Vợ chồng Trường Sa

30/10/2011 07:40 GMT+7 | Thế giới

 Câu chuyện tình đẹp của một đôi vợ chồng Trường Sa. Nỗi nhớ thương, sự xa cách càng làm tình yêu của họ thêm sâu sắc.


 Chị Hoa Dung và bé Lan Anh - Ảnh: My Lăng

“Yêu anh, em đã vượt qua bao sóng gió của biển cả để được ở bên anh. Giờ đến được với nhau rồi lại phải xa nhau hàng ngàn kilômet...”, trong một lá thư gửi cho chồng là lính công binh làm nhiệm vụ ở Trường Sa, chị Nguyễn Thị Hoa Dung - vợ anh Hoàng Văn Quân (trung đội phó đại đội 4, tiểu đoàn 886, trung đoàn công binh 83) - đã viết như thế.

Lấy chồng công binh

“Tôi chỉ mong chồng ở bên vợ một buổi thôi chứ không dám mong một ngày mà còn khó hơn lên trời hái sao!” - chị Dung tâm sự.

Họ cưới nhau năm 2005, sau những lá thư vượt đại dương vào đất liền. Vợ mang thai bốn tháng thì anh đi biển biền biệt, từ đầu năm đến tết mới về phép một lần, ở nhà được 10-20 ngày. Vậy mà có năm anh không về được, phải ở lại trực đảo. Ngày trước chưa có điện thoại di động, thư từ còn khó khăn. Nhanh nhất 2-3 tháng thư mới đến tay một lần. Có khi một lúc chị nhận được 4-5 lá thư. Mỗi lần đọc thư chồng, chị lại khóc cả buổi chiều...

Chị bảo: “Khi yêu anh, tôi không thể tưởng tượng được lấy chồng công binh lại vất vả như thế”. Trong ký ức của chị, vẫn còn đó cái đêm kinh hoàng của cơn bão số 7 năm 2009 chỉ có hai mẹ con trong căn nhà tôn ở thôn Quang Châu (Hòa Châu, Hòa Vang, Đà Nẵng). Bé Lan Anh khi đó mới gần 3 tuổi. Còn anh đang xây dựng công trình ở đảo Phan Vinh. Gió gầm gừ cuốn bay cả mái tôn! Suốt đêm chị gọi điện thoại cho chồng, khóc vì quá lo lắng.

Gần sáng, nước dâng lên xâm xấp giường. Chị cho con bám vào cửa sổ. Nhưng khi nước dâng lên tới gần cửa sổ thì hai mẹ con không dám ở trong nhà nữa. Chị chỉ mang theo được giấy kết hôn và giấy khai sinh của con gái rồi rời khỏi nhà. Chị đặt bé Lan Anh vào thau nhôm, đẩy qua hàng xóm. Nước ngập gần tới cổ. Một lát sau, nước ngập lên tới mái nhà của vợ chồng chị... “Cũng may đồng đội của anh ấy vào cứu kịp chứ nếu không...”, chị nghẹn ngào nói.

“Tủi thân nhất là lúc tôi mang thai Lan Anh. Chồng đi đảo. Nội ngoại ở xa nên chỉ có một mình”, chị Dung kể. Chiều nào về nhà cứ mở cửa là chị lại khóc, nhớ những ngày đi làm về có chồng ra dắt xe, hỏi thăm, trò chuyện. Những lúc nhớ chồng quá, chị lại lấy thư chồng ra đọc. Đọc đến thuộc cả từng dấu chấm, dấu phẩy rồi lại không cầm được nước mắt...

Từ ngày chồng đi đảo, chị đã chuyển nhà tám lần, lần nào cũng chỉ có mình chị xoay xở, kể cả lần thứ tám dọn nhà, khi cái thai trong bụng chị đã khá lớn.

Khi Lan Anh ra đời, chị Dung lại có những ký ức không thể nào quên. Ấy là lúc Lan Anh bị tiêu chảy và sốt 15 ngày phải đi cấp cứu bệnh viện. Chị kể: “Anh ấy gọi điện về hỏi con khỏe không? Con vẫn khỏe. Mấy bữa nay em ăn được nhiều không? Em ăn nhiều lắm. Tôi nói mà cổ nghẹn đắng, cố giữ bình tĩnh để không khóc. Trong khi con đang ốm nặng. Mẹ thì hai ngày không có cơm ăn. Tiền thì gần hết...”.

Chị nhớ lần đến đón con, cô giáo kể đang ngồi trong lớp học tự nhiên con khóc, cô dỗ mãi không nín. Đêm về mẹ hỏi, con bảo: tại vì con nhớ bố quá... Có đêm đang ngủ, mẹ giật mình tỉnh dậy vì tiếng con khóc. Bực quá, mẹ quát. Con mếu máo: Con nhớ bố con khóc mẹ cũng quát con nữa à? Cơn nóng của mẹ vuột mất. Tim mẹ như có hàng ngàn vết cắt...

“Anh gửi 6 lá thư cùng một lúc cho em...”

Còn anh, một người lính công binh quanh năm suốt tháng đi xây dựng công trình ở Trường Sa, chỉ biết gửi tình yêu qua những cánh thư: “Lại một tuần trăng nữa rồi... Mới ngày nào đó bên nhau thế mà giờ đây đã xa nhau đến cả trăm núi ngàn sông và cả đại dương nữa... Thư viết cho em anh gửi vào Quảng Nam không biết em có nhận được không? Anh gửi sáu lá cùng một lúc. Từ ngày ra đảo đến nay anh đã viết cho em rất nhiều rồi nhưng chưa gửi được vì không biết em ở Đà Nẵng hay Tam Kỳ... Nơi đại dương thân thương, nếu cho anh một điều ước nhỏ nhoi, anh sẽ gửi những hình ảnh đẹp nhất ở nơi này về người mình yêu thương...”.

“Bây giờ ở Trường Sa đã bớt khó khăn hơn hồi trước  - chị Hoa Dung bảo - Nhưng gian khổ thì vẫn chưa bao giờ hết”. Mỗi ngày anh chỉ được cấp 5 lít nước ngọt để tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Vẫn ăn đồ hộp. Nhiều khi mỗi người được nửa cái chiếu nằm ngủ vì không đủ chiếu cho công binh nằm. Có lần anh lặn dưới biển làm công trình từ sáng đến chiều, bị con gì cắn, bất tỉnh mấy ngày. Rồi cái lần cài mìn để mở luồng, anh lặn nhiều quá, máu chảy ra tai...

Cuối năm 2010, anh bị đau bụng, sốt, ngã từ giường xuống. Suốt 15 ngày bị đau, không ăn được, anh sụt 10kg. Đơn vị phải nhờ thuyền của ngư dân chở về bờ cấp cứu, cũng là đợt về phép. Khi chị về nhà, anh đang chơi bên nhà hàng xóm. Nghe tiếng anh, chị lật đật chạy qua. Anh gầy không tưởng tượng được. Chị nhìn mà lặng người vì xót chồng, cứ hỏi mãi: sao mà chồng gầy như thế này, chỉ còn hai con mắt và hàm răng thôi!

Những ngày chồng ở nhà, ngày nào con cũng hỏi mẹ: Mẹ ơi, sao người bố nhiều xương thế. Con sờ chỗ nào cũng thấy xương! Chị bật cười vì câu hỏi ngây thơ của con mà mắt thì loang loáng nước...

Theo Tuổi Trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm