06/05/2012 07:22 GMT+7
(TT&VH Cuối tuần)- Chúng ta thường bỏ quên những người hùng thầm lặng, nhưng sau cuộc họp báo lịch sử cách đây một tuần, cái tên Tito Vilanova đã được viết lên trang đầu của cuốn biên niên Barcelona. Người được coi là cánh tay phải của Pep Guardiola 4 năm sẽ bước ra khỏi cánh gà và đối diện với một thách thức vĩ đại. Những gì Pep để lại phải được kế thừa và thậm chí là được nâng tầm, giống như năm xưa, Johann Cruyff đã để lại một di sản vĩ đại cho Pep kế thừa.
*Bạn cũng có thể bình luận về bài viết này trên http://www.facebook.com/baothethaovanhoa
“Phúc âm của Guardiola” Đó là tiêu đề một bài báo của tờ Guardian mới đây về Barcelona của Pep Guardiola. Trong đó, ký giả David Winner đã so sánh triết lý bóng đá được Pep phát triển với Kitô giáo. Giống như Chúa Jesus Christ đi thuyết giảng và thu hút các tông đồ, khởi nguồn cho Kitô giáo, và rồi để cho các môn đệ truyền bá đức tin ấy đời đời, Barca cũng có một người khai phá “đức tin” ở đội bóng này, cũng với cái tên có thể được viết tắt thành J.C: Johann Cruyff. Và sau này, các “môn đệ” của ông, như Pep Guardiola, đã duy trì “đức tin” ấy để tiếp tục đưa đội bóng tiến lên.
Cruyff chính là hạt nhân trong lối chơi tổng lực huyền thoại mà huấn luyện viên Rinus Michels đã áp dụng cho Ajax Amsterdam vào thập niên 70 thế kỷ trước. Năm 1973, ông gia nhập Barcelona với vai trò là cầu thủ, và chỉ trong vòng vài tháng đã đưa đội bóng từ khu vực xuống hạng đến chức vô địch Liga. Người Catalunya khi ấy gọi ông là El Salvador, tức Đấng Cứu thế. Thập niên 80 thế kỷ trước, Cruyff trở thành HLV của Barca, xây dựng một đội bóng được mệnh danh là “Dream Team”, với thứ tư tưởng bóng đá mang tính cách mạng về thông điệp trong những đường chuyền, đề cao khả năng sở hữu bóng và di chuyển một cách đơn giản, thông minh. Đội trưởng của đội bóng trong mơ ấy chính là Josep “Pep” Guardiola, người có thể xem như một “môn đồ” trung thành của Cruyff.
Tito Vilanova, truyền nhân của Pep Guardiola tại Barcelona
Slogan của Barca là “hơn cả một CLB”, và không biết có phải vì Giáo hoàng John Paul II cũng là một cule hay không, mà đội bóng ấy sở hữu một đức tin rất mạnh mẽ. Giống như Guardiola từng bảo: “Cruyff xây nhà nguyện, và chúng tôi chỉ đơn thuần là phục hồi và cải tạo nó”. Ký giả người Hà Lan Arthur van den Boogaard thậm chí còn gọi tư tưởng của Cruyff là một “giải pháp siêu hình” cho bóng đá.
Những so sánh thú vị: Giống như các nhánh tông phái bắt nguồn từ Kitô giáo, tư tưởng của “Thánh” Cruyff cũng là khởi nguồn cho nhiều phái sinh của bóng đá tổng lực. Khi Foppe de Haan đưa đội trẻ Hà Lan đến với chức vô địch giải trẻ châu Âu vài năm trước đây với đội hình 4-5-1, Cruyff đã rất tức giận và lập tức đăng đàn chỉnh huấn rằng một đội bóng thấm chất Hà Lan nên chơi 4-3-3 với các tiền đạo cánh điển hình. Và cũng giống như sự xuất hiện của quỷ dữ Satan, một kẻ phản Chúa, tư tưởng của Cruyff cũng gặp phải những đối thủ không đội trời chung. Bây giờ, sự xuất hiện của HLV Jose Mourinhorinho, người biết rõ những bí mật về bóng đá tổng lực qua thời gian làm trợ lý cho Louis van Gaal ở Barcelona, và bây giờ chuyển sang làm đại diện tích cực nhất của phe “Bóng tối”, là một ví dụ điển hình.
Bài viết dông dài ấy của tờ Guardian chỉ nhằm nhấn mạnh một điều: Pep Guardiola đã ra đi, nhưng tư tưởng bóng đá của Barcelona thì không thể chết. Vì cũng giống như Đức tin được tạo ra và lưu truyền đời đời, sau Cruyff đã có Pep, và bây giờ là Tito Vilanova, những người thầm nhuần “đức tin” ấy nhất và có khả năng truyền bá nó. Sách Phúc âm vẫn còn, và Barca sẽ vẫn tiến bước.
Tito Vilanova là ai?
Tito Vilanova và những chiến tích nổi bật cùng Pep Guardiola
“Pito? Pito Vilanova? Tôi chẳng biết Pito Vilanova nào cả”, đó là những gì mà huấn luyện viên Jose Mourinhorinho đã nói trong phòng họp báo, về người mà trước đó chỉ vài phút đồng hồ đã bị ông ta chọc vào mắt trong một cuộc tranh cãi vốn diễn ra rất thường xuyên của các trận El Clasico. Bây giờ thì Pito... à không, Tito mới đúng, sẽ là đối thủ của Real Mourinhodrid, và rất nhiều người Catalunya tin rằng việc ông kế thừa những thành tựu của Pep Guardiola là điều hoàn toàn xác đáng, không chỉ vì ông đã dám giáng lại cho Mourinho một cái bạt tai.
Không phải chờ đến cú vấp ngã ngay tại Camp Nou trước Chelsea, Pep mới ra quyết định “nhường ngôi” cho Tito. Theo như Pep nói, thì ông đã chuẩn bị rút lui từ tháng 12 năm ngoái, và Vilanova là sự lựa chọn không thể tốt hơn. Chính đội trưởng của Barca hiện tại, Carles Puyol, xác nhận rằng “Tito là một lựa chọn sáng suốt”. Ông thậm chí còn gần gũi với rất nhiều cầu thủ của Barca hơn cả người bạn thân Pep (trong một bài phỏng vấn cách đây không lâu với báo chí Tây Ban Nha, Tito chỉ ra rõ từng điểm mạnh, yếu của rất nhiều ngôi sao hiện nay tại Barca), và thậm chí là huấn luyện họ từ khi còn là những đứa trẻ. Cũng giống như Pep, Tito không cho phép con đường mà Barca đi chệch hướng.
Mối quan hệ giữa Pep và Tito bắt đầu từ năm 1984 tại học viện La Masia, trái tim của Barca. Họ chơi cùng vị trí tiền vệ tổ chức, và đều đã được giáo dục một cách kỹ lưỡng về sự tôn trọng dành cho triết lý đã tạo dựng Barcelona của ngày hôm nay. Thế hệ này cũng bao gồm cả hai thành viên hiện đang có mặt trong Ban huấn luyện đội bóng, là Jordi Roura và Aureli Altimira. Trong cuốn sách viết về Barcelona có tên “Sự hình thành đội bóng vĩ đại nhất Thế giới”, ký giả Graham Hunter đã ghi lại cuộc nói chuyện của ông với Tito Vilanova, và trong bài trả lời ấy, Tito tin rằng 4 người bọn họ đều có chung một tư tưởng bóng đá, từ những chuyện nhỏ nhặt nhất.
Cuộc chiến vẫn tiếp tục
Tito Vilanova, nạn nhân của cú “móc mắt” nổi tiếng mà thủ phạm là Jose Mourinho
“Chúng tôi cố gắng chuẩn bị theo cùng một cách cho tất cả các trận đấu” - Tito nói, theo lời dẫn lại trong cuốn sách của Graham, trước trận chung kết Champions League năm ngoái với Manchester United. “Không có nhiều sự khác biệt, cho dù bạn phải chơi với Hospitalet, hay đá một trận chung kết tại Wembley. Chúng tôi phân tích về chiến thuật và chiến lược theo cùng một cách, và cung cấp cho các cầu thủ lượng thông tin tương tự nhau”. Về trải nghiệm thất bại: “Tôi không bao giờ muốn thua, nhưng tôi cũng đã nhận thức được từ rất sớm rằng bạn không thể lúc nào cũng chiến thắng. Nếu bạn biết rằng bạn đã làm hết khả năng có thể và đã tận dụng mọi cơ hội, hãy chấp nhận thất bại như một phần của cuộc chơi. Bạn quay về và cố gắng cải thiện mình”.
Tito Vilanova, người sinh ra ở một ngôi làng thuộc Catalunya cách Barcelona 140 cây số về phía Bắc, là một con người hết sức lặng lẽ (tất nhiên, ngoài “sự cố” ông bạt tai Mourinho, một hành động trả đũa đúng đắn và tức thì), nhưng có tầm ảnh hưởng to lớn. Báo chí Tây Ban Nha gọi ông là người “bảo vệ ở sân sau của Barca”, đảm bảo rằng những chi tiết bên trong của đội không thay đổi trong quá trình vận hành. Thậm chí, rất nhiều quyết định quan trọng và mạo hiểm được cho là do Tito khởi xướng. “Anh ấy là một người có năng lực, và các cầu thủ đều biết điều này. Tôi chỉ là người phát ngôn cho những ý tưởng mà chúng tôi phát triển cùng nhau, và anh ấy sẽ cung cấp cho CLB này lẫn các cầu thủ những gì mà tôi không còn mang lại cho họ nữa” - Pep nói về người bạn lâu năm của ông.
Tito chưa bao giờ là một cầu thủ đủ đẳng cấp để chơi ở đội một Barca (ông đã trôi dạt qua rất nhiều đội bóng nhỏ, trước khi trở lại đây với tư cách là trợ lý của Pep ở đội B và cùng ông gặt hái những thành tựu đầu tiên), nhưng ông có lẽ là người phù hợp nhất lúc này để duy trì “đức tin” tại Camp Nou. Mùa bóng sau, Pep không còn ngồi ở khu vực kỹ thuật, nhưng tinh thần Barca sẽ vẫn cháy. Và màn chọc mắt của Mourinho với Tito hồi tháng Tám năm ngoái hứa hẹn sẽ khởi động một cuộc chiến nóng bỏng mùa sau, giữa những người yêu Chúa và quỷ Satan.
Phạm An (tổng hợp)
“Pep Guardiola đã ra đi, nhưng tư tưởng bóng đá của Barcelona thì không thể chết” - Tờ Guardian, Anh “Tito là một lựa chọn sáng suốt” - Carles Puyol, đội trưởng Barcelona |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất