24/01/2012 07:00 GMT+7
(TT&VH) - Tôi xa Việt Nam đến nay đã được hơn hai mươi bốn năm. Số lần được ăn Tết cùng cha mẹ, ông bà cô bác và người thân trong gia đình quả là rất hiếm hoi.
Lúc còn là học sinh ở Nga, thời điểm Tết cũng là vào dịp nghỉ Đông giữa hai học kỳ. Hồi ấy sinh viên đi lại khó khăn vì phải qua nhiều thủ tục giấy tờ nên chúng tôi phần lớn ở lại Nga và tổ chức đón Tết trong ký túc xá. Rất may mắn là trong nhóm sinh viên người Việt có rất nhiều anh chị có khả năng nấu nướng không kém gì đầu bếp chuyên nghiệp nên bọn sinh viên mới xa nhà vào tuổi teen như tôi lúc bấy giờ vừa học lỏm được các bí quyết gia truyền của các món truyền thống, lại vừa được thưởng thức không khí Tết lúc xa nhà.
Nghệ sĩ piano Bích Trà tốt nghiệp thủ khoa Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh, chuyên ngành biểu diễn piano năm 1999, biểu diễn nhiều chương trình tại Nga, Ba Lan, Đức, Na Uy, Tây Ban Nha, Ý, Mỹ và Anh. Hiện Bích Trà là pianist đầu tiên của Việt Nam có hợp đồng ghi âm solo với Naxos, một trong những hãng thu âm hàng đầu thế giới. Ba CD độc tấu của chị được Naxos phát hành toàn cầu từ cuối năm 2011 |
Tôi vẫn nhớ mãi cái Tết đầu tiên ở Moskva. Thời tiết cuối tháng 1 lạnh buốt, băng tuyết phủ dày, vậy mà chúng tôi vẫn thấy ấm lòng vì có được một cái “mini Tết” trong ký túc xá. Chúng tôi là những sinh viên nghèo, nhưng mọi món ngày Tết cũng đều đủ cả. Nào bánh chưng, canh măng, nào trà mứt. Tôi ấn tượng nhất là cây đào giấy mà chúng tôi tự làm bằng cành cây “mượn tạm” từ dưới vườn, gắn hoa làm bằng giấy Poluya màu nhiều lớp rất công phu. Là sinh viên âm nhạc nên chúng tôi còn tự ca hát dân ca ba miền rất hào hứng. Nhớ nhà đứt ruột nên chúng tôi đùm bọc lấy nhau, đến bây giờ vẫn nghĩ đến nhau như anh em ruột thịt vậy.
Lúc sang London rồi thì thời điểm Tết rất hiếm khi trùng vào ngày nghỉ nên không khí Tết cũng khác. Lúc về được để đón Tết với gia đinh thì vui mừng sum họp, nếu không được thì cũng phải biến tấu một chút. Nếu như tôi ở London thì hay cùng bạn bè thân tụ họp. Bạn bè thì là người tứ xứ nên các món và cách bày biện cũng rất “international”. Chúng tôi ăn đồ Việt, đồ Hoa, uống rượu sake của Nhật Bản, đốt nhang trầm Ấn Độ và nhâm nhi các món tráng miệng của châu Âu. Đúng giao thừa tôi điện thoại về nhà để chúc Tết gia đình và để lắng nghe không khí đầu năm. Còn nếu Tết nhằm vào những lúc đang trên đường đi diễn thì hơi khó khăn hơn một chút, vậy nên nếu như tìm được nhà hàng Việt Nam nào tôi luôn cố ghé qua để có cái Tết lưu động. Thời gian trôi vô định, nhưng những khoảnh khắc Giao thừa luôn làm tôi xốn xang vì cái Tết gắn liền với tuổi thơ, ông bà, cha mẹ, và là những bài học đầu tiên của tôi về tình yêu thương gắn bó trong quan hệ gia đình và bè bạn.
Bích Trà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất