân khấu Broadway thời gian qua và hiện nay…

Trong bài này, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc 2 tác phẩm của Beethoven được NASA chọn vào đĩa Voyager Gilden của họ. Đó là: Chương I của Giao hưởng số 5 và Chương V của Tứ tấu dây số 13 cung Si giáng trưởng, tập 130 (String Quartet No.13 in B flat, Opus 130)

“Giao hưởng số 5” - Cuộc đấu tranh từ bóng tối đến ánh sáng

Beethoven được xem là một trong những nhà soạn nhạc giao hưởng vĩ đại nhất của âm nhạc phương Tây. Âm nhạc giao hưởng đã trở thành phương tiện chủ yếu nói lên thế giới tư tưởng của Beethoven. Trong những tác phẩm giao hưởng của ông, bản Giao hưởng số 5 (Định mệnh) là 1 trong những giao hưởng nổi tiếng và được biểu diễn nhiều nhất, tuy rằng lúc sinh thời, Beethoven lại thích Giao hưởng số 3 hơn.

Bản giao hưởng này viết ở giọng Đô thứ, có 4 chương, nội dung chủ đạo là: “Từ bóng tối đến ánh sáng, qua đấu tranh giành thắng lợi”.

Chú thích ảnh
Chân dung Beethoven, một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại

Từ sự phát triển và những “hành động” âm nhạc trong tác phẩm, nhiều nhà lý luận âm nhạc cho rằng, bản giao hưởng này thuật lại giai đoạn cao trào của cuộc đời con người. Nó tham gia vào cuộc đấu tranh để thực hiện lý tưởng, định mệnh, cuộc đấu tranh có thể dẫn đến cái chết, nhưng không thể từ chối và nó sẽ dẫn đến thắng lợi. Ý tưởng cao cả đó được thể hiện bằng một hình thức âm nhạc mạch lạc, cô đọng và logic đã giúp Giao hưởng số 5 trở thành một tác phẩm kinh điển của giao hưởng thời kỳ cổ điển.

Chương I - Allegro con brio là chương nhạc được NASA đưa vào đĩa Voyager Golden. Chủ đề 1 của chương này (và cũng là mô-típ chủ đạo của toàn bộ giao hưởng) có tiết tấu gồm 4 âm được ví như tiếng gõ cửa của thần chết. Beethoven thì nói: “Số mệnh gõ cửa như vậy đó”. Nét nhạc đầu tiên với 4 âm này được xem là nguồn cội để tạo nên sức sống cho toàn bộ tác phẩm.

Chủ đề 2 của Chương I là nét nhạc du dương, dịu dàng, tương phản với chủ đề 1 về tính chất cũng như điệu tính - một sự “mẫu mực” cho thể loại sonate thời kỳ cổ điển.

Chủ đề 1 như “tiếng nói định mệnh” vang lên mạnh mẽ. Chủ đề 2 ở bè dây đáp lại với giai điệu dịu dàng, trìu mến. Lúc đầu có vẻ “rụt rè” nhưng chẳng bao lâu nó đạt đến cao trào kiêu hãnh và giành thắng lợi cuối cùng. Đó là sự hình thành xung đột chủ yếu của Chương I và cũng là của cả bản giao hưởng này.

Điều đáng nói là trong Chương 1 này và trong nhiều tác phẩm của Beethoven, phương pháp triển khai mô-típ là một trong những đặc điểm và là tài nghệ của Beethoven. Bước đột phá cả về kỹ thuật và tác động cảm xúc của Bản giao hưởng số 5 đã ảnh hưởng lớn tới các nhà soạn nhạc cũng như các nhà phê bình âm nhạc, và truyền cảm hứng sáng tác cho nhiều tác phẩm của Brahms, Tchaikovsky, Bruckner, Mahler và Berlioz.

Bản giao hưởng số 5 có một quá trình phát triển lâu dài. Bản phác thảo có từ năm 1804, ngay sau khi Bản giao hưởng số 3 hoàn thiện. Tuy nhiên, nó liên tục bị gián đoạn vì những tác phẩm khác và mãi tới năm 1808 mới lần đầu được biểu diễn, cùng với Bản giao hưởng số 6. Beethoven viết tác phẩm khi ngoài 30 tuổi, tại nhà trọ ở Vienna, khi cuộc sống cá nhân đang gặp nhiều rắc rối vì bệnh điếc ngày một nặng. Trên thế giới, những cuộc chiến của Napoleon đang bùng nổ, chính trị ở Áo bất ổn, Vienna bị quân đội Napoleon chiếm đóng từ năm 1805. Chương cuối tác phẩm có những trích dẫn từ một ca khúc kháng chiến của Claude Joseph Rouget de Lisle.

Chú thích ảnh
Dàn nhạc giao hưởng Vienna - Thielemann trình diễn "Giao hưởng số 5" của Beethoven

“Tứ tấu dây số 13 Si giáng trưởng (op.130)”- Tác phẩm cuối cùng của Beethoven

Chương V của bản Tứ tấu dây số 13 cung Si giáng trưởng, tập 130 (String Quartet N.3 in B flat, Opus 130) của Beethoven là một trong những tác phẩm nhạc hàn lâm mà NASA chọn vào đĩa Voyager Golden.

Nó là 1 trong 5 tứ tấu mà Beethoven viết từ năm 1824 đến 1826. Chúng được xem là những mẫu mực và phức tạp nhất của thể loại âm nhạc này. Chúng phản ánh tư duy triết lý của Beethoven thời kỳ cuối đời của ông.

Tứ tấu này gồm có 6 chương, một điều khá bất thường với các tứ tấu thời đó vốn thường chỉ có 4 chương, nên từng bị coi là “vịt xấu xí”. Nó đi theo kết cấu các chương như trong Bản giao hưởng số 9 và một số tác phẩm khác của Beethoven: Chương I là sự kết hợp các đoạn Adagio và Allegro; chương II - Presto -rất ngắn, nhưng hoàn chỉnh, nét nhạc cơ bản giống ca khúc múa vòng dân gian; chương III là chương Andante lớn; chương IV là một vũ khúc dân gian Đức ở điệu valse; chương V là điệu cavatine chân thành, mộc mạc nhưng mang tới sự ám ảnh khôn tả và chương VI - cực dài - là chương kết nhẹ nhàng, duyên dáng, mang tính chất hài hước và màu sắc dân giã.

Điều đáng nói là ở chương VI của tứ tấu này, ban đầu Beethoven viết là một bản fugue rất phức tạp và “kỳ quặc”. Lúc đó thính giả không thể hiểu được bản fugue này, vì vậy mà Beethoven viết lại chương VI này như hiện nay. Nhưng sau đó bản fugue ở chương VI này được xuất bản như một tác phẩm độc lập cho tứ tấu dây.

Chuỗi tứ tấu được sáng tác trong những năm cuối đời của Beethoven, theo yêu cầu của Hoàng tử Nga Nicholas Galitzin, một nghệ sĩ cello nghiệp dư, người muốn có “1, 2 hoặc 3” bản tứ tấu. Nhưng Beethovenđã cho ra đời không phải 1, 2 hoặc 3 mà là 5 tứ tấu đàn dây khổng lồ, mà sau đó trở thành 6 tác phẩm riêng biệt, thường được gọi là “Những tứ tấu muộn của Beethoven”.

Trong nhiều thập kỷ, những tứ tấu khác lạ, khó, dị thường này bị coi là sự thoái hóa của nhà soạn nhạc vĩ đại một thời, nay đã điếc và điên loạn; nơi luôn tràn ngập những trạng thái cảm xúc cực đoan, đôi khi “khó” mà chịu đựng được bởi chúng luôn rất mãnh liệt và tác động mạnh tới người nghe. Phải tới mãi thế kỷ 20, chúng mới được công nhận là kiệt tác siêu việt, chứng minh vị trí tiên phong của Beethoven trong âm nhạc. Con vịt xấu xí đã chính thức hóa thiên nga bay cao.

Do phải sửa đổi, Tứ tấu dây số 13 là bản nhạc cuối cùng Beethoven viết. Ông hoàn thành tháng 11/1826 và qua đời ít lâu sau đó, vào tháng 3/1827. Có lẽ vì thế, NASA đã chọn một phần tác phẩm này để kết thúc đĩa vàng Voyager.Hơn thế, nó xứng đáng là bản tổng kết của đời người, nơi mọi thứ - từ rất ngắn tới cực dài, từ giản đơn tới ám ảnh, từ dịu dàng tới khốc liệt - đều được phơi bày ra để người nghe tự chọn cho mình cách hiểu riêng.

Vài nét về Beethoven

Ludwig van Beethoven (1770 - 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức, nhưng phần lớn thời gian ông sống ở Vienne. Ông được xem là người bắc cầu từ Chủ nghĩa cổ điển sang Chủ nghĩa lãng mạn trong âm nhạc châu Âu.

Là người kế thừa những thành tựu của Haydn và Mozart, nhưng Beethoven đã làm một cuộc cách mạng đối với giao hưởng, với việc bổ sung vào giao hưởng tinh thần đấu tranh, âm hưởng hùng hậu của khối đông quần chúng, âm thanh kèn hiệu, hành khúc, tiếng reo vui của thiên nhiên… Mở rộng quy mô của giao hưởng, tăng cường biên chế dàn nhạc gần giống như hiện nay. Đặc biệt ông là người đầu tiên đưa hợp xướng vào bản giao hưởng (Giao hưởng số 9).

Di sản âm nhạc của ông để lại có 9 bản giao hưởng, 32 sonate cho piano, nhiều concerto các loại, nhạc kịch, các tác phẩm âm nhạc thính phòng và nhiều tác phẩm khác...

(Còn nữa)

Nguyên Trang - Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm