13/01/2025 15:59 GMT+7 | Tin tức 24h
Thị trường trái phiếu Mỹ- thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới, đồng thời là thước đo quan trọng của nền kinh tế toàn cầu- đang dẫn đầu một đợt điều chỉnh chi phí vay vốn. Triển vọng về một giai đoạn lãi suất duy trì ở mức cao kéo dài đang tạo ra những hệ lụy đáng kể cho các nền kinh tế và những tài sản trên khắp thế giới.
Chỉ mới vài ngày bước sang năm 2025, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã tăng mạnh khi những rủi ro với loại tài sản vốn được coi là siêu an toàn ngày càng lớn. Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, báo cáo việc làm khả quan vừa được công bố cuối tuần trước là bằng chứng mới nhất chứng tỏ điều đó. Trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang cân nhắc lại thời điểm cắt giảm lãi suất và ông Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng với các chính sách ưu tiên tăng trưởng hơn là kiểm soát nợ và lạm phát, giữa lúc vay nợ đang gia tăng.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng hơn 1 điểm phần trăm chỉ trong bốn tháng qua, tiến gần mức 5% — ngưỡng từng được vượt qua trong một thời điểm ngắn ngủi vào năm 2023 và chưa xuất hiện kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần hai thập kỷ trước.
Các trái phiếu kỳ hạn dài hơn của Mỹ đã chạm đến cột mốc này, với mức 5% đang được nhiều chuyên gia Phố Wall coi là "bình thường mới" cho chi phí vay vốn. Những biến động tương tự cũng đang xảy ra trên toàn cầu, khi nhà đầu tư ngày càng lo ngại về nợ công tại các nước, từ Vương quốc Anh đến Nhật Bản.
Tái cân bằng hay mối nguy mới?
Đối với một số người, việc lợi suất trái phiếu tăng cao là một phần của quá trình tái cân bằng tự nhiên sau nhiều năm lãi suất gần như bằng 0, vì các biện pháp khẩn cấp sau khủng hoảng tài chính và đại dịch COVID-19. Nhưng với những người khác, đây là dấu hiệu của những động lực mới và đáng lo ngại, có thể gây ra những thách thức lớn.
Với vai trò là chỉ báo chuẩn cho lãi suất và tâm lý đầu tư, những căng thẳng trên thị trường trái phiếu trị giá 28.000 tỷ USD của Mỹ có nguy cơ lan rộng. Hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí vay cao hơn, với lãi suất thế chấp tại Mỹ đã quay lại mức khoảng 7%. Trong khi đó, các nhà đầu tư chứng khoán — vốn đang lạc quan — bắt đầu lo ngại rằng lợi suất cao hơn có thể là "liều thuốc độc" cho đợt tăng giá của thị trường cổ phiếu.
Chất lượng tín dụng doanh nghiệp, vốn được duy trì ổn định nhờ môi trường kinh tế thuận lợi, cũng đứng trước nguy cơ suy giảm trong bối cảnh lãi suất cao kéo dài.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất