Nhớ Võ Thị Thu Trang: Vụt sáng giữa những cơn đau

03/09/2009 14:59 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Buổi ra mắt và giới thiệu tập thơ Khoảng trời xưa của nhà thơ Võ Thị Thu Trang và giao lưu đã được tổ chức cuối tháng 8 vừa qua tại Thư viện cà phê Đông Tây (HN). Là một cây bút quen thuộc của cộng đồng người Việt ở Nga, Thu Trang từng nhận giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi thơ do Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) VN tại Nga tổ chức với bài thơ Làng tôi (sáng tác 1992). Chị mất năm 2008 tại Nga sau một thời gian bị bệnh hiểm nghèo. Những bài thơ chị viết trong suốt 20 năm ở xứ người nay đã được Hội VHNT VN tại Liên bang Nga tuyển lại và in thành tập.

Nhân dịp này, TT&VH xin giới thiệu bài viết của nhà văn Châu Hồng Thủy, Chủ tịch Hội VHNT VN tại Liên bang Nga.

Người vắng mặt trong lễ nhận giải


 Võ Thị Thu Trang, sinh năm 1967, quê Quảng Bình, nguyên hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) VN tại Nga. Mất ngày 6/4/2008
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Hội VHNT của chúng tôi có đội ngũ hội viên hùng hậu và một dàn các nhà thơ trẻ tài năng, là sinh viên các trường đại học. Còn nhớ, trong cuộc thi thơ 1992-1994, ngay sau khi đọc chùm thơ dự thi của Thu Trang, một cô bé sinh viên mới ngoài 20 tuổi, do bạn học cùng trường của Trang chuyển đến, nhà thơ Nguyễn Đình Chiến và tôi đã hoàn toàn bị chinh phục, bởi những vần thơ giản dị mộc mạc nhưng lại rất già dặn của cô. Thơ Trang già dặn, sự già dặn của người từng trải, mặc dù Trang mới ngoài 20 tuổi. Luôn day dứt trong thơ Trang là những nỗi đau nhân thế, nỗi đau từ trong tâm khảm. Lời thơ Trang giản dị mà xúc động. Ngỡ như Trang nghĩ gì viết nấy, chẳng hề dụng công giũa rèn chữ nghĩa. Thế mà vẫn thơ, thế mà vẫn gợi. Trang thực sự là thi sĩ...


Tổng kết cuộc thi, có 4 tác giả “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”, khiến chúng tôi phải đi đến quyết định: Trao cho cả 4 người đồng giải Nhì. Danh hiệu Trạng nguyên (giải Nhất), theo thể lệ thì chỉ có 1 mà thôi, chả lẽ lại trao danh hiệu cho 4 Trạng nguyên thơ trong một kỳ thi? Bốn tài năng thơ trẻ đó là Hoàng Xuân Tuyền (ĐH Lưu trữ), Tử Huyền (Đại học Quan hệ Quốc tế Moskva), Phan Chí Hiếu (Đại học TH Lomonoxov) và Võ Thị Thu Trang (ĐH Lưu trữ Moskva). Lễ trao giải thưởng được tổ chức vào ngày 26/11/1994, thật đông đảo và sôi nổi. Chỉ tiếc nhân vật chính Thu Trang không có mặt. Lúc ấy, Trang đã tốt nghiệp, không còn ở trong ký túc xá. Thời đó, điện thoại di động chưa có, E-mail cũng không, tìm được nhau thật khó.

40 bài thơ trong hơn 2 tháng cuối đời

Trang gắn bó với thơ ca như định mệnh. Đã có lúc tuyên bố không làm thơ nữa, muốn “Thôi mộng mơ, thôi mọi điều xao xuyến... Thôi hạnh phúc, buồn đau, thôi mơ hồ le lói” (Bài thơ cuối cùng - 9/5/ 1993), nhưng rồi con tim thôi thúc, không thể không cầm bút... Khi Trang viết “Rồi em không làm thơ nữa” (19/3/2008), thì không phải bởi tâm trạng chán chường với thơ, với đời, mà bởi linh cảm, hoặc bởi điềm báo trước về cái chết mà chính người cầm bút không ngờ tới. Một tuần sau khi viết bài thơ ấy, Trang đột ngột lên cơn đau phải vào bệnh viện và đến 8 giờ 30 ngày 6/4/ 2008, trút hơi thở cuối cùng. Chỉ có cái chết mới có thể cắt lìa Thu Trang khỏi thi ca...

Trong cuộc đời làm thơ của Thu Trang, có hai giai đoạn, dòng thơ như mạch ngầm tuôn chảy ào ạt đến mức lạ kỳ. Lần thứ nhất, đó là những ngày nằm ở bệnh viện số 3 Khimki ngoại ô Moskva (2003- 2004), cận kề bên cái sống và cái chết. Phải mổ đến ba lần, tay phải không viết được vì vướng dây truyền huyết thanh, Trang đã dùng tay trái viết những dòng nhật ký như trăn trối. Giữa những cơn đau, Trang vẫn làm thơ. Có ngày viết đến 4 - 5 bài. Thật kỳ lạ, bài thơ Cây tình yêu được viết ra giữa những lần mổ ấy:

Ở bên bờ vực thẳm đứng cheo leo
Cây tình yêu nảy mầm bên vách đá
Từng giọt thời gian trổ lên ngọn lá
Cay đắng ngọt bùi kết một chùm hoa
Đời hiểm trở, chân trần qua gai góc
Tuổi thanh xuân hăm hở muốn bay xa
Giông bão gội, điểm sương ngàn mái tóc
Mãi cuối đời huyền diệu mới đơm hoa.

(20/11/2003) 

Lần thứ 2, đó là trước ngày từ giã cõi đời, tài thơ của Trang lại một lần nữa vụt sáng. Tính từ 18/1/2008 đến 26/3/2008 (ngày Trang vào viện), chỉ trong vòng hơn 2 tháng, Thu Trang làm hơn 40 bài thơ, mà chúng tôi tuyển được vào tập này 30 bài. Hình như linh cảm Thần Chết sắp đến gần mà Trang chạy đua với thời gian, hoặc Trang viết như lên đồng một cách vô thức? Trang bảo: Không hiểu sao, dạo này em lại viết được nhiều đến thế?

Thơ và cuộc đời là một

Trong số các nữ thi nhân mà tôi từng biết, có lẽ ít người có số lượng bài thơ viết về chồng, về con nhiều như Võ Thị Thu Trang. Những ngày cuối năm 2003, đầu 2004, từng phải trải qua cơn thập tử nhất sinh, Trang viết nhật ký và làm thơ về chồng, về con với tình yêu mênh mông vô bờ bến. Trong thơ Trang, còn một điều đặc biệt nữa, là những bài thơ viết về bố của chồng. Các thi nhân xưa nay thường viết nhiều về mẹ, ít khi viết về cha. Dành nhiều lời thơ để viết về bố chồng, người bố tận tụy hy sinh cho các con, chịu cảnh gà trống nuôi con, viết với niềm cảm phục kính yêu như Trang, thì thật là hiếm thấy.

Đã có lúc trong thơ Trang có sự bức bối, nghẹt thở, quẫn bách, tuyệt vọng. Chùm thơ bốn bài: Buồn, Bi quan, Điên rồ, Vô tri cùng viết trong 2 ngày mồng 1 và 2 tháng 3/2004 ở bệnh viện) và bài Không đề viết 2005 mà tôi vô tình nhặt được trong thùng rác, có giọng điệu khác biệt hoàn toàn so với âm hưởng chung của thơ Trang. Sự khác biệt ấy chỉ là nhất thời, rồi Trang lại trở về với những điệu thơ trữ tình và yêu đời vốn có từ trong khí chất của mình.

Âm hưởng chủ đạo trong thơ Trang là tình yêu: Trong thơ tôi gửi gắm/ Chỉ ngập tràn say đắm/ Nốt nhạc và lời ca/ Mang tâm hồn bao la/ Mang tấm lòng rộng mở/ Mang nỗi niềm sinh nở/ Tôi làm thơ tình yêu... Tình yêu nâng người ta lên, cũng có khi là thứ cám dỗ dễ làm người ta sa ngã. Trang có lúc bộc bạch: Nhưng quá nửa cuộc đời, em vẫn sợ/ Anh biết không, cạm bẫy vẫn giăng đầy/ Lỡ lúc nào em sa ngã, đắm say/ Xin anh hãy vòng tay luôn độ lượng... Sợ, để đề phòng thế thôi. Trang chỉ sa ngã trong thế giới ảo. Tình yêu trong thơ Trang, theo tôi nghĩ đó là thế giới của hoài niệm, thế giới ảo...

Ở những nhà thơ khác, có thể con người thực ngoài đời và thế giới thơ của họ không trùng khớp, nhưng với Thu Trang, thơ và cuộc đời là một. Thơ Trang là nhật ký tâm hồn, là cuốn sử đời sống tình cảm của Trang. Tâm hồn Trang trong sáng, nên thơ Trang trong sáng. Cách xử sự, lối sống của Trang ngoài đời hồn nhiên, chân tình, ít tham vọng, lúc nào cũng cười xòa cởi mở, không ganh ty với một người nào, thỉnh thoảng lại có chút lãng đãng trên mây (Ta khao khát cái đời không khao khát/ Ta xao lòng, đời ảo ảnh đi qua).

Hai năm trước, tôi giục Trang tập hợp thơ lại, tôi sẽ lo khâu biên tập và xin tài trợ để xuất bản, Trang cứ ngần ngừ. Đến khi Trang tập hợp được thơ gửi cho tôi, thấy số lượng thơ đến hơn hai trăm bài, tôi khuyên Trang nên chia thành hai tập. Trang đồng ý, tự chia thành hai tập lấy tên Làng tôiHoài niệm. Giờ thì lại đến lượt Trang cứ luôn giục tôi biên tập nhanh lên. Lúc đó, Trang luôn cười đùa vui vẻ, thần thái sáng sủa, thích tụ tập những dịp hội hè và rủ bạn bè đi du lịch Ai Cập giá khuyến mại, không có vẻ gì của ốm đau bệnh tật, ai có ngờ đâu, chỉ buổi chiều bột phát cơn đau, vào bệnh viện là lên bàn mổ ngay, rồi cứ thế lịm dần. Thế là Trang không kịp nhìn thấy tập thơ trình làng của mình.

Châu Hồng Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm