Lễ hội – Cơ hội 'chặt chém'

03/05/2013 06:01 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Người dân cả nước vừa trải qua kỳ nghỉ dài tới 5 ngày, các lễ hội du lịch đồng loạt diễn ra tại nhiều địa phương. Nhưng tiếc rằng, nóng nhất trong tuần nhiều việc vui lại là vấn nạn chặt chém khách du lịch xảy ra ở cả 3 miền.

Các cơ quan chức năng ở Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc điều tra việc 3 du khách Pháp bị tài xế taxi và nhân viên khách sạn câu kết lừa đảo, đe doạ. Đặt phòng ở một khách sạn 3 sao nhưng 3 du khách này bị tài xế taxi chở đến một khách sạn khác, khi phát hiện ra điều này và muốn chuyển đến khách sạn đã đặt, họ bị nhân viên khách sạn doạ đánh, doạ cho người…giết. Hiện nhân viên khách sạn đã nhận lỗi và chấp nhận bồi thường. (hình 1)


(Hình 1)

Cũng trong một phản ứng nhanh của ngành văn hoá-du lịch Thủ đô, 3 mẹ con du khách Australia bị xích lô chặt chém tới 1,3 triệu đồng cho đoạn đường chừng 5 km đã nhận lại số tiền nói trên. Đích thân Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL cùng đại diện Sở VH-TT&DL Hà Nội đã đến xin lỗi du khách, tặng quà và bố trí xe đưa họ ra sân bay.

Nhiều hành khách đi xe khách từ Hà Nội về quê nghỉ lễ đã bị nhà xe đuổi xuống giữa đường. Một chiếc xe khách 45 chỗ biển số Hà Nội nhồi gấp đôi số khách, thu thêm tiền phụ phí và còn “cò quay” ngược đãi khách. Nhận được tin báo của người dân, cảnh sát giao thông tuần tra đã có mặt và xử lý tài xế, giải nguy cho hành khách. Tuy nhiên, chính cảnh sát cũng thừa nhận dù đã xử phạt nhiều nhưng hiện tượng nhồi nhét, ép bán khách dọc đường vẫn rất phổ biến trong dịp nghỉ lễ (Hình 2)


(Hình 2)

Ở Đà Nẵng, nơi diễn ra lễ hội Pháo hoa Quốc tế, điểm du lịch đón rất nhiều du khách cả trong và ngoài nước, rộ lên dịch vụ “cò” vé xem pháo hoa, đẩy giá vé lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với giá quy định. Việc “cò” vé không chỉ được thực hiện thủ công mà còn qua internet, rất nhiều thông tin rao bán vé dưới dạng “cò” được đăng tải trên mạng. Các khách sạn, nhà nghỉ ở thành phố vẫn được xem là trật tự nhất nước cũng không đứng ngoài cơ hội chặt chém khách du lịch khi họ giữ phòng chờ đến sát ngày diễn ra lễ hội Pháo hoa mới bán cho du khách với giá cao hơn mức quy định. Các dịch vụ cung cấp chỗ ngồi xem pháo hoa cũng được dịp đẩy giá kịch trần: 300.000/chỗ ngồi.

Trên thành phố cao nguyên Đà Lạt, du khách cũng phải trả gấp đôi, thậm chí gấp ba lần giá niêm yết để có một phòng ở cho chuyến du lịch nghỉ lễ. Giá cả các dịch vụ ăn uống thì tăng thêm 10 – 20%, dịch vụ trông giữ xe tăng gần 30%. Tệ hại hơn, ở thành phố biển Vũng Tàu, một nhóm du khách gồm 3 người Việt, 4 người Nhật còn phải trả tới 17 triệu đồng cho một bữa ăn hải sản! Họ bị vây bởi từ tài xế taxi đến nhân viên phục vụ quán, taxi thì móc nối dẫn khách đến nhà hàng để ăn chia phần trăm, còn nhân viên phục vụ thì tự ý thêm món mà khách không yêu cầu. Nhà hàng này sau đó đã bị các cơ quan chức năng xử lý, bắt trả lại khách số tiền không hợp lý, phạt tiền và tước giấy phép kinh doanh. Tiếc rằng, việc “chặt chém” du khách ở Vũng Tàu đã là chuyện quá cũ và ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của thành phố biển này.

Showbiz dịp lễ lạt cũng không mấy yên ổn. Nam diễn viên Hoà Hiệp sau khi bị loại khỏi cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ tối thứ Bảy vừa rồi đã không ngần ngại chỉ trích giám khảo là “stupid” (ngu ngốc). Bị cả 4 giám khảo chê và cho điểm thấp nhất, anh này cho rằng giám khảo làm thế vì ghét anh, rằng: “Nguyên một dàn giám khảo, Hoà Hiệp chẳng phục ai cả, ban giám khảo chẳng có tố chất gì…” và nếu không thi Bước nhảy hoàn vũ thì anh chẳng biết đạo diễn Lê Hoàng, nữ hoàng dance sport Khánh Thi hay biên đạo múa Trần Ly Ly là ai! (hình 3)


(Hình 3)

Nhưng vẫn có những chuyện vui bên cạnh những chuyện kém vui. Trong cuộc trả lời chất vấn đại biểu quốc hội của Bộ VH,TT&DL, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thông báo rằng Bộ đã đề nghị đặc cách phong tặng danh hiệu NSƯT cho nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu và nghệ sĩ Văn Hiệp. Thông báo này đến khá muộn sau khi dư luận lên tiếng, nhưng muộn còn hơn không.

Tuần tới, khán giả Việt Nam ở hai thành phố lớn, TP.HCM (ngày 8/5) và Hà Nội (ngày 10&11/5) sẽ có cơ hội xem vở kịch nổi tiếng Gulliver du ký được biểu diễn bởi các nghệ sĩ của nhà hát TNT đến từ nước Anh. Vở kịch dựa theo nguyên tác của nhà văn Jonathan Switfnày được nhà hát TNT dàn dựng lần đầu tiên vào năm 1996, với sự tham gia của các diễn viên hài kịch, diễn viên nhào lộn. Gulliver du ký được TNT mang đến Việt Nam lần này là phiên bản do đạo diễn Paul Stebbing dàn dựng, làm mới, đã biểu diễn ở hơn 20 nước châu Âu và châu Á trong vòng 8 tháng qua. Những vở diễn của nhà hát TNT không xa lạ với khán giả Việt, bởi trước đây, họ đã biểu diễn tại Việt Nam những vở như Romeo và Juliet, A Chrismas Carol, Oliver Twist…

Di tích văn hoá Champa tháp Khương Mỹ ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã được xử lý chống thấm và bước đầu khống chế được hiện tượng thấm nước.Hiện tượng thấm nước đã làm cho gạch từ chân tháp đến độ cao khoảng 3,5m bị mủn nát, tự phân huỷ suốt hàng chục năm qua. 2 đoàn khảo sát nước ngoài, một của Nhật Bản, một của Ấn Độ đã từng đến tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này từ năm 2005 và 2010, nhưng đến giờ, cụm di tích gồm 3 toà tháp này mới được bước đầu xử lý chống thấm.(Hình 4)


(Hình 4)

Một bảo tàng tư nhân về đồ sứ thời Nguyễn vừa mở cửa trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế. Bảo tàng này toạ lạc ở địa chỉ 114 Mai Thúc Loan, TP Huế, là bảo tàng tư nhân đầu tiên trên địa bàn Thừa Thiên – Huế di nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn thành lập. Trong dịp mở cửa đón khách tham quan, bảo tàng đã bày 200 cổ vật được chế tác từ thời Nguyễn (1802 – 1945), gồm những vật dụng liên quan đến sinh hoạt truyền thống của người Việt xưa như quả trầu, khay trầu, dao cau, bộ ấm trà, bình rượu…

Bàn phím
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm