04/09/2017 15:00 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Vùng đầm phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên - Huế rộng hơn 22.000 ha, lớn nhất Đông Nam Á, chạy suốt từ huyện Quảng Điền cho đến Phú Lộc, nếu không có phương tiện thuyền máy, việc di chuyển ở đây khá nan giải.
Trong ký ức của mình, người dân thôn An Hải (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhớ như in, nhà ở cửa Thuận An, chỉ cách nhau cây cầu, nhưng từ đây lên thành phố Huế hết sức cách trở. Ngày mưa thuyền chèo tay không dám sang, trẻ em phải nghỉ học. Đó là chưa nói đến, nếu đi thuyền trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (từ Quảng Điền cho đến Phú Lộc) chèo cả ngày không đến, xa thăm thẳm. Chẳng thế mà từ đời này sang đời khác, người dân ở đây vẫn còn ám ảnh bởi câu ca: Thương anh em cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.
Phá Tam Giang là nơi hội tụ ba con sông lớn của Thừa Thiên-Huế là sông Ô Lâu, sông Hương và sông Bồ trước khi đổ ra biển. Ngoài hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, Tam Giang-Cầu Hai có hệ sinh thái đa dạng và phong phú, phá Tam Giang còn là nơi cung cấp nguồn sống cho hơn 41.000 hộ dân các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền, chiếm tới 1/3 dân số toàn tỉnh.
Trước đây, vùng đầm phá mênh mông này đã biến các xã phía bên kia phá Tam Giang của các huyện Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà thành "ốc đảo". Người dân muốn đến trung tâm huyện, hoặc lên thành phố Huế phải lệ thuộc vào những chuyến đò vượt phá mong manh. Thiên tai luôn rình rập, đe dọa. Ký ức kinh hoàng mà bây giờ, người dân thôn An Hải, thị trấn Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế không dám nhắc lại, ấy là cơn lũ dữ xảy ra vào năm 1999. Cơn lũ lịch sử mở thêm cửa biển Hoà Duân làm cho 64 hộ dân ở đây bị mất nhà, mất đất, mất người thân cuốn theo ra biển.
Làng mới định cư sau lũ được Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt tên là Làng Rồng. Giờ thì đoạn quốc lộ 49 xuyên qua làng và con đập Hòa Duân được hàn khẩu từ trước dẫn vào làng đã không còn dấu tích cơn lũ dữ. Anh Lê Văn Xoan, một ngư dân ở làng nghe chúng tôi nhắc lại trận lụt còn khiếp vía, vì chưa từng thấy trong đời và có đời mô vùng biển ni ngập lụt được. Anh Xoan nhắc về cái chết thảm của gia đình ông Trần Văn Kiệu ở Hòa Duân: cả nhà 12 người chết gồm 2 ông bà già, 4 người con trai, 4 đứa cháu nội, 2 cô con dâu. Cả đại gia đình có một người duy nhất sống sót là anh Trần Văn Thu, nay đang sống ở làng Rồng, tức thôn An Hải, Thuận An.
Trong ngôi nhà tái định cư ở Làng Rồng dành cho những hộ dân bị cuốn trôi nhà cửa ở Hòa Duân được Bộ Quốc phòng hỗ trợ cho, thời gian qua đi, nổi đau phần nào cũng nguôi ngoai. Anh Trần Văn Thu cảm ơn Đảng, Chính phủ, Chính quyền và các đoàn thể đã lo cho bà con làng Rồng có được cuộc sống như hôm nay.
Nhiều gia đình khác như gia đình anh Phạm Công Kiệt, được vay vốn sắm tàu đánh bắt xa bờ, đã xây được nhà 2 tầng. Nhiều hộ được vay vốn mua sắn tàu thuyền, ngư lưới cụ làm nghề đánh bắt trên biển, và phát triển các ngành nghề gò, hàn, mộc, nề, dịch vụ quanh bãi tắm Thuận An để tăng thêm nguồn thu nhập. Gia đình anh Trương Công Hồng, Trịnh Văn Thái, Nguyễn Văn Tình, chị Lê Thị Chiến cần cù chịu khó làm ăn, cuộc sống khấm khá hơn rất nhiều. Cả làng không có cảnh "nhàn cư" rượu chè, say xỉn, gây rối trật tự trị an; cuộc sống họ càng gắn kết, đầm ấm hơn.
Anh Đỗ Ngọc Thích, trưởng thôn An Hải cho biết: làng có 70% hộ có cuộc sống xếp vào loại khá; 35 hộ có xe máy; 95% số hộ có phương tiện nghe nhìn; điện thắp sáng, nước sạch về đến 100% số hộ. Anh Đặng Tác, người được coi là nghèo nhất Làng Rồng bây giờ (vì gia đình anh sinh tới 11 người con) cũng không còn lo đói cơm, rách áo, các cháu đều được đi học. Làng được hỗ trợ xây dựng 1 trường mẫu giáo đón tất cả các cháu trong độ tuổi đến trường. Học sinh học đến cấp 1,2 ngày trước rất ít, nay đã đông hơn nhiều; có 4 cháu thi đỗ vào đại học, trong đó có 1 gia đình có 2 cháu vào đại học, điều chưa từng có ở vùng quê ven biển này.
Bây giờ, năm nào cũng vậy, mỗi khi tết đến xuân về, người dân làng Rồng lại háo hức mong chờ cành đào xuân của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu gửi tặng; đây cũng là dịp họ có cơ hội ngồi lại với nhau "ôn cố tri tân", thắt chặt tình nghĩa xóm làng sau hoạn nạn. Dẫu còn bộn bề gian khó với cuộc sống thường nhật, nhưng đã có một Làng Rồng thực sự hồi sinh trong tình Dân, nghĩa Đảng.
Bài 2: Vượt phá Tam Giang không còn cảnh lụy đò
Bài & Ảnh: Quốc Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất