Những “đại gia” nông dân

03/05/2012 13:58 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - “Chỉ với 1ha cao su, trừ hết tất cả chi phí thì mỗi tháng cũng có lãi hơn 20 triệu đồng. Mấy ông ở thành phố mà về tỉnh Bình Phước thấy nông dân lấm lem, chớ có nghĩ là họ nghèo” - anh Thành, một “thổ địa” ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước tuyên bố chắc nịch với chúng tôi.

Nông dân thu nhập cao, thì đáng mừng, nhưng điều chúng tôi muốn nói đến là những hệ quả phát sinh từ thu nhập khủng ấy.

Diện kiến “đại gia”

Từ cổng chào Trung tâm hành chính huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, Thành đưa chúng tôi đi hết con đường đất đỏ ngoằn ngoèo này lại rẽ sang con đường đất đỏ khác để đi sâu vào Nông trường cao su Đồng Phú. Đoạn đường chúng tôi đi phải đến 10km để tới nhà H. nằm giữa rừng cao su bạt ngàn, đó là nhân vật mà Thành muốn cho chúng tôi diện kiến.

Căn nhà của H. cũng tuyềnh toàng như những căn nhà khác nhưng bao quanh là những gốc lộc vừng to trị giá vài chục triệu đồng và bầy gà đá (gà chọi) có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng/con.

H. bên con gà chọi có giá 3 triệu đồng

“H. năm nay 28 tuổi, nhà chỉ có 3ha cao su thôi, tính ra mỗi tháng chỉ có khoảng hơn 60 triệu đồng - Thành cười hể hả kể - Nhưng sống đúng chất của một “đại gia” miệt vườn, nhìn cây cảnh, gà đá thì biết. Vậy chứ, cây cảnh trồng chơi không bán, nghe gà đá hay dù giá bao nhiêu, xa ở đâu cũng đi tới mua. Rồi có người thấy gà đá hay đòi mua với giá 2, 3 triệu cũng không bán nhưng sẵn sàng làm thịt con gà để tiếp bạn lai rai” .

Quả đúng như lời ông bạn Tuấn nói, H. chẳng ngần ngại bắt ngay con gà “chiến” mà có người trả 2 triệu đồng để làm thịt đãi khách. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, H. cười nói: “Đáng gì mấy anh, tí nữa lên ao cá bắt thêm mấy con cá rồi nhậu. Ao cá nhà, nuôi cá hơn 3 năm rồi không kéo lưới bán cho ai hết nên con nào con nấy to như cái bắp chuối”.

Ao cá mà H. nói cách nhà hơn 2km, rộng hơn nghìn mét vuông, H. cho biết: “Ao cá này đầu tư gần 200 triệu, mình đang định xây thêm nhà chòi giữa ao nữa để có dịp bạn bè đến chơi có chỗ lai rai nhậu nhẹt. Nuôi gà đá, trồng cây kiểng cũng là thú chơi. Tính đến giờ cũng hết vài trăm triệu, chưa kể công sức mình bỏ ra cũng không ít nên nói thiệt có ai hỏi mua mình cũng chẳng thèm bán”.

Chúng tôi cũng khá bất ngờ về những gì mà H. nói về cuộc sống “đại gia” của mình. Bởi lẽ thu nhập như H. và nhiều nông dân tại đây, đối với nhiều người lao động ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM là một con số “mơ ước”.   

Có tiền… sinh tật

Thu nhập của H. hàng tháng khoảng 60 triệu chưa đáng là gì so với nhiều nhà nông có tới 9 - 10ha trồng cao su, mỗi tháng thu lời hàng trăm triệu đồng.

Thành nốc cạn lon bia và trầm ngâm nói: “Dù sao thì chơi như H. là lành mạnh, còn biết suy nghĩ. Nhiều dân trồng cao su ở đất Đồng Phú này nghiện cờ bạc khỏi chê vào đâu được. Tiền thì nhiều mà không biết cách tiêu xài, thì tệ nạn sẽ phát sinh thôi. Ngày nào chẳng tụ tập cờ bạc, còn qua biên giới đánh bạc thì như đi chợ. Nói thiệt, tôi cũng bị cò đánh bạc dụ dỗ mấy lần qua Campuchia chơi nhưng may là mình tỉnh táo không đi. Ở biên giới có 3 của khẩu quốc tế Hoa Lư, cửa khẩu Lộc Thịnh (Tà vát) và cửa khẩu Hoàng Diệu cùng hàng trăm con đường tiểu ngạch, nên muốn qua bên đó dễ lắm, đi lúc nào cũng được”.

Chuyện cờ bạc mà ông bạn Thành nhắc đến là một thực trạng diễn ra từ rất lâu. Từ năm 2008, phía bên Campuchia giáp với cửa khẩu Hoa Lư mới chỉ có một trường gà được xây dựng. Nhưng chỉ 3 năm sau, số lượng trường gà, casino thuộc đất Campuchia ở bên kia biên giới tỉnh Bình Phước đã tăng lên con số 4, số người Việt Nam sang Campuchia đánh bạc cũng gia tăng một cách chóng mặt.

Tình trạng đánh bạc ngày càng phát sinh phức tạp, nhất là khi xuất hiện các đối tượng môi giới, cò mồi chuyên dụ dỗ, dẫn dắt con mồi dưới mọi hình thức. Hàng ngày, có khoảng 150 người đến 450 người được bọn môi giới dẫn dụ sang biên giới Campuchia đánh bạc tại các casino và các trường gà.

“Ở đây chỉ có dân đi cạo mủ cao su thuê là nghèo, còn lại có tiền rủng rỉnh. Nhưng đến khi thua sạch túi ở sòng bài Campuchia, nhiều người lại lâm vào cảnh nghèo túng, nợ nần, cầm cố tài sản, bán nhà cửa, đất đai. Thậm chí, để có tiền cờ bạc, nhiều người sẵn sàng đi lừa đảo, trộm cắp. Từ lúc nông dân giàu lên vì cao su thì vùng quê này hết yên bình rồi mấy” - Thành nói.

Chia tay “đại gia” miệt vườn H., chúng tôi cùng Thành ra khỏi Nông trường cao su Đồng Phú vào 2 giờ sáng, thấp thoáng trong những cánh rừng cao su là ánh đèn của các những công nhân cạo mủ của nông trường và cả những người cạo mủ tư nhân đang tỉ mẩn làm công việc của mình.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, 43 tuổi, làm nghề cạo mủ thuê đã 19 năm kể: “Nãy thấy mấy chú rầm rầm chạy vô, làm tôi sợ hết hồn, tưởng là ăn cướp chứ. Nghề cạo mủ này chỉ làm ban đêm nên chỉ sợ rắn cắn và cướp giật. Mấy tháng trước tôi bị trộm mất chiếc xe gắn máy cũng vào giờ đi làm mủ. Ngày trước đâu có phức tạp như vậy”.

Thái Nguyên - Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm