Những điều nên và không nên khi cúng ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp

08/01/2023 21:59 GMT+7 | Bạn cần biết

Theo quan niệm dân gian, đưa ông Công, ông Táo về trời là phong tục tâm linh quan trọng. Vì vậy, khi cúng cần lưu ý những điều quan trọng này.

Ông Công ông Táo là những vị thần bảo hộ gia đình vì vậy mỗi năm ông Công ông Táo sẽ lên Thiên đình để báo cáo những chuyện của nhân gian. Cho nên, vào ngày 23 tháng Chạp, mỗi gia đình đều chuẩn bị phẩm vật, mâm cỗ để cúng tiễn ông Công ông Táo.

Năm nay, lễ cúng ông Công ông Táo sẽ rơi vào thứ 7 ngày 14/01/2023 Dương lịch. 

Những điều nên tránh khi cúng ông Công ông Táo 

Không cúng sau 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp 

Lễ cúng ông Táo phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng, tức là trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp.

Tùy theo điều kiện thời gian, công việc của từng nhà để sắp xếp có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.

Những điều nên và không nên khi cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp  - Ảnh 1.

Lễ cúng ông Táo phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng, tức là trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp

Vì vậy, nên nhớ không cúng sau 12 giờ trưa ngày 23 bởi sau 12 giờ trưa đây là thời điểm mà các ông Công ông Táo đã về trời.

Không đặt mâm cúng ở dưới bếp 

Mặc dù ông Táo là vị thần bếp nhưng các chuyên gia nghiên cứu tâm linh cho rằng, việc đưa ra ý kiến cúng ông Công ông Táo ở bếp như vậy là không đúng với phong tục cũng như các quy tắc thờ cúng từ nhiều đời nay của người Việt.

Những điều nên và không nên khi cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp  - Ảnh 2.

Không đặt mâm cúng ông Công ông Táo ở dưới bếp.

Cho nên, các vị này đều phải được thờ phụng ở bàn thờ chính của gia đình. Nói cúng ông Táo ở dưới bếp mới đúng như vậy là không hiểu văn hóa, tín ngưỡng, quan niệm dân gian từ nhiều đời nay của dân tộc Việt Nam.

Không cầu xin tài lộc, sung túc 

Theo quan niệm, Táo Quân lên thiên đình để báo cáo các công việc ở hạ giới với Ngọc Hoàng, việc cầu xin tài lộc, công danh, tình duyên là không phù hợp. Các gia đình chỉ nên khấn và cầu xin Táo Quân báo cáo nhiều điều tốt với Ngọc Hoàng. 

Không thả cá chép từ trên cao xuống

Thả cá chép từ trên cao xuống hoặc buộc cá trong túi rồi ném cả túi bị xem là hành động mang tính hình thức, mất đi ý nghĩa của một phong tục đẹp. Ngoài ra hành động này còn làm cá dễ bị chết, bọc cá chép trong túi còn đang xả rác xuống môi trường.

Những điều nên và không nên khi cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp  - Ảnh 3.

Không thả cá chép từ trên cao xuống và không ném cả túi xuống dòng nước để tránh gây ô nhiễm môi trường

Cách đúng nhất để phóng sinh cá đó là chọn chỗ mép nước gần, nhẹ nhàng nghiêng bát hoặc túi để cá tự quẫy, bơi vào dòng nước.

Không cúng tiền âm phủ 

Ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm nên khi cúng ông Công ông Táo, các gia đình tuyệt đối không đốt tiền âm phủ.

Ngoài ra, trong dịp này, nhiều gia đình cũng sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt. Họ tin rằng dâng mâm cao cỗ đầy sẽ được Táo quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm.

Tuy nhiên, việc cúng ông Công ông Táo là một nghi lễ thiêng liêng, chủ yếu là ở sự thành tâm của gia chủ. Dâng mâm cao cỗ đầy không chỉ gây tốn kém tiền của, không có lợi ích mà còn ảnh hưởng đến môi trường.

Những điều nên làm khi cúng ông Công ông Táo 

Lau dọn bàn thờ dịp cuối năm 

Nơi thờ tự luôn được xem là chốn tôn nghiêm, linh thiêng, hàng ngày các vị thần vẫn còn ngự ở trên đó, nên gia chủ thường ít động vào. Ngày 23, ông Công ông Táo lên Thiên đình thì nhân việc ông đi vắng người ta tranh thủ dọn dẹp lại bàn thờ, tỉa chân nhang, lau chùi thật cẩn thận để chuẩn bị đón năm mới.

Việc dọn dẹp nơi thờ tự nên tiến hành sau lễ cúng ngày 23 tháng Chạp. Các thủ tục bao gồm rút bớt chân nhang lau chùi ban thờ, các vật dụng thờ tự. Lưu ý dọn dẹp một cách cẩn thận và tránh đổ vỡ. 

Thực hiện lễ cúng trang nghiêm

Lễ cúng ông Công ông Táo có sự khác nhau giữa các vùng miền. Ví dụ ở miền Bắc, người dân ít khi đặt bàn thờ ở trong bếp, còn ở miền Nam nhiều gia đình bố trí một bát hương và bàn thờ ở bếp.

Những điều nên và không nên khi cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp  - Ảnh 5.

Thực hiện lễ cúng trang nghiêm

Với quan niệm của đa số người Việt Nam, cúng bái luôn yêu cầu sự trang nghiêm nên lễ cúng ông Công ông Táo nên được thực hiện ở nơi trang trọng, sạch sẽ và gia chủ cần phải thể hiện được sự thành tâm của mình. 

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo

Lễ vật cúng ông Công ông Táo bao gồm cả lễ chay và lễ mặn.

Lễ mặn gồm có 1 mâm cơm canh. Lễ này sẽ tùy vào điều kiện, hoàn cảnh gia đình có thể làm thật thịnh soạn hoặc có thể đơn giản, bình thường. Nhưng tuyệt đối không dâng cúng Táo quân các món như thịt chó, thịt trâu, cá mè, vịt, ngan…

Lễ chay bao gồm: bánh trái, hoa quả, bộ mũ ông Công ông Táo.

* Bài viết chỉ mang tính tham khảo

HOÀI THƯƠNG (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm