13/11/2018 07:48 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin rất đáng chờ đợi: ngày 18/11 tới, AKB 48 - nhóm nhạc nữ đông” thành viên nhất Nhật Bản - sẽ có buổi diễn tại Hà Nội nhân Ngày hội giao lưu văn hóa Việt-Nhật.
Trong chương trình này, AKB48 sẽ trình diễn cùng nhóm nhạc “đàn em” đông nhất Việt Nam SG048 (vừa được thành lập và do Công ty AKS tại thị trường Việt Nam đào tạo).
“Độc đáo nhưng dễ tiếp cận”
Khi nói đến J-pop thì người hâm mộ lập tức biết rằng không có nhóm nhạc nào đông thành viên hơn, lôi cuốn hơn và tại được sự đột phá hơn AKB48. Từ những hướng đi độc đáo trong sự nghiệp tới những tranh cãi không thể tin nổi, nhóm nhạc 48 thành viên này đã làm thay đổi nền nhạc pop ở Nhật Bản một cách ngoài trí tưởng tượng của nhiều người.
AKB48 được nhà sản xuất âm nhạc Yasushi Akimoto sáng lập hồi năm 2005. Trong bối cảnh các siêu sao tại Nhật dường như rất khó để người hâm mộ “chạm tới”, ông Akimoto muốn tạo nên một “sưu tập” các thần tượng J-pop có thể dễ dàng tiếp cận.
Và, khi hầu hết các biểu tượng J-pop thỉnh thoảng mới trình diễn trong các chương trình hòa nhạc và chủ yếu xuất hiện trên TV, ông Akimoto muốn có một nhóm nhạc có nhà hát riêng, trình diễn hằng đêm, qua đó mang đến cho người hâm mộ trải nghiệm trọn vẹn nhất. Nơi tọa lạc của nhà hát, Akihabara (viết tắt là Akiba, AKB) ở Tokyo, đã trở thành tên của nhóm nhạc.
Tháng 7/2005, Akimoto tổ chức các cuộc thử giọng. Gần 8.000 cô gái đã đăng ký dự thi nhưng chỉ có 24 thí sinh đã được chọn là những thành viên thuộc thế hệ thứ nhất của nhóm nhạc.
Tháng 12/2005, 20 thành viên đó đã có buổi trình diễn ra mắt với tư cách là “Team A” trong nhà hát AKB48. Đêm diễn đó, AKB48 chỉ đón được 7 khán giả. Nhưng không lâu sau, “cơn sốt” ABK48 bắt đầu lan tỏa và lượng fan trung thành của nhóm nhạc bắt đầu phát triển.
Cuộc thử giọng thứ hai của AKB48 được xúc tiến vào đầu năm 2006. Đáng chú ý là lần này gần 12.000 thí sinh đăng ký dự thi trình bày màn diễn của mình. Kết quả là 18 thành viên mới đã được tuyển chọn và tạo thành “Team K”.
Lần này, AKB48 đã phát hành đĩa đơn Sakura no Hanabiratachi. Đĩa đơn này đã tiêu thụ được 22.000 bản trong tuần đầu phát hành vào lọt vào các bảng xếp hạng.
Tháng 10/2006, cuộc thử giọng thứ 3 được tiến hành nhằm tìm kiếm thành viên cho “Team B” (nhằm làm đủ cái tên AKB). Qua một vài lần thay đổi, lượng thành viên của AKB48 là 48 người - nếu không kể các nhóm nhạc “đàn em” khác do họ tổ chức.
Ban đầu, thay vì tập trung cho việc lưu diễn, AKB48 chỉ trình diễn tại nhà hát riêng ở trung tâm Akihabara. Với sức chứa chỉ khoảng 250 khán giả/màn diễn, người hâm mộ vô cùng háo hức đón xem AKB48. Và một trong những yếu tố khiến fan “phát cuồng” là việc AKB48 luôn có phương châm: “độc đáo nhưng dễ tiếp cận”.
Ngoài nhà hát riêng, nhóm nhạc này còn có quán cà phê AKB48 ở Akihabara, nơi người hâm mộ có thể tự an ủi bằng việc mua nhiều sản phẩm của nhóm nhạc tại đây khi họ không thể mua được vé xem nhóm nhạc trình diễn trong nhà hát.
Thêm nữa, AKB48 còn tổ chức nhiều sự kiện “gặp gỡ và chào hỏi” (meet-and-greet). Tuy nhiên, để có thể tham dự những sự kiện như thế này người hâm mộ phải mua đĩa CD kèm theo vé.
Tranh cãi
Nhiều năm qua, AKB48 không lạ lẫm gì với những cuộc tranh cãi. Chẳng hạn video nhạc của đĩa đơn Heavy Rotation đã bị nhiều người hâm mộ gán mác là “khiêu dâm nhẹ” bởi trong đó có hình ảnh các thành viên mặc đồ lót nằm trên giường và đây bị xem là hình ảnh gợi dục.
Hay hình ảnh mà AKB48 quay quảng cáo cho Puccho Candy, trong đó các thành viên mặc đồng phục học sinh truyền nhau những chiếc kẹo từ miệng người này qua người kia. Nhiều người xem đã giận dữ tuyên bố cách đó không hợp vệ sinh, cổ súy quan hệ đồng giới và nêu gương xấu cho trẻ em.
Hồi năm 2013, AKB48 đã gây tranh cãi quốc tế với hình ảnh quay thành viên Minami Minegishi xuất hiện trên YouTube. Xuất hiện trên màn hình với chiếc đầu cạo, Minegishi nói với người xem rằng cô đã vi phạm hợp đồng của AKB khi qua đêm với bạn trai. Việc cạo trọc đầu là quyết định của riêng Minegishi. Trong văn hóa Nhật Bản hành động này xem như là một sự trừng phạt cho những hành động gây thất vọng.
Tháng 5/2014, 2 thành viên của AKB48 đã bị một fan cuồng tấn công bằng cưa tại một sự kiện gặp mặt. Thành viên Rina Kawaei và Anna Iriyama, ở tuổi 19 và 18, đã bị gãy xương, đứt tay và xước mặt nhưng sau đó đều đã bình phục.
Thành công và các nhóm “đàn em”
Với thành công vang dội của AKB48, ông Akimoto đã nỗ lực tái tạo sự huyền ảo của nhóm nhạc này bằng cách thiết lập các nhóm nhạc “đàn em”. Giống như AKB, các nhóm nhạc này thường trình diễn tại các nhà hát ở thành phố của họ.
Nhóm nhạc “em” đầu tiên của AKB48 là SKE48, được thành lập hồi năm 2008 với nhà hát ở Sakae, thành phố Nagoya. Hiện còn có các nhóm nhạc “em” khác của AKB48 như BNK48 ở Bangkok (Thái Lan); MNL48 ở Manila (Philippines); TPE48 ở Đài Bắc (Đài Loan). Năm nay, thế giới còn gặp MUM48, một nhóm mới được thành lập ở Mumbai (Ấn Độ) và SG048 của Việt Nam.
AKB48 vẫn tiếp tục nổi danh và hiện là một hiện tượng văn hóa, vượt xa âm nhạc, nhóm nhạc này còn xuất hiện trong nhiều loạt truyện tranh, trò chơi ddienj tử và nhiều hình thức truyền thông khác như các chương trình truyền hình AKBingo! và AKB48 Show!, được phát trên 2 kênh khác nhau.
40 đĩa đơn mới nhất của nhóm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng Đĩa đơn hàng tuần của Oricon và bán trên triệu bản. Tính đến năm 2018, AKB48 trở thành nhóm nhạc có doanh thu bán đĩa kỷ lục với 56 triệu bản đã được bán ra (theo Oricon). Hồi đầu năm, AKB48 đã phát hành album thứ 9 mang tựa đề Bokutachi wa, Ano Hi no Yoake wo Shitteiru. Đĩa đơn Teacher, Teacher của nhóm bán được hơn 3 triệu bản trong năm 2018.
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất