22/04/2022 13:00 GMT+7 | Văn hoá
Triển lãm nghệ thuật quốc tế Hanoi Art Connecting 5 đang diễn ra tại VCCA (Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom, 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) và sẽ kéo dài đến 9/5 tới. Một triển lãm có khá nhiều các tác phẩm mang bóng dáng con người nhưng phần lớn là những hình người kì dị. Vậy, những dị nhân đó như thế nào?
Chỉ từ đầu thế kỷ 20 trở đi, ta mới bắt gặp những hình người kỳ dị, siêu thực hay “xấu xí” trong các tác phẩm. Mục đích của nghệ thuật hiện đại thế kỷ 20 không còn để tạo ra cái đẹp theo những quy chuẩn của mỹ học truyền thống phương Tây mà là sự phản ứng của nghệ sỹ với những giá trị cũ của nghệ thuật, bộc lộ nội tâm cá nhân sâu sắc và chất vấn thế giới đương đại.
Cho tới hôm nay, nghệ thuật đương đại trong bối cảnh toàn cầu hóa, đã thụ hưởng tất cả các trường phái và tư tưởng nghệ thuật Đông - Tây, thì mục đích tự sự/ chất vấn của nghệ thuật đối với cá nhân - xã hội vẫn là một chủ đề lớn.
Từ cá nhân đến xã hội
Trong khuôn khổ những tác phẩm mang nhân dạng dị biệt của triển lãm này, có thể thấy rõ sự chuyển dịch từ các yếu tố mang đậm chất tâm lý cá nhân đến những câu chuyện của thế giới đương đại. Với thủ pháp biến dạng, nghệ sỹ có thể nhào nặn những cơ thể, vo tròn hay bóp nghẹt đem đến những trạng thái kỳ dị cho nhân vật.
Hai nhân dạng trong tác phẩm của Man Surapong (Thái Lan) và Dương Mạnh Quyết (Việt Nam) trong tình trạng đối lập như thế. Cơ thể của nhân vật không mất đi hay được thêm vào mà chỉ được nén lại hay kéo dài ra. Một bên như quả bóng trong trò chơi tạo hình, một bên như kẹo mạch nha. Hai trạng thái đều nguy hiểm và mệt mỏi.
Một tác phẩm khác trong triển lãm với cái đầu trắng trong nền xám đen gợi cho người xem nghĩ ngay tới tác phẩm Tiếng thét của Edvard Munch (1863-1944). Với tác phẩm này, họa sỹ người Na Uy thế kỷ trước biểu hiện một tâm trạng sợ hãi, lo âu khi nghe thấy một tiếng thét lớn trong khoảnh khắc đi trên cây cầu cùng hai người bạn. Trong bức tranh, rõ ràng, khi hai người đi sau vẫn bình thản, không nghe thấy gì, thì việc nghe thấy tiếng thét của nhân vật chính như là dự cảm từ trực giác mà chỉ người nghệ sỹ mới có được. Đó phải chăng là dự cảm bất an của Edvard Munch giữa dòng đời cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20?
Còn ở bức tranh trong triển lãm này, nhân vật không phải nghe thấy nữa mà là đang thét - đang trực tiếp chịu đựng và vượt thoát. Sự đối lập hai mảng đen - trắng, con người và những cái bóng cho người xem nhiều liên tưởng. Có thể là nội tâm giằng xé, có thể là một sự bóp nghẹt, kêu cứu. Nhân vật chính đang cố vươn lên cao nơi ánh sáng phía trên, thoát khỏi những cái bóng đen.
Loạt sáng tác điêu khắc mang tựa đề “dị ứng” của Đỗ Hà Hoài cho thấy rõ hơn sự xâm lấn giữa hai miền cá nhân và xã hội. Những cơ thể đang gãi ngứa, cào xé, móc bung ra từng phần. Trong series “dị ứng” trước, với chất liệu foam nở nghệ sỹ thể hiện sự dị ứng đang phát ra, nổi cục trên những cơ thể người khiến họ dị dạng. Ở loạt tác phẩm này, những nhân dạng được làm bằng bê tông - một chất liệu tưởng chừng bền vững hơn nhưng lại bị nhân vật gãi bung từng mảnh. Hình ảnh siêu thực gợi cảm giác khiếp đảm, nhưng chính nhân vật lại không hề hay biết- bằng chứng là gương mặt không biểu hiện đau đớn mà chỉ thỏa mãn, hay như lơ mơ trongmột cơn ngủ. Điều đó chứng tỏ sự hủy hoại diễn ra ngấm ngầm và vô thức. Đó là những dị ứng từ môi trường bên ngoài - dị ứng thông tin, dị ứng bởi những gì nhìn thấy, ăn vào (tác giả gợi mở)… nói chung, những gì đến từ “cái khác” khi xâm nhập, nếu cơ thể không thể tiếp nhận được sẽ biến thành dị ứng, thành những khối u cục không thể chuyển hóa. Chúng to dần, xâm chiếm phá hủy cơ thể. Nếu nghĩ theo một cách khác, thì đó có giống hiện tượng “tha hóa” của cái tôi?
Với tác phẩm của nghệ sỹ Thái Lan Krai Kulphun vẽ chú voi trong thân hình người đàn ông đang quỳ, tay bị xiềng xích lên cao. Hình ảnh người- voi quái dị được đưa vào ở đây gợi lên ít nhất hai cảm giác. Thứ nhất, việc thế thân người đàn ông khỏe mạnh trong cơ thể voi đang đang phải chịu xiềng xích đau đớn, cho ta hình dung dễ hơn về nỗi đau mà con voi phải chịu. Tiếp đến, lối vẽ lắp ghép, siêu thực mang ít nhiều tính chất hài hước chế giễu hay thái độ của tác giả gợi cảm giác tủi nhục cho con người khi thân thể bị phơi bày.
Bên cạnh đó, còn nhiều tác phẩm về những nhân dạng kỳ quái đáng suy ngẫm. Đó là hình ảnh bộ xương cưỡi ngựa như trêu đùa kẻ thù đang tấn công. Là những nhân dạng với con mắt thật nhắm lại, bong ra một cách giả tạo, tôn lên con mắt thứ 3. Là cơ thể trong hình dạng một cái rễ đang thối đen, đi xuống bậc thang đầy ẩn dụ. Hay là những “người đời” ngồi lên nóc các tòa nhà cao tầng, chắp tay - thủ ấn như những Bồ Tát tọa trên đỉnh núi …
“Dị nhân” của thế giới đương đại
Trong một triển lãm có 140 tác phẩm của 100 nghệ sỹ, số lượng các tác phẩm có hình dạng con người chiếm gần 1/3 tổng số và trong đó có tới 2/3 là “dị nhân”. Một triển lãm với những nghệ sỹ được lựa chọn ngẫu nhiên, như một thế giới thu nhỏ. Mỗi tác phẩm là một góc hiện thực của nghệ sỹ, thứ mà họ đang chứng kiến, trải qua hay dự cảm được trong đời sống của mình.
Nghệ thuật của họ giúp chúng ta dừng lại để chiêm ngưỡng và suy ngẫm, ghép mảnh, để rồi mỗi người lại đón nhận bức tranh lớn bằng những huyễn tưởng của cá nhân mình.
Triển lãm nghệ thuật quốc tế Hanoi Art Connecting lần 5 được tổ chức bởi Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) cùng Asia Art Link (AAL) và Hội Mỹ thuật Việt Nam... Chương trình bao gồm chuỗi hoạt động sáng tác, trưng bày hơn 140 tác phẩm thuộc các lĩnh vực hội họa, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt của 100 nghệ sĩ trong nước và 24 quốc gia trên thế giới bao gồm Australia, Ấn Độ, Canada, Hàn Quốc, Indonesia, Ireland, Malaysia, Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Sri Lanka, Tây Ban Nha, Thái Lan, Trung Quốc,... |
Trần Thu Huyền
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất