05/07/2013 19:07 GMT+7 | Văn hoá
Vào khoảng những năm 1426 - 1428, xuất hiện một đồng tiền có tên là Thiên Khánh Thông Bảo. Đồng tiền này hiện chưa thấy nghiên cứu nào trong nước giới thiệu, và theo sách Lịch sử tiền đồng Việt Nam của Allan Barker (bài 1 đã dẫn) đồng tiền này được coi là của Hồ Ông được Lê Lợi đôn lên làm vua bù nhìn với danh hiệu con cháu nhà Trần, tên là Trần Cảo. Sau khi chống quân Minh thành công, Lê Lợi khôn ngoan cống nộp để tránh chiến tranh và thù hằn với một nước lớn. Đồng tiền Thiên Khánh Thông Bảo theo truyền thuyết là một lễ vật cống nộp.
Sách này nói: Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh Trung Quốc năm 1417 và tiếp tục đến tận năm 1428. Cuối năm 1426, Lê Lợi cố gắng lấy lòng với quân Minh nên đưa Hồ Ông lên làm vua, thực ra như một ông vua bù nhìn, và tuyên bố rằng Hồ Ông là hậu duệ của các vua Trần tên là Trần Cảo. Sau khi quân Minh rút lui năm 1428, Lê Lợi giết Hồ Ông và đoạt lấy vương quyền. Món tiền này có tên là Thiên Khánh Thông Bảo theo truyền thuyết được coi là món đồ cống vật với quân Minh.
Việc giải giáp và rút quân trong thời kỳ chiến tranh phong kiến cũng mất hàng năm giời, người ta vẫn phải ăn uống tiêu pha trên dọc đường, kể cả ta lẫn địch. Chúng tôi cho rằng đây là đồng tiền tạm thời được phát hành trong giai đoạn quân Minh đồng ý triệt thoái, và chuyển giao quyền lực cho phe Lê Lợi, dưới danh nghĩa một ông vua họ Trần là Trần Cảo. Đã là vua thì phải có niên hiệu, nên có thể niên hiệu của Trần Cảo là Thiên Khánh dẫn đến đồng tiền Thiên Khánh. Nhưng trên thực tế lịch sử thì cả Trần Cảo và niên hiệu rất ít được nhắc đến, trừ trong các tài liệu của nghĩa quân Lam Sơn, coi Trần Cảo là biện pháp chính trị, để tránh cho Lê Lợi tiếng xấu là tiếm quyền của nhà Trần. Bản thân nhà Trần đã tiêu vong sau chính biến năm 1400 của nhà Hồ. Những đồng tiền Thiên Khánh Thông Bảo được tìm thấy cơ bản giống nhau về lối để chữ Hán, tuy nhiên có vài đồng có dạng chữ hơi khác một chút, đặc biệt là chữ Khánh rậm rịt và khó đọc hơn. Theo Barker đây có thể là sự trả thù của Lê Lợi về tội xâm lăng của quân Minh. Về điều này chúng tôi cảm thấy khó thuyết phục mà nghĩ rằng đó là lỗi của kỹ thuật đúc nhiều hơn.
Trong thời kỳ nhà Lê Sơ (1427 - 1527) mà khởi đầu từ vua Lê Lợi có nhiều cuộc nổi dậy, trong đó có vài cuộc mang tên nghĩa quân nhà Trần và phát hành tiền. Cổ tiền học đã phát hiện một số đồng tiền mang tên Trần như vậy. Đó là đồng Trần Công Tân Bảo (1516) của Trần Công Ninh, đồng Thiên Ứng Thông Bảo và Phật Pháp Tăng Bảo (1517) của Trần Cảo, đồng Tuyên Hòa Hựu Bảo (1517 - 1521) của Trần Thăng.
Đồng tiền Trần Công Tân Bảo được cả ba cuốn sách giới thiệu đó là cuốn Lịch sử tiền đồng Việt Nam của Allan Berker, An Nam và hệ thống tiền tệ của Edward E.Toda, như trên đã nói, và cuốn Tiền An Nam của Muira Gosen. Riêng sách của Muira Gosen vô cùng quan trọng từ góc độ nghiên cứu hệ thống tiền tệ Việt Nam. Chúng gồm ba công trình: 1. Tiền An Nam - lịch sử tiền tệ, 2. Tiền An Nam - Các nhóm phong cách chữ viết trên tiền, 3. Tiền An Nam - Các đồng tiền lớn, tiền bạc và tiền đồng. Ngay chính Allan Berker cũng luôn trích dẫn các tài liệu từ công trình nghiên cứu này cho các bài nghiên cứu về sau của mình.
Theo Allan Berker thì Trần Công Tân Bảo là đồng tiền của nghĩa quân có tổ chức Trần Công Ninh vào khoảng năm 1511 - 1516. Nhưng theo Toda, cuộc khởi nghĩa này mang tên Trần Tuân năm 1511, còn theo Gosen thì cuộc khởi nghĩa mang tên Trần Công Ninh năm 1516 và ông cũng nói về Trần Tuân (Trần Tuân đã thành công trong việc chống lại tướng của chúa Trịnh, khi bị họ Trịnh phản đối. Ông có kế hoạch bao vây kinh thành, nhưng lại không tin tưởng vào việc làm của mình. Một đêm bất cẩn, tướng Trịnh và đồng đảng với 30 chiến binh mò vào doanh trại khi quân khởi nghĩa đang ngủ và sát hại ông). Đồng tiền huyền thoại có thể hiểu theo hai cách, Berker giải thích, Trần Công Tân Bảo có ý nghĩa là tiền mới phát hành mang tên Trần Công, và nghĩa khác là đồng tiền của triều đại Trần mới.
Sau Trần Công Ninh, năm 1517, có một cuộc khởi nghĩa khác cũng mang danh họ Trần là Trần Cảo. Trần Cảo này khác với Trần Cảo mà Lê Lợi dựng lên. Chúng tôi cho rằng những cái tên như Hồ Ông, Trần Cảo mang tính mơ hồ kể cả về vai trò của nhân vật đó, khi người ta không biết đích xác có một người thật như vậy không, hay chỉ là chuyện hư đồn. Tuy nhiên trong sách của Berker có đến hai đồng tiền thuộc về Trần Cảo năm 1517. Đó là đông Thiên Ứng Thông Bảo và đồng Phật Pháp Tăng Bảo.
Sách Berker viết: Trong năm 1516, Trần Cảo xuất hiện ở Hải Dương, tuyên bố mình là chắt của vua Trần Thái Tông và cả hai đều là hiện thân của Phật tái sinh (Phật sống). Ông tụ tập được một đạo quân lớn, những người lính mặc quần áo đen, cạo trọc đầu. Năm 1517, ông dẫn quân tập kích Thăng Long và tuyên bố mình tự lập làm vua dưới danh hiệu Thiên Ứng. Bên cạnh đồng Thiên Ứng Thông Bảo, còn có đồng tiền mang tính Phật giáo, tên là Phật Pháp Tăng Bảo cũng được dùng thông thường. Đây cũng là sự kiện hy hữu trong lịch sử tiền tệ, mà việc phát hành tiền lại được làm dưới danh nghĩa nhà Phật, nơi chỉ sống bằng bố thí của thiên hạ
Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất