26/03/2021 08:30 GMT+7 | Thể thao
Những cú tắc bóng nguy hiểm là một bi kịch không chỉ giới hạn ở sân cỏ Việt. Thế giới bóng đá từng chứng kiến không ít pha phạm lỗi để lại nỗi kinh hoàng trên sân cỏ, và dưới đây là những pha bóng không ai quên.
Nigel De Jong (Hà Lan, World Cup 2010)
Những trận chung kết World Cup không chỉ có khoảnh khắc ngọt ngào của kẻ chiến thắng. Trận chung kết World Cup 2010 chứng kiến cơn mưa thẻ vàng trọng tài Howard Webb ban phát cho cả hai đội, tổng cộng 14 thẻ vàng, con số phá vỡ kỷ lục thẻ phạt ở trận chung kết năm 1986. Đáng chú ý, John Heitinga phải rời sân sau hai tấm thẻ vàng, nhưng chẳng hề có bất cứ thẻ đỏ trực tiếp nào cho Nigel De Jong. Tiền vệ người Hà Lan tung ra cú đá theo phong cách võ sĩ karate nhằm thẳng ngực của Xabi Alonso. Rốt cuộc, De Jong vẫn bình an vô sự trên sân. Trọng tài Webb sau này thừa nhận góc nhìn bị che khuất là yếu tố khiến ông chẳng thể đưa ra quyết định cho tình huống thô bạo đó.
Harald Schumacher (Đức, World Cup 1982)
Đến thời điểm hiện tại, tình huống của Harald Schumacher vẫn được coi là một trong những pha bóng nguy hiểm bậc nhất trong các kỳ World Cup. Lúc trận bán kết World Cup 1982 giữa Đức và Pháp vẫn đang hòa 1-1, Patrick Battiston, khi ấy được tung vào sân thay người, tăng tốc sau một đường chuyền dài và khiến thủ thành Schumacher phải dành sự tập trung cao độ. Quá tập trung vào tình huống, Battiston không để ý đến sự hiện diện của thủ thành đối phương. Còn Schumacher, trong nỗ lực tránh một tình huống va chạm ảnh hưởng đến bản thân, đã phớt lờ trái bóng và lao thẳng người vào phía tuyển thủ đội tuyển Pháp. Hậu quả, Battiston là người chịu thiệt hại nặng nề hơn cả khi đi nguyên ba chiếc răng. Trọng tài điều khiển trận đấu quyết định không hề có tình huống phạm lỗi nào và vẫn cho trận đấu tiếp tục, bất chấp những tiếng phản đối từ cầu thủ và khán giả. Đội tuyển Đức sau đó đã giành chiến thắng ở loạt sút luân lưu sau khi hai đội hòa 3-3 sau 120 phút thi đấu. Thủ thành Schumacher sau đó đã tự tin trả lời hài hước về tình huống va chạm ấy: “Nếu có mệnh hệ gì xảy ra với Battiston, tôi sẵn sàng trả cho anh ta cả viên kim cương”.
Axel Witsel (Standard Liege, 2009)
Những trận derby chưa bao giờ thiếu vắng những tình huống quyết liệt trên mức cần thiết. Trận derby giữa Standard Liege và Anderlecht cũng không phải ngoại lệ. Có điều, lần gặp gỡ giữa hai đội năm 2009 đem đến một bước ngoặt đặc biệt. Lần gặp nhau ở mùa trước đó, Axel Witsel là người ghi bàn quyết định từ chấm phạt đền trong chiến thắng Anderlecht để mang về chức vô địch cho Standard Liege. Còn ở trận derby này thì sao? Witsel để lại dấu giày bằng một cú lao thẳng vào người hậu vệ Marcin Wasilewski, khiến tuyển thủ người Ba Lan lộ nguyên xương chày. Cả thế giới không khỏi kinh hoàng với tình huống vào bóng khủng khiếp ấy. Thật đáng buồn, hình phạt dành cho Witsel sau tình huống đáng sợ ấy chỉ là khoản tiền phạt 250 euro kèm án cấm thi đấu 10 trận (sau đó được giảm xuống còn 8 trận), khiến cho cả nước Bỉ cũng như những người yêu mến bóng đá trên thế giới cảm thấy bất bình. Vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn với tình huống man rợ ấy, Witsel còn lặp lại tình huống vào bóng thô bạo khác với Roland Juhasz trong một trận derby không lâu sau đó. Lần này, anh phải nhận chiếc thẻ đỏ từ trọng tài.
Pepe (Real Madrid, 2009)
Cũng trong năm 2009, thế giới bóng đá không khỏi rùng mình với một khoảnh khắc điên rồ đến mất trí của Pepe, trung vệ khi ấy còn thuộc biên chế Real Madrid. Khi trận derby giữa Real Madrid và Getafe (lại là một trận derby khác) đang diễn ra với tỷ số 2-2, không ai hiểu điều gì thôi thúc Pepe phạm lỗi với cầu thủ Casquero bên phía Getafe. Phạm lỗi đã đành, những gì tuyển thủ người Bồ Đào Nha thực hiện sau đó là một câu chuyện đáng xấu hổ. Anh liên tiếp đá vào người cầu thủ đối phương trước khi ra đòn cuối cùng là một cú đấm như trong môn quyền anh vào mặt. Những hành vi khiến nhiều người tin như bản năng của loài thú hơn phong cách xử sự của một cầu thủ chuyên nghiệp. Một tấm thẻ đỏ cho Pepe không có gì đáng bàn thêm, và người đồng đội Iker Casillas còn phải can ngăn trung vệ này khi anh còn muốn ăn thua đủ thêm với Casquero.
Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha nhìn thấy đủ mức độ man rợ của tình huống ấy và quyết định treo giò Pepe 8 trận, đồng nghĩa trung vệ này buộc phải ngồi chơi xơi nước trong phần còn lại mùa 2008-09.
Ben Thatcher (Man City, 2004)
Những pha bóng bạo lực không chỉ diễn ra ở các trận đấu chính thức, mà hoàn toàn có thể hiện diện trong các trận đấu giao hữu chuẩn bị trước mùa giải mới. Hè năm 2004, trong chuyến du đấu của Man City tới Trung Quốc, hậu vệ Ben Thatcher bỗng nhiên để lại những ký ức không ai muốn nhắc tới. Cú giật chỏ của anh khiến một cầu thủ Trung Quốc có tên Yang Chungang gặp vấn đề nghiêm trọng ở phổi. Chưa hết, chỉ ba tuần sau, anh tái lập một cú giật chỏ khác, lần này có chủ đích rõ ràng nhắm thẳng vào mặt Pedro Mendes của Portsmouth. Hệ quả, tuyển thủ người Bồ Đào Nha bất tỉnh nhân sự ngay trên sân, rơi vào trạng thái động kinh trên đường nhập viện trước khi mọi thứ ổn thỏa hơn sau đó. Còn thủ phạm Thatcher thì sao? Phía Man City đã chủ động cấm tiền vệ này ra sân trong 6 trận đấu tiếp theo, trước khi Liên đoàn bóng đá Anh (FA) quyết định kéo dài hình phạt treo giò thêm hai trận đấu nữa, bên cạnh 15 trận án treo trong khoảng thời gian hai năm tiếp theo. Trên sân, hậu vệ Matt Taylor tỏ rõ vẻ ngạc nhiên khi trọng tài điều khiển trận giao hữu giữa Portsmouth và Man City chỉ rút thẻ vàng cho Thatcher sau tình huống bạo lực ấy.
Keane-Haaland: Vụ va chạm tác động gì đến Erling Haaland? Nhắc đến những pha tắc bóng man rợ, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua tình huống Roy Keane đá thẳng vào đầu gối phải của Alf-Inge Haaland trong trận derby Manchester hồi tháng 4/2001. Tình huống đó không qua mắt trọng tài, khiến Roy Keane nhận cả hậu quả trực tiếp lẫn gián tiếp. Tiền vệ MU khi ấy bị đuổi khỏi sân, nhận án treo giò ba trận kèm tiền phạt 5 nghìn bảng. Chưa hết, một năm sau, trong cuốn tự truyện của mình, Roy Keane còn mô tả đó là một pha phạm lỗi có chủ đích từ trước để báo thù cho tình huống Haaland phạm lỗi khiến bản thân dính chấn thương nặng năm 1997. Liên đoàn bóng đá Anh (FA) không ngần ngại tặng anh thêm 5 trận ngồi chơi xơi nước cùng 150 nghìn bảng tiền phạt. Còn quá sớm để nói liệu ký ức ấy có làm ảnh hưởng đến quyết định chọn lựa đội bóng của Erling Haaland, con trai cựu hậu vệ Man City hay không. Erling Haaland vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Ole Gunnar Solskjaer, HLV hiện thời của MU và Alf-Inge Haaland khẳng định ông không hề cản trở nếu cậu con trai muốn đến chơi bóng ở Old Trafford trong tương lai. |
Đức Hùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất