24/03/2018 08:04 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian qua, các tác phẩm nghệ thuật mô tả người khỏa thân liên tục bị các nhân viên của tập đoàn truyền thông xã hội khổng lồ chặn trên Facebook. Tuần trước, "nạn nhân" là nữ anh hùng dân tộc nổi tiếng nhất của Pháp - Marianne - nhân vật chính trong bức tranh Liberty Leads The People của họa sĩ trường phái lãng mạn Pháp Eugene Delacroix.
1. Bức tranh Liberty Leads The People được Delacroix vẽ năm 1830, mô tả một cuộc nổi dậy trong cuộc Cách mạng tháng Bảy do Marianne - nữ an hùng dân tộc nổi tiếng nhất của Pháp - lãnh đạo.
Bức tranh này xuất hiện trong chiến dịch quảng cáo online cho một vở kịch trình diễn ở Paris, song quảng cáo đó đã bị chặn trên Facebook chỉ 15 phút sau khi được đăng tải và trang mạng xã hội này thông báo lý do chặn quảng cáo là do bức tranh có hình ảnh khỏa thân.
Yếu tố khiến bức tranh này bị các nhân viên của Facebook chặn là bởi Marianne không chỉ được mô tả với đôi chân trần mà còn cả bộ ngực trần.
Hồi tháng 6, đạo diễn Fiorina đã cố gắng sử dụng bức tranh này hai lần để quảng bá cho vở kịch mà không thành công, dù kiệt tác này đã xuất hiện trên đồng tiền mệnh giá 1 franc của Pháp.
Tuy nhiên hôm 18/3, Facebook đã thay đổi quan điểm và xin lỗi “vì sai lầm này”.
“Tác phẩm Liberty Leading the People đúng là phải có chỗ đứng trên Facebook... Chúng tôi đã thông báo cho người sử dụng rằng chiến dịch quảng cáo của ông đã được chấp thuận. Nhằm bảo vệ tính toàn vẹn dịch vụ của chúng tôi, tuần nào chúng tôi cũng xác minh hàng triệu hình ảnh được đăng tải công khai và đôi khi mắc sai lầm” - Elodie Larcis, quản lý Facebook ở Paris, tuyên bố.
Facebook đã đưa ra các quy định cấm mọi hình ảnh khỏa thân đăng tải trên trang mạng xã hội này. Tuy nhiên, Facebook đã liên tục bị chỉ trích do kiểm duyệt nội dung không nhất quán.
Điều mà các nhà phê bình không hiểu là thực tế, các phương pháp xác định hình ảnh khỏa thân của Facebook rất hữu hiệu, song lại thường bỏ qua các bài phát biểu gây hiềm khích, kích động thù hận và những mô tả về bạo lực, thậm chí còn gồm cả những cuộc hành hình.
Ở Đức, cách kiểm duyệt không đồng đều này đã vấp phải sự phản đối ngày càng gia tăng trong thời gian qua.
2. Hồi đầu tháng 3, Facebook đã chặn một hình ảnh chụp bức tượng nhỏ Venus of Willendorf (Vệ nữ Willendorf) có niên đại từ thời kỳ đồ đá khi nhìn nhận đây là tác phẩm "khiêu dâm cực kỳ nguy hiểm". Sau đó, Facebook đã rút lại cách nhìn nhận của mình và xin lỗi.
Bức tượng cao 11cm này mô tả một người phụ nữ béo mập khỏa thân. Bức tượng này được ra đời cách đây khoảng 30.000 năm, nó được nhà khảo cổ học Josef Szombathy tìm thấy tại một di chỉ thời đại đồ đá cũ ở gần làng Willendorf, cách không xa thành phố Krems thuộc Hạ Áo. Bức tượng này được chạm khắc từ một tảng đá vôi kiểu đá trứng cá vốn không có nguồn gốc từ vùng này, và được nhuộm màu đỏ từ đất hoàng thổ. Đây là tác phẩm quan trọng nhất trong Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Vienna (Áo) và là một trong những đồ tạo tác và hiện vật khảo cổ quan trọng nhất của ngành khảo cổ hiện đại.
Song trong trường hợp khác Facebook lại tỏ ra kém hiểu biết hơn. Hồi năm 2011, tài khoản cá nhân của một giáo viên Pháp đã bị chặn sau khi anh đăng tải hình ảnh bức tranh The Origin Of The World (Cội nguồn nhân gian) của Gustave Courbet trên Facebook.
Bức tranh được Courbet vẽ hồi năm 1866 và đã gây nhiều tranh cãi khi phác họa cận cảnh vùng bụng và cơ quan sinh dục của một người phụ nữ khỏa thân đang nằm dang chân trên giường. Các bộ phận khác của cơ thể như đầu, cánh tay, ống chân đều nằm ngoài khung hình với hàm ý nhấn mạnh tính gợi dục của tác phẩm. Tranh hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Orsay, thành phố Paris, Pháp.
Người này sau đó đã kiện Facebook và đòi tiền bồi thường. Hôm 15/3, tòa án Pháp tuyên bố Facebook đã sai khi chặn tài khoản cá nhân của người này, song không phải trả tiền bồi thường do bên nguyên đơn không chứng minh được các "thiệt hại".
Sự thận trọng của Facebook không chỉ nhắm mục tiêu vào các mô tả phụ nữ. Hồi năm 2017, một nhà văn Italy đã cố gắng quảng bá trang web của mình trong các câu chuyện có bối cảnh ở Bologna với những bức ảnh chụp bức tượng Neptune ở Piazza del Nettuno. Nhưng Facebook đã chặn những gì gắn kèm hình ảnh về bức tượng thời Phục hưng này bởi cho rằng nó quá "gợi dục".
Đáng nói hơn, hình ảnh Nàng tiên cá vốn quen thuộc với rất nhiều người từ câu chuyện cổ tích của nhà văn Hans Christian Andersen cũng từng bị Facebook chặn. Năm 1913, Đan Mạch đã khánh thành bức tượng đồng Nàng tiên cá và nó đã trở thành một biểu tượng trên con đường đi dạo ven biển ở thủ đô Copenhagen.
Thế nhưng, hình ảnh chụp bức tượng này đã bị chặn trên Facebook khi cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Đan Mạch đăng tải trên trang cá nhân nhằm cố gắng thu hút sự quan tâm của người theo dõi về một blog của mình.
Theo giải thích của Facebook, bức tượng này quá "trần trụi". Tuy nhiên, sau đó Facebook đã phải xin lỗi và chấp thuận đăng tải bức ảnh.
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất