05/12/2011 13:07 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Nổi danh xứ Huế suốt 14 năm qua, CLB ca Huế Nguyễn Thị Lợi những ngày đầu chỉ có 3 người, khi đông nhất lên tới ba chục, có người đã ngoài 80, có người trẻ mới tròn 16 tuổi; có người là nghệ sĩ chuyên nghiệp, người là nhân viên kế toán, nội trợ… Đều đặn 14 năm, mỗi chiều thứ Bảy hàng tuần họ ngồi lại với nhau trong căn nhà nhỏ trên phố Phạm Ngũ Lão của nhà nghiên cứu Bửu Ý để đàn và hát cho nhau nghe những khúc tâm tình.
Một chiều thứ Bảy như mọi chiều thứ Bảy, tôi ghé thăm nơi lưu giữ “nhịp phách tiền đất Huế” này.
Đến với nhau bằng một tấm lòng
Đã 86 tuổi và nhiều năm phải chống gậy đi lại, song nghệ sĩ Minh Mẫn vẫn là giọng ca Huế nổi tiếng hàng đầu hiện nay
Dì Diệu Huê (gọi theo cách của người Huế) 48 tuổi, đã ba năm đạp xe gần 5km để đến với CLB mỗi chiều thứ Bảy hàng tuần. Dì có mặt từ rất sớm để chuẩn bị hậu cần cho CLB. Dáng người nhỏ bé cứ thoăn thoắt ra, vào lau dọn bàn ghế; rồi trà, nước, hoa quả cho giờ nghỉ giải lao. Nghệ sĩ Thanh Hương cũng đến sớm để phụ giúp dì. 83 tuổi, tuần nào bà cũng đi xe thồ (xe ôm) từ đường Đặng Tất đến đây: “Mỗi lần tui đi mất 30 ngàn, cũng có những bữa mất 25 ngàn thôi” - bà cười rạng ngời, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Lưng bà đã còng, tóc đã bạc gần hết; nghệ sĩ Thanh Hương vẫn nhanh nhẹn xếp những đĩa bánh, bày những đĩa hoa quả lên bàn.
Rồi anh Du “đàn bầu” (Trần Đình Khắc Du), chị Vân “đàn tranh” (Nguyễn Thị Thanh Vân), nghệ nhân đàn tì bà Nguyễn Ngọc Hùng lần lượt đến chuẩn bị nhạc cụ. Ngoài cổng ngõ, thoáng thấy chiếc xích lô, mọi người như reo lên: “Cô Minh Mẫn đấy”. Đã thành lệ suốt mười mấy năm qua, anh Thọ đẩy chiếc xích lô vào trong sân, đến tận cửa nhà. Nghệ sĩ Minh Mẫn bỏ áo mưa, anh Thọ đặt chiếc ba toong 4 chân làm điểm tựa, chị Diệu Bình ra đỡ bà xuống xe, bà vịn chiếc ba toong lần dò từng bước. Nhiều năm nay, nghệ sĩ Minh Mẫn làm bạn với chiếc ba toong inox 4 chân để đi lại.
Những tâm hồn đồng điệu
Nhà nghiên cứu Bửu Ý ngồi lặng lẽ nghe và quan sát từng lời hát, giai điệu của các thành viên trong CLB. Ông bảo: “Ca Huế đích thực là có sự tương tác, qua lại giữa người nghe và người ca. Người ca phải ca thế nào để người nghe thấy được cái hay, cái hồn; và người nghe, khi cảm được cái tình trong những khúc hát sẽ giúp người ca nâng cao được giá trị của ca Huế.”
Nghệ sĩ Minh Mẫn 86 tuổi ngồi trên ghế móm mém cười. Bà đỡ đôi phách rồi bắt đầu: Một bóng về khuya/ Em âm thầm/ Đường xa đơn độc/ Cây rơi lá vô tình/ Vàng phai cô tịch/ Đàn ai nhị/ Tình tang.../Em âm thầm giữa canh khuya/ Biết ai thầm đưa/ Nhịp đời em xanh bước xuân thì...” (Bài Lẻ bóng). Từng lời ca cất lên cùng nhịp phách, cái lạnh của trận mưa chiều không còn rõ nữa, tôi cảm giác quanh mình chỉ có những cung bậc tình cảm tinh tế, có điều gì mênh mang, khắc khoải. Khi nhìn thấy bà từ xích lô khó nhọc bước xuống, tôi không nghĩ là giọng của bà còn khỏe, vang và “tình” đến từng câu, từng chữ như thế. Ngồi phía dưới, nghệ sĩ Thanh Hương vừa nghe vừa giảng giải cho chị Diệu Bình: “Hát đoạn này là phải thế”, rồi lấy hơi, ngắt nhịp đoạn này như thế nào…
Nghệ sĩ Minh Mẫn chuyển đôi phách cho chị Diệu Bình, bảo chị ca bài Nữ sinh Đồng Khánh: “Nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa/ Xui hoàng hôn tím trang thơ học trò/ Nữ sinh Đồng Khánh qua đò/ Xui dòng Hương cất giọng hò xa xôi…Nữ sinh Đồng Khánh nhớ ai/ Mi cong khẽ chớp mắt nai thẫn thờ/ Đâu còn là chuyện ngày xưa/ Nữ sinh Đồng Khánh bây chừ là…em”.
Để gửi được tâm tình qua từng câu hát, ngoài chất giọng, ngoài năng khiếu, chị Diệu Bình còn phải học hỏi và “khổ luyện” suốt 2 năm trời: “Mình thấy học cái chi của ca Huế cũng khó hết, bài nào mà lâu lâu không luyện là đến khi hát bị “vấp” ngay. Mình không phải là người biểu diễn và cũng chưa khi nào nghĩ sẽ theo nghề, mình chỉ thích ca và mong được ca thôi”. Bà Hương cười móm mém: “Nói rứa, chừ o ni ca còn hay hơn mấy o ca trên sông Hương đó.”
Những thành viên CLB gìn giữ ca Huế bằng một tình yêu và niềm đam mê
Lặng lẽ giữ hồn ca Huế
Mưa gió mùa suốt cả chiều thứ 7, ngoài phố thưa hẳn người qua lại. 10 thành viên trong CLB ca Huế vẫn say sưa đàn, ca và tận tình chỉ bảo những kỹ thuật khó của các điệu hát. Một vị khách nước ngoài lặng lẽ bước vào, chiếc áo mưa vẫn làm người ông ướt sũng, ông là Pierre Alain Hubert – tác giả của các màn pháo hoa mỗi kỳ Festval Huế. Với CLB ca Huế, ông Hubert đã là khách quen từ mấy năm nay. Mỗi dịp sang Việt Nam, đến Huế, “ông pháo hoa” người Đức ấy đều tranh thủ ghé thăm CLB. Hubert mang đến cho nhà nghiên cứu Bửu Ý mấy bó nhang rồi lặng lẽ ngồi nghe các nghệ sĩ đàn và ca.
Nước non ngàn dặm mình Nước non ngàn dặm tình Nhịp phách tiền đất Huế. (Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải)
CLB ca Huế Nguyễn Thị Lợi ban đầu chỉ có nghệ sĩ Thanh Hương, nghệ sĩ Minh Mẫn, cố nghệ sĩ Nguyễn Thị Lợi. Họ ngồi lại với nhau vì “thèm” được ca. Thèm có được “tri âm, tri kỷ” trong những lời hát sâu lắng, tinh tế, thắm đượm tâm tình. Nhà nghiên cứu Bửu Ý nhớ lại: “14 năm, số thành viên của CLB thường xuyên thay đổi, lúc có đến 30 thành viên, lúc chỉ còn lại mấy người, nhưng cũng chẳng khi nào thăng hay trầm, mọi người vẫn đến, vẫn lặng lẽ hoạt động vậy thôi.”
Khi quỹ về di sản Việt Nam mang tênThe Vietnamese Heritage Institute (VHI) tìm đến ca Huế để góp sức bảo tồn, ông Võ Xuân Hân, người của Quỹ, có hỏi bà Nguyễn Thị Lợi (vợ nhà nghiên cứu Bửu Ý, người thành lập CLB ca Huế): “Theo bà, mức lương cần trả cho các giáo viên dạy ca Huế là bao nhiêu?”. Bà Lợi không đắn đo: “300.000đ/tháng” (năm 2005). Ông Hân tròn mắt: “Bà có nghĩ là con số đó quá ít không?” Một lần nữa bà Lợi trả lời ngay: “Không, chúng tôi nhận ở mức ít như thế thì mới thực là đáng quý trọng”. Ông Hân cười: “Thế thì tôi có thể tài trợ được đến hết đời”.
300 ngàn cho mỗi thành viên CLB, vừa là lương giảng dạy ca Huế ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Xuân Phú. Nếu không có số tiền đó, những nghệ sĩ ca Huế vẫn sẵn sàng dạy cho các em. Song, đúng như lời nghệ sĩ Nguyễn Thị Lợi: “Ít như thế thì mới thực là đáng quý trọng”, sự đáng quý, đáng trân trọng không chỉ ở tấm lòng, nhiệt huyết, tình yêu của các nghệ sĩ mà còn khiến các nghệ sĩ trân trọng hơn loại hình nghệ thuật vừa đậm chất dân gian, vừa mang tính bác học của quê hương mình.
Nghệ sĩ Thanh Hương gõ đôi phách, ca bài “Nam Bình” (trước đây còn gọi là Vọng Giang Nam hay Hạ Giang Nam) để kể cho mọi người nghe câu chuyện về công chúa Huyền Trân – người con gái tài sắc vẹn toàn đã chấp nhận sự sắp đặt của vua cha Trần Nhân Tông, lấy vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy “hai châu Ô, Lý vuông nghìn dặm” (năm 1306): “Tình phân ly/ Nước non nghìn dặm ra đi/ Cái tình chi!/ Mượn màu son phấn/ Đền nợ Ô - Lý/ Đắng cay vì/ Đương độ xuân thì./ Độ xuân thì/ Cái lương duyên hay là nợ duyên gì/ Má hồng da tuyết/ Quyết liều thân như hoa tàn trăng khuyết/ Vàng lộn theo chì/ Khúc ly ca sao còn mường tượng nghe gì!/ Thấy chim hồng nhạn bay đi/ Tình lai láng, bóng dương hoa quỳ…”. Giọng hát người nghệ sĩ già du dương, man mác mà không bi, sâu lắng, da diết mà vẫn bay bổng.
Điệu Nam Bình kết thúc, bất chợt ông Hubert tặng nghệ sĩ Thanh Hương bức phác họa khi bà đang ngồi hát. Bà cười hồn hậu, Hubert chắp tay, cúi đầu đầy trân trọng, cảm mến. Nghệ sĩ Thanh Hương không hiểu tiếng Đức, “ông pháo hoa” Hubert cũng không biết tiếng Việt, song dường như ca Huế đã bất chấp tuổi tác, vượt qua rào cản ngôn ngữ để giúp những tâm hồn đồng điệu xích lại gần nhau hơn.
Ký sự của Uông Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất