Khám phá phế thành hoang tàn ở Hòa Bình

23/05/2013 08:18 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Rộng khoảng 40.000m2, tòa thành nhỏ nằm ở xã Cao Thắng, Lương Sơn, Hòa Bình, gần như không gây được bất kỳ sự chú ý nào từ người đi đường qua đây.

Phải quan tâm và có chủ đích, người ta mới biết, phía sau đầm sen, hòn đảo um tùm cây cối kia chính là một phế thành vô cùng hoang tàn.

Chùm ảnh ghi nhận của Thethaovanhoa.vn tại đây:

Có lẽ không ai ngờ rằng đây lại là 1 con đường dẫn vào tòa thành cổ rộng tới 40.000m2. Thực tế đây là chiếc cầu được xây mới để phục vụ cho một dự án du lịch sinh thái trong thành nhưng sau đó bị bỏ hoang không rõ lý do

Cách đó không xa, khu vực được cho là cổng thành phía đông cũng hoang tàn không kém. Không còn tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào của cổng thành. Thứ còn tồn tại duy nhất ở đây là cây ăn quả và một căn nhà đã bỏ hoang

Tuy nhiên có thể thấy vết tích của đoạn tường thành cổ còn lưu lại ngay sau hàng cau

Ngay bên ngoài, dấu vết của hào nước bao thành vẫn còn nguyên vẹn nhưng nay đã dùng để phục vụ tưới tiêu

Hướng về phía Tây cổng thành, một đoạn tường được làm từ đá ong nổi bật lên giữa ruộng ngô báo hiệu đây là khu vực còn giữ được nhiều dấu vết nhất

Cổng thành phía Tây: Nơi được giữ gần như nguyên vẹn nhất hình ảnh của một tòa thành cổ. Mặc cho rác bao bọc hai bên thành, nó vẫn đứng khá vững chãi và không có vẻ gì là bị ảnh hưởng cho lắm

Vẫn còn nguyên dấu vết của các chốt cửa thành bằng đá. Cổng thành được xây bằng gạch nhỏ, vuông vức, xếp đều và khá chắc chắn. Theo những người dân ở đây thì có vẻ như người xưa đã dùng mật để làm vữa nên bò rất hay vào đây liếm tường. Điều đó có vẻ hợp lý bởi vữa xây tường hoặc làm nền nhà của người Việt xưa là tổng hợp của nhiều loại chất, trong đó có cả mật mía

Từ cổng phía Tây đi vào, có thể thấy đôi chút sự sống tồn tại thông qua con đường, hàng cây và các ô ruộng trông rau quả. Qua tìm hiểu được biết, trước đây có khoảng 5 nhà sống trong thành. Nhưng vì nhiều lý do, người ta cứ bỏ dần đi và giờ chỉ còn 2 hộ dân sống trong khu vực hoang vắng này

Đáng chú ý nhất là ngôi nhà chính của một khu du lịch sinh thái được xây dựng bên trong thành. Nó bị bỏ hoang hoàn toàn.

Không ai rõ lý do khiến chủ đầu tư của khu này vì sao lại vội và bỏ đi sau khi vừa hoàn thiện xong toàn bộ cơ sở hạ tầng, bài trí khung cảnh, đầu tư bàn ghế, trang thiết bị...

Như phòng karaoke này chẳng hạn, nó gần như chưa được sử dụng và mọi thứ bên trong gần như còn rất mới. Nhiều vật dụng trong phòng thể hiện sự chối bỏ của chủ nhân và chấp nhận ra đi mà không cần thu hồi lại những gì mình đã đầu tư

Ngay trước mặt tòa nhà hoang này là cổng vào. Không khó để nhận ra đây là cổng thành phía Nam. Nó đã mất vòm trần và chủ nhân của khu du lịch sinh thái đã thay thế bằng một tấm mái tôn

Cả khu vực này, ngoài cổng thành và chiếc chân đá làm chốt cửa này, gần như không còn dấu hiệu gì của thành cổ

Thực tế, cổng thành này khó có thể sụp đổ tự nhiên được bởi kết cấu và cách xây dựng của người xưa được đánh giá là bền bỉ 

Nguyên nhân khiến tòa thành này mất dấu có lẽ do tác động của con người nhiều hơn là thiên nhiên

Một trong những dấu vết rõ ràng nhất hiện còn ở đây có lẽ là khu vực mép nước của hào bao quanh hồ

Mặc dù dự án bên trong thành "chết" nhưng hiện tại có thể thấy, ngay ngoài thành, 1 dự án nhà nghỉ, ăn uống đã xuất hiện và có vẻ... sống được

Đón đọc: Gặp người đàn ông 50 năm trông thành

Người đàn ông ấy đã không chỉ một mình trông thành mà còn là người lưu giữ những câu chuyện hay do các cụ xưa kể lại. Ông cũng là người từng phải sống, chiến đấu và bảo vệ thành bởi đây từng là một căn cứ bí mật của chính phủ trước ngày giải phóng.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm