Những biểu tượng thất truyền của BĐVN

14/11/2014 15:26 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trong bóng đá, có những đội bóng đã trở thành biểu tượng theo tháng năm nhờ được xây dựng, tôn tạo và duy trì. Song, V-League đã và đang đối diện với sự biến mất của hàng loạt các biểu tượng, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là tài chính.

Nếu như việc Thể Công, Cảng Sài Gòn hay các đội bóng ngành Công an lui lại hậu trường ít nhiều liên quan đến chính sách, thì sự biến mất (nếu xảy ra) của những K.Khánh Hoà, hay thậm chí TĐCS.Đồng Tháp và cả SLNA thuần tuý do hoàn cảnh. Cùng với Nam Định, đây là 3 trong số những lò đào tạo hàng đầu của bóng đá Việt Nam ở nhiều thời kỳ.

Tên tuổi cũ, cách làm cũ

Trước khi chuyển giao cho Hải Phòng (2013), ông Lê Tiến Anh, cựu Chủ tịch CLB K.Khánh Hoà, là người luôn kịch liệt phản đối kiểu chuyển nhượng phá giá trên thị trường bóng đá nội. “Không thể chấp nhận cuộc chơi tiền đấu tiền như V-League hiện nay”, ông Lê Tiến Anh phát biểu tại Hội nghị các ông bầu.

“Tôi quản lý mấy chục doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty, cũng không khó bằng việc điều hành đội bóng”, vẫn lời ông Lê Tiến Anh, người đồng thời là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khánh Việt ở thời điểm ông còn là Chủ tịch K.Khánh Hòa.

Khatoco (Khánh Việt) là một trong 60 doanh nghiệp Nhà nước cỡ lớn và đúng là họ phải cân đo đong đếm các chế độ dành cho cán bộ - công nhân viên với bóng đá. Việc “không chấp nhận” một thị trường bị lũng đoạn kể cũng dễ hiểu. Và Khánh Việt đã rút thật!

Cơ chế bóng đá chuyên nghiệp mở ra đã và đang bỏ lại hàng loạt những thương hiệu cũ như Nam Định, K.Khánh Hoà. Nếu điều tương tự xảy ra với TĐCS.Đồng Tháp và SLNA thì chắc cũng không làm ai bất ngờ. Đây là các đội bóng còn nặng tính bao cấp (hoặc bán tư nhân) và họ đã “chới với” với chiếc áo chuyên nghiệp từ lâu rồi, chứ không phải đợi đến lúc này.

V-League vẫn là chuyện “đèn nhà ai nấy sáng”, nên quy định phải “chồng” đủ 35 tỷ/mùa giải của VPF vì thế đón nhận nhiều sự phản đối hơn ủng hộ, dù về lý tưởng, điều này hợp với cơ chế tiến lên chuyên nghiệp.

Méo mó, có hơn không?

Chắc chắn, khi đưa vào Quy chế bóng đá chuyên nghiệp quy định với một CLB thuộc V-League phải đảm bảo 35 tỷ đồng trong tài khoản Công ty sở hữu đội bóng, người của BTC cũng đã phải suy xét rất kỹ. Ngoài lệ phí tham dự giải, quỹ đóng phạt (thẻ và các án kỷ luật), phí chuyển nhượng cũng như các chế độ lương  - thưởng kèm theo được đảm bảo, cho phí cho đào tạo trẻ... là các cơ sở để VPF đưa ra con số 35 tỷ.

Tuy nhiên, có một thực tế khó chối bỏ là bao năm qua kể từ khi V-League ra đời, nhà tổ chức (từ VFF đến VPF bây giờ) đã không thể đưa ra một biện pháp chế tài khả thi nào liên quan đến công bằng tài chính (dù tương đối) giữa các đội bóng.

Khi VPF và cao hơn là VFF không (hoặc chưa) thể giới hạn quỹ lương thưởng và phí chuyển nhượng (như giải nhà nghề Mỹ MLS đã và đang áp dụng), thì tiền biết bao nhiêu là đủ, là vừa?!

Với cam kết đảm bảo chế độ lương thưởng với các bản hợp đồng theo Luật Lao động, đảm bảo lệ phí tham dự giải, quỹ đóng phạt (nếu xảy ra), các đòi hỏi về kỹ thuật, sân bãi khác..., một đội bóng hoàn toàn đủ tư cách pháp nhân để tham gia cuộc chơi.

V-League ở thời kỳ quá độ thì phải chấp nhận méo mó có hơn không, chứ khó có thể chuẩn hóa hoàn toàn như quy định của AFC.

Khi còn đương chức, Cựu chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã phát biểu: “Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam khác các nước khác”, kể cũng không phải không có lý. Làm bóng đá chuyên nghiệp không thể vội, càng không thể đi tắt đón đầu, đó là điều chắc chắn!

Đón đọc Kỳ 4: “Xem” nhà bầu Hiển làm bóng đá

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm