Người Hà Nội “đổi mốt” chơi quất cảnh ngày Tết

01/02/2011 12:46 GMT+7 | Đời sống

(Vietnamplus/TT&VH) - Bỏ ra hơn 1 triệu đồng để “rước” một cây quất cảnh, đường tán chỉ to độ 30-40cm, anh Trịnh Văn Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) bảo, tìm khắp chốn cùng nơi mới chọn được cây quất bonsai ưng ý để “treo” trên tường.

Anh Tuấn cũng như nhiều người Hà Nội, hễ Tết đến lại chọn cho mình những cành đào, cây quất để chơi xuân. Vài năm trở lại đây, họ đã “đổi mốt” chơi, không còn chọn những cây quất dáng hình thông, mà chuyển sang quất thế, bonsai với nhiều kiểu dáng phong phú.

Săn quất “tí hon”

Anh Quảng cho biết, cây quất bon sai này được khách đặt mua với giá trên 2 triệu đồng. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Con đường đê quai Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) một chiều cuối đông. Gió rét từ phía sông Hồng thổi rát buốt mặt người là lúc chúng tôi ghé thăm cánh đồng quất bạt ngàn, với muôn hình vạn dáng đang rực vàng trong tiết trời u ám.


Lòng vòng cả buổi, cuối cùng anh Tuấn tìm tới nhà vườn Thế Mạnh. Tại đây, anh đã chọn được một cây quất cảnh, được “bứng” sẵn lên chiếc chậu sứ, treo trên tường. Cây quất có dáng thác đổ, đường kính tán chỉ hơn 30cm nhưng để có nó, anh Tuấn đã phải móc hầu bao 1,5 triệu đồng.

Nói với phóng viên, anh Tuấn bảo, trước kia anh cũng chơi quất tán. Nhưng vài năm gần đây, anh đã chuyển sang chơi quất thế, rồi bây giờ là quất bonsai. Lại nữa, phòng khách của gia đình khá hẹp, bởi vậy, một cây quất nhỏ, nhưng dáng đẹp, lại được treo trên tường sẽ tạo nên cảm giác mới mẻ trong những ngày Tết.

Cũng giống với anh Tuấn, anh Nguyễn Viết Thêm (phố Trần Quang Diệu) cũng đến Tứ Liên để tìm cho mình một cây quất bonsai. “Nhìn cây quất bonsai sẽ thấy một cảm giác rất tự nhiên, không bị chằng chịt bởi dây thép như quất tán cổ truyền,” anh Thêm nói.

Bà Trần Thị Phương, chủ vườn quất Thế Mạnh cho hay, nhiều năm nay người dân có xu hướng chuyển dần sang chơi quất bonsai, quất thế. Bắt nhịp với thị hiếu, hơn mười năm nay, gia đình bà đã chuyển sang trồng quất bonsai. Tuy nhiên, theo bà Phương, quất bonsai vẫn chưa thực sự “thống lĩnh” thị trường ngày Tết, bởi giá của nó khá đắt.

Cụ thể, một cây quất nhỏ, treo tường ở vườn Thế Mạnh có giá bán trên dưới 1,5 triệu đồng. Những cây có gốc to hơn, dáng đẹp và bầy trong chậu cảnh có giá từ 2-5 triệu đồng, thậm chí có những cây trị giá khoảng 15 triệu đồng.

Mức giá này được cho là không hề nhỏ đối với một cây quất “tí hon” nhưng vườn của bà Phương lúc nào cũng tấp nập người ra, kẻ vào mua quất. Trong khi đó, giá của một cây quất dáng thông, hay quất thế cao từ 1,5-2,5m, đắt nhất cũng chỉ từ 10-12 triệu đồng.

Kỹ nghệ chăm quất bonsai

Tuy đắt đỏ và được ưa chuộng là vậy, nhưng để làm ra cây quất bonsai là một công việc không hề dễ dàng. Có lẽ cũng bởi thế, khắp các vườn quất ở Tứ Liên (Tây Hồ), Vân Tảo (Thường Tín) hay tận Văn Giang (Hưng Yên) cũng không có nhiều người làm.

Bà Phương cho hay, trồng thành công một cây quất bonsai ít nhất phải mất 2 năm. Nhiều khi vợ chồng bà phải ăn ngủ ở vườn quất để chăm bón, coi sóc từ việc bắt sâu, bón phân, tỉa cành, tạo dáng.

Theo lời bà, một cây quất cảnh được khách ưng ý bao giờ cũng phải có cả lá lộc, hoa, quả xanh, quả chín. Trong đó, quả phải bụ bẫm, to đều, lá dầy, to bản.

Quất bonsai cũng như cây cảnh, thường có nhiều dáng như huynh đệ, mẫu tử, thác đổ, ngũ phúc, tam đa, tứ quý. Song, theo kinh nghiệm của bà Phương thì dáng mẫu tử được ưa chuộng hơn cả.

Dừng tay đánh gốc cây quất bonsai trị giá bạc triệu, anh Triệu Xuân Quảng, chủ của một vườn quất với hơn 1.000 gốc quất, với 300 gốc bonsai bảo rằng, nghề trồng quất khá vất vả.

Không kể đến công đoạn tìm mua giống, hay xin lại những gốc quất cũ để về trồng lại, người nông dân còn phải có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc cho cây.

Này nhé, mùa mưa không được để ngập, mùa hanh không được để khô gốc quất. Trồng cây đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 (âm lịch) phải đánh gốc lên, thay đất mới, bón phân rồi trồng lại. Sau khi cây ra hoa, phải tỉa bỏ hoa nhỏ để quả đỡ bị “kẹ.”

Ngoài những công việc trên, ngay từ khi mới trồng, người trồng quất bonsai phải tạo thế cho cây bằng cách dùng dây thép uốn, hoặc kéo để tạo dáng. Quất là giống cây dòn, dễ gãy cành nên công việc này phải được làm nhẹ nhàng, tỉ mỉ và cẩn thận…

“Mỗi công đoạn đều có cái khó của nó, tuy nhiên, theo tôi, việc khó nhất chính là phải biết cây hợp với dáng nào rồi mới phát triển theo. Cùng với đó, người làm quất bonsai phải có đầu óc thẩm mỹ, am hiểu về thú chơi cây cảnh,” anh Sông, một nông dân trồng quất ở Vân Tảo (Thường Tín) cho biết.

Anh Sông cũng khuyên những người chơi quất, khi đem cây về cần giữ ẩm bằng cách tưới nước, hoặc phun lên lá để cây quất luôn giữ vẻ tươi tắn vốn có. Khi chơi xong, muốn giữ cây lại để trồng thì cần tìm hiểu kỹ những nhu cầu thiết yếu của cây quất, để “khiển” cây ra quả đúng dịp xuân về.

Trung Hiền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm