“Copa… Europa”?

07/07/2011 11:23 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Đi tìm một cá tính ở Copa America lần này không hề là một việc làm dễ dàng, không hẳn vì số bàn thắng ít nhất qua lượt trận đầu tiên trong lịch sử, mà vì thực sự những cầu thủ có “chất” Nam Mỹ đến hoang dại đã mai một đi rất nhiều, trong quá trình giao thoa văn hóa bóng đá toàn cầu, với việc những cầu thủ hay nhất của Nam Mỹ dần biến thành một “dòng hàng hóa” chảy về châu Âu, thậm chí là đi khắp thế giới.

Nam Mỹ là cái nôi sản sinh ra những cá tính độc đáo, thậm chí là quá dị biệt, từ hình thức đến “nội dung”. Cái đầu xù theo phong cách “Vua sư tử” của huyền thoại người Colombia Carlos Valderrama, những bộ cánh lòe loẹt của thủ môn người Mexico Jorge Campos, quả đầu xoăn tít của thủ thành Rene Higuita (Colombia), hay kiểu đầu móng ngựa của Ronaldo “béo” ở World Cup 2002…, vẻ bề ngoài kỳ dị ấy rất thích hợp với phong cách có phần nổi loạn của các cầu thủ Nam Mỹ. Ở đây, người ta tìm thấy những thủ môn giỏi… ghi bàn (4 thủ môn làm bàn xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá thế giới là người Nam Mỹ) như Chilavert (Paraguay), Ceni (Brazil), Higuita (Colombia) và Campos (Mexico)…, hoặc nghĩ ra những cách cản phá rất lạ lùng (cú búng người như bọ cạp của Higuita), tư duy bay bướm như tiền đạo (Campos).

Đâu rồi, chất Nam Mỹ của Rene Higuita? - Ảnh Getty

Nam Mỹ còn sản sinh ra Blanco, nổi tiếng với quả gắp bóng rồi nhảy như một chú ếch ở World Cup 1998; những chân sút hơi có “máu điên” trong người như Abreu (Uruguay) và Palermo (Argentina), người đã từng làm một “chiến tích” kỳ dị khác: Sút hỏng 3 quả penalty trong một trận đấu; những bàn thắng “có một không hai” (Cú đá phạt hình quả chuối của Roberto Carlos vào lưới Pháp năm 1997, quả đánh đầu ngược của Jared Borgetti vào lưới Italia năm 2002). Và cả những cá tính vĩ đại trong lịch sử bóng đá, như Diego Maradona, người thu hút công chúng không chỉ bởi tài năng, mà còn bởi tính cách đầy hấp dẫn, cuồng nhiệt, đam mê, như Ronaldo “béo”, người khiến cả thế giới khóc và cười theo những thăng trầm trong sự nghiệp lẫy lừng của anh… Chất Nam Mỹ ấy là một sản phẩm đặc trưng ở Copa America, nơi các đội chơi bóng bằng sự ngẫu hứng và trí tưởng tượng, độ bạo dạn trong suy nghĩ, hơn là tính kỷ luật và tôn trọng ý thức chiến thuật, những phẩm chất của người châu Âu.

Nhưng tìm đâu ra cá tính thật sự của người Nam Mỹ ở Copa lần này? Nó không tồn tại trong những cú sút rón rén của Robinho, Vua phá lưới Copa 2007, người ngày càng “lười” thực hiện những cú đảo bóng đầy mê hoặc hơn. Không tồn tại trong bước chạy bị bao phủ bởi áp lực của Messi, người có một đôi chân vĩ đại, nhưng sở hữu một cá tính khá bình thường. Không tồn tại trong cả Forlan, Suarez, Santa Cruz…, những người đã chịu ảnh hưởng quá nhiều chất thực dụng của châu Âu. Và tất nhiên, không tồn tại trong đêm thác loạn của 8 cầu thủ Mexico đã bị đuổi về nước, những người không thể có nổi cái chất ngạo nghễ và cá tính Nam Mỹ, nhưng lại sa đọa và thiếu chuyên nghiệp hơn cả các đàn anh.

Đó là sản phẩm của quá trình toàn cầu hóa bóng đá. Lần đầu tiên trong lịch sử Copa America, Uruguay và Chile ra sân trận mở màn với toàn bộ 11 cầu thủ trong đội hình xuất phát đều chơi ở nước ngoài (phần lớn là châu Âu). Niềm hy vọng lớn nhất của người Argentina, Lionel Messi, chưa bao giờ chơi cho một CLB Argentina, và được coi như một người mang nửa dòng máu TBN. Những ngôi sao được chờ đợi nhất của Copa lần này đều có một thời gian khá dài chơi ở châu Âu, chơi bóng đậm tính kỷ luật, chắc chắn, hơn là ngẫu hứng theo kiểu Nam Mỹ, an toàn hơn, và không cá tính đến độ bất cần như những đàn anh. Các HLV tư duy theo kiểu châu Âu (Menezes của Brazil), hoặc muốn bắt chước người châu Âu (như Batista, người đang cố copy mô hình của Barca cho Argentina).

Vậy thì tìm đâu ra cá tính Nam Mỹ xưa, khi Copa đã bị “Âu hóa” đến mức này?

Ban Cầm



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm