Những "nốt trầm" của bóng đá Tây Ban Nha trong 10 năm qua

30/12/2009 07:20 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(TT&VH Online) - Nếu như Barcelona trong năm 2009 đã đoạt “cú ăn 6” vĩ đại hay chức vô địch Euro 2008 của ĐTQG Tây Ban Nha là thành công của bóng đá xứ đấu… thì bên cạnh đó, bóng đá Tây Ban Nha cũng không tránh khỏi những "nốt trầm" trong 10 năm trở lại đây.

10. ĐTQG Tây Ban Nha bị loại từ vòng bảng Euro 2004

Tại Euro 2004 diễn ra ở Bồ Đào Nha, đội tuyển xứ đầu bò nằm ở bảng A cùng với đội chủ nhà, Nga và Hy Lạp. Khi đó, ĐTQG Tây Ban Nha được đánh giá như ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch ở giải đấu cao nhất châu Âu này. Thế nhưng thầy trò HLV Inaki Saez đã khiến cho hàng triệu trái tim hâm mộ La Furia Roja đau đớn khi bị loại ngay từ vòng bảng với thành tích thắng Nga 1-0, hòa 1-1 trước Hy Lạp và trong trận cuối cùng họ đã thất bại 1-0 trước đội chủ nhà Bồ Đào Nha. Ngay sau Euro 2004, Tây Ban Nha đã quyết định sa thải Inaki Saez và thay thế bằng Luis Aragones, người sau này đã đưa La Furia Roja đến những ngày tươi đẹp nhất trong lịch sử.

9. Fernando Torres rời Atletico Madrid đến Liverpool

Sinh ra tại Fuenlabrada, một thị xã ngoài ô của Madrid và đã là cầu thủ trẻ nhất chơi cho Atlético Madrid và đội trưởng trẻ nhất trong lịch sử CLB khi anh đeo băng thủ quân lúc 19 tuổi. Fernando Torres được NHM Atletico xem như “Cậu bé Vàng” và là niềm tự hào của nửa Đỏ-Trắng thành Madrid. Thế nhưng, những thất bại về danh hiệu của Rojiblanco đã khiến Torres quyết định ra đi để đầu quân cho một Liverpool giàu tham vọng hơn. Điều này đã khiến hình tượng El Nino vụn vỡ trong trái tim hàng triệu NHM Atletico. Dù vậy, ngay cả những Forlan, Maxi hay El Kun ở thời điểm hiện tại cũng không có được sự yêu mến như người dân nơi đây đã từng dành cho Fernando Torres.

Atletico đã đánh mất biểu tượng của mình...

8. Những nét thăng trầm của Valencia

Trong nửa đầu thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, Valencia thực sự là một thế lực ở châu Âu (vào đến Chung kết các năm 2000, 2001) cũng như La Liga (từng vô địch trong 2 mùa giải 2001-2002 và 2003-2004). Tuy nhiên, những ngày tươi đẹp của “đàn dơi” gần như chấm dứt kể từ sau quyết định sa thải HLV Quique Sanchez Flores và bổ nhiệm HLV Ronald Koeman của ban lãnh đạo CLB. Trong mùa giải đầu tiên của Ronald Koeman, Valencia kết thúc với vị trí thứ 15 trên BXH; cùng với đó là cuộc khủng hoảng tài chính ập đến Mestalla và khiến Los Che ngập chìm trong nợ nần. Giờ đây, khi Ronald Koeman đã bị sa thải và Unai Emery đã lên thay thế, nhưng Valencia vẫn chưa lấy lại được vị thế của mình!

7. Real Madrid 5 năm liền bị loại ở vòng 1/16 Champions League

Đội bóng vĩ đại nhất thế kỷ 20 đã giành được liên tiếp hai chức vô địch Champions League trong hai năm đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, những ngày tháng ngọt ngào của các madridista ở đấu trường danh giá nhất châu Âu này đã chấm dứt trong những năm sau đó khi Real Madrid có 5 liền bị loại ngay từ vòng 1/16. Còn nhớ ở Champions League mùa bóng năm ngoái, Real Madrid đã phải cay đắng rời cuộc chơi ở vòng knock-out sau thất bại tủi hổ 5-0 sau hai lượt trận trước Liverpool; nhưng năm nay sẽ khác và các madridista có quyền hy vọng vào kỷ nguyên mới của Los Blancos khi Chủ tịch Perez đã trở lại cùng thế hệ Galacticos 2.0; chắc rằng, trận chung kết Champions League mùa bóng 2009-2010 diễn ra tại Bernabeu sẽ có mặt của đội chủ nhà Real là ước mơ của NHM “Kền kền trắng”.

6. Sự “xuống dốc” của Ronaldinho trong màu áo Barcelona

Chưa từng có một cầu thủ của Barca nào như Ronaldinho khi tuyển thủ người Brazil này được các CĐV của Rea Madrid tung hô như người hùng của họ sau khi các CĐV trên sân Bernabeu đứng dậy vỗ tay chúc mừng trong trận siêu kinh điển diễn ra ngày 19/11/2005. Chính anh là nhân tố quan trọng nhất đem đến thành công cho đội bóng xứ Catalonia trong những năm 2005 và 2006. Thế nhưng, sự “xuống dốc” của một cầu thủ xuất sắc nhất thế giới cũng đã diễn ra ngay mùa bóng sau đó, năm 2007 và để rồi anh phải nhanh chóng nói lời tạm biệt Nou Camp cùng các cules. Có người nói rằng, Ronnie ra đi là do những mâu thuẫn với HLV Frank Rijkaard, nhưng cũng có người nói Barca muốn đẩy Ronaldinho đi để xây dựng một tượng đài của chính họ, Leo Messi; và có một số người thì cho rằng những ngày tháng thác loạn của Ronnie trong các hộp đêm là nguyên nhân chính khiến anh phải ra đi… Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa thì những cule nói riêng và NHM nói chung vẫn không thể quên nụ cười của anh ở Nou Camp với những màn trình diễn mê đắm lòng người.

Ronnie đã có mọi thứ trong màu áo Barcelona

5. Thất bại cay đắng ở World Cup 2002 do sai lầm của trọng tài

Tại World Cup 2002 được tổ chức ở Hàn Quốc và Nhật Bản, ĐT xứ đấu bò đã kết thúc vòng bảng với ngôi đầu khi toàn thắng ở cả 3 trận trước các đối thủ Slovenia (3-1), Paraguay (3-1), và Nam Phi (3-2). Tiếp đó tại vòng 1/16, ĐT Tây Ban Nha đã vượt qua CH Ireland trên chấm phạt đền. Thế nhưng ở vòng Tứ kết, họ đã bị đội chủ nhà Hàn Quốc loại đầy oan nghiệt. Trong trận đấu đó, các trọng tài đã không công nhận bàn thắng của Joaquin và Morientes, để rồi sau đó các chàng trai của xứ đầu bò gục ngã trước hàn Quốc trên chấm 11m với tỉ số 3-5.

4. Ramon Calderon gian lận trong Đại hội cổ đông Real Madrid

Vị Chủ tịch thứ 18 của CLB Hoàng gia Tây Ban Nha xứng đáng với danh hiệu “Chủ tịch tai tiếng nhất” trong lịch sử CLB mặc dù dưới triều đại của ông, Los Blancos đã đoạt được 2 chức vô địch La Liga. Sau 2 năm rưỡi nắm quyền cao nhất tại “Nhà Trắng”, Chủ tịch Calderon đã gần như đánh mất vị thế của một “Siêu CLB” khi gây ra hàng loạt những bê bối mà đỉnh điểm là vụ gian lận trong Đại hội cổ đông CLB Hoàng gia Tây Ban Nha diễn ra ngày 7/12/2008 được tờ Marca phát hiện. Sau vụ bê bối này, Ramon Calderon đã phải tuyên bố từ chức.

3. Cái chết của đội trưởng CLB Espanyol, Dani Jarque

Mùa giải La Liga cuối cùng của thập niên đầu thế kỷ 21 được bắt đầu bằng lễ tang thủ quân của CLB Espanyol, Dani Jarque. Cầu thủ xứ Catalan này đã đột ngột qua đời sau một cơn đau tim trong chuyến du đấu cùng các đồng đội ở CLB Espanyol tại Florence, Italy. Trong 7 năm khoác áo Espanyol,  trung vệ 26 tuổi này đã thi đấu 173 trận và ghi được 8 bàn thắng; sau Antonio Puerta (Sevilla), anh cũng là cầu thủ thứ hai thi đấu tại La Liga đã từ bỏ cuộc sống này khi đang còn ở độ tuổi sung mãn của sự nghiệp.

2. Cái chết của Antonio Puerta (Sevilla)

Ngày 25/8/2007, ngôi sao trẻ của Sevilla, Antonio Puerta đã khiến NHM Tây Ban Nha cũng như toàn thế giới sửng sốt khi anh đổ gục do nhồi máu cơ tim ở phút 30 trong trận đầu tiên của Sevilla ở mùa giải 2007-2008 gặp Getafe. Những đồng đội của anh, Ivica Dragutinovic và Andrés Palop đã ngay lập tức đến bên cạnh để sơ cứu nhằm tránh cho anh tự nuốt lưỡi. Sau khi tỉnh lại, Puerta được dìu khỏi sân, nhưng lại ngất một lần nữa trong phòng thay đồ trước khi được đưa vào viện. Mọi nỗ lực cứu sống anh bất thành sau 3 ngày (28/8/2009). Theo thông báo từ bệnh viện nơi Puerta điều trị, Virgen del Rocio thì anh đã qua đời vì "tim ngừng đập quá lâu khiến nhiều cơ quan chức năng trong cơ thể không hoạt động, đồng thời làm tổn thương não bộ". Điều trùng hợp của hai cái chết thương tâm ở sân cỏ La Liga là cả Puerta và Dani Jarque đều có bạn gái đang mang thai nhưng chưa cưới.

NHM trái bóng khắp hành tinh không sao quên được giây phút kinh hoàng này

1. Phân biệt chủng tộc – “Vết dầu loang” của bóng đá Tây Ban Nha

Vấn đề chính khiến các nhà quản lí bóng đá Tây Ban Nha đau đầu trong 10 năm trở lại đây không phải là bạo lực sân cỏ mà chính là nạn phân biệt chủng tộc. Điển hình là vụ thủ môn người Cameroon, Carlos Kameni bị một số NHM của chính CLB anh khoác áo, Espanyol chế nhạo. Tiếp đó là vụ CĐV của Zaragoza đã lăng mạ tiền đạo người Cameroon Samuel Eto’o khi Barca đến làm khách trên sân Alfonso Perez của đội bóng này. Trong những năm trở lại đây, sự phân biệt ngày càng có xu hướng gia tăng và những Miguel (Valencia), Drenthe (Real) hay chính Reyes (cựu cầu thủ của Sevilla, Arsenal, Atletico)… cũng nằm trong danh sách nạn nhân.

Không chỉ ở cấp độ CLB mà ngay cả cấp độ ĐTQG, Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha cũng phải đối mặt với vấn đề này. Năm 2004, trận đấu giao hữu giữa “Tam sư” và và ĐT xứ đấu bò tại Bernabeu đã biến một số thành viên da màu của ĐT Anh khi đó là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Do đó, đến trận giao hữu và tháng 2/2009 vừa rồi, Liên đoàn bóng đá Anh đã đề nghị đổi sân Bernabeu thành Sevilla để nhằm tránh nạn phân biệt quái ác này.

Trần Quang (Theo Goal)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm