Nhớ NSƯT Hà Văn Trọng: Một ngôi sao điềm đạm tỏa sáng

24/10/2022 18:31 GMT+7 | Văn hoá

NSƯT Hà Văn Trọng đã phiêu du miền mây trắng vào đúng ngày Hà Nội đón gió lạnh đầu mùa. Ông gửi lại cõi tạm tuổi 86 (1937-2022) vào lúc 8 giờ 4 phút ngày 21/10/2022 (tức 26/9 năm Nhâm Dần) sau thời gian chống chọi với bệnh phổi, để lại bao tiếc thương cho gia đình, đồng nghiệp, công chúng yêu sân khấu và phim ảnh.

NSƯT Hà Văn Trọng - diễn viên phim 'Em bé Hà Nội' qua đời

NSƯT Hà Văn Trọng - diễn viên phim 'Em bé Hà Nội' qua đời

NSƯT Hà Văn Trọng qua đời sáng 21/10 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 85 tuổi.

1. Là thế hệ tiếp nối của Nhà hát Kịch Việt Nam may mắn được NSƯT Hà Văn Trọng và các nghệ sĩ rèn giũa, NSND Nguyễn Việt Thắng thảng thốt lời tiễn biệt: “Chú Hà Văn Trọng là một trong những tên tuổi lớn của sân khấu - điện ảnh Việt Nam, là tấm gương sáng, là thần tượng của chúng tôi - thế hệ may mắn năm 1978 được vào Nhà hát Kịch Việt Nam. Cầu mong chú ra đi thanh thản, an lạc, gặp các chú Đoàn Dũng, Thế Anh, Trọng Khôi… ở cõi hiền”.

Chú thích ảnh
NSƯT Hà Văn Trọng, năm 2012. Ảnh: Hoàng Hà

Từ cơ quan thường trú VTV tại Pháp, nhà báo Mỹ Linh - con gái của cố GS-TS Đình Quang - đã gửi lời chia buồn, gợi nhớ bao kỷ niệm về thế hệ lớp diễn viên khoá I Trường Sân khấu Việt Nam như nghệ sĩ Đoàn Dũng, Nguyệt Ánh, Thế Anh, Trọng Khôi, Hà Văn Trọng… và đánh giá chính họ “là tài sản quý giá không chỉ trong sự nghiệp giảng dạy của bố, là niềm tự hào, tình yêu của ông mà cũng là tài sản vô giá của nền sân khấu Việt Nam. Một thế hệ vừa giỏi, vừa yêu nghề vừa có cốt cách. Sự sang trọng của họ nằm ở cách mà họ làm nghề, sống và ứng xử với đồng nghiệp và cuộc đời… Chú Hà Văn Trọng là người kể cho mình biết bao nhiêu chuyện, dạy mình nấu vài ba món ăn thời bao cấp, dạy mình đưa nôi…”.

Tôi vẫn nhớ kỷ niệm lần đầu gặp ông trong một sự kiện điện ảnh. Gọi nghệ sĩ bằng “bác”, xưng “em” và sau đó, tôi vội “thu lời”, chuyển ngay sang “cháu” khi biết bác bằng tuổi mẹ mình. Vẫn phong thái điềm đạm, từ tốn, chừng mực, NSƯT Hà Văn Trọng cười hiền hiền, hóm hỉnh nói: “Cô này chuyển gam còn nhanh hơn cả gió. Mà cô mới chuyển một vế (tức từ “em” xuống “cháu”, còn vế kia lẽ ra từ “bác” cũng phải xuống “chú”) là chưa công bằng với tôi đâu nhé. Nhớ lưu số điện thoại kẻo bác gọi lại bảo số lạ”…

Chú thích ảnh
Hà Văn Trọng và con gái Hà Thục Vân. Ảnh: Facebook Hà Thục Vân

Hà Văn Trọng sinh ngày 10/2/1937 tại Lào. Năm 1947, ông theo gia đình về Nghệ An. Từ khi nhỏ ông đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Học sinh ở Vinh (Nghệ An) vẫn còn nhớ những vai diễn do thầy Đinh Khoa Trang đạo diễn, các vở kịch kinh điển có các trò Hà Văn Trọng, Cao Lân… diễn xuất. Sau khi tốt nghiệp Trường Cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng khóa 1956-1959, ông thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm. Nhưng cơ duyên đam mê nghệ thuật như đã đưa ông đến lớp kịch nói Trường Nghệ thuật Sân khấu khóa I (1960-1964) cùng các bạn Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thế Anh, Doãn Châu, Nguyệt Ánh, Bích Thu, Tú Mai...

Người phát hiện năng khiếu diễn xuất của Hà Văn Trọng chính là NSND Đào Mộng Long. Đạo diễn Lộng Chương và NSND Doãn Hoàng Giang đã tạo điều kiện cho ông gia nhập Đoàn kịch Thanh niên (Thành đoàn Hà Nội). Sau khi Đoàn kịch Thanh Niên sáp nhập với Nhà hát Kịch Việt Nam, người nghệ sĩ đa tài đã điềm đạm tỏa sáng trong cả hai vai trò diễn viên và đạo diễn trên cả hai lĩnh vực sân khấu và phim (điện ảnh và truyền hình). Chính Nhà hát Kịch Việt Nam - “cánh chim đầu đàn”, “anh cả đỏ” của nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam là chiếc nôi nuôi dưỡng làm nên tên tuổi Hà Văn Trọng.

Chú thích ảnh
Hà Văn Trọng (phải) vai anh Trỗi và nghệ sĩ Bích Thu vai chị Quyên trong vở kịch “Anh Trỗi”. Ảnh do NSND Doãn Châu cung cấp

Trên sân khấu, ông đã hóa thân vào nhiều vai diễn trong các vở kịch nói nổi tiếng, như: Lịch sử và nhân chứng (đạo diễn Đình Quang, Doãn Hoàng Giang), Nila - Cô gái đánh trống trận (đạo diễn Ngô Y Linh), Anh Trỗi (đạo diễn Ngọc Phương)…

Với phim điện ảnh, Hà Văn Trọng đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng qua nhiều bộ phim, như: Người chiến sĩ trẻ (đạo diễn Hải Ninh - Đức Hinh, 1964), Biển lửa (đạo diễn Phạm Kỳ Nam - Lê Đăng Thực, 1966), Em bé Hà Nội (đạo diễn Hải Ninh, 1974), Cách sống của tôi (đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc, 1978), Người chưa biết nói (đạo diễn Bạch Diệp, 1979), Trừng phạt (đạo diễn Bạch Diệp, 1984), Khách ở quê ra (đạo diễn Đức Hoàn, 1994), Giọt lệ Hạ Long (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, 1994), Giải phóng Sài Gòn (đạo diễn Long Vân, 2005)… Ngoài điện ảnh, ông còn hóa thân vào nhiều nhân vật trong phim truyền hình, như: Đất và người, Luật đời, Phía cuối cầu vồng, Cảnh sát hình sự...

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Hà Văn Trọng vai anh Trỗi (áo trắng) trong vở kịch “Anh Trỗi”.  Ảnh trên do NSND Doãn Châu cung cấp

2. Sở hữu dáng người cao lớn, gương mặt tài tử xi-nê điển trai, thần thái, điềm đạm, uy nghiêm, phong thái diễn xuất điềm tĩnh, chừng mực, có chiều sâu nội tâm, Hà Văn Trọng thường được đạo diễn sân khấu và phim ảnh chọn giao vai chính diện với nhiều vị thế: Lãnh tụ, người anh hùng, sĩ quan tướng tá quân đội, công an, cấp ủy, trí thức, giáo sư, kỹ sư... Các vai diễn đều tạo nên một phong cách riêng đằm chắc, tâm tuệ, chững chạc, tin cậy… Ông thể hiện thành công những vai người lãnh đạo giàu nhân cách, mực thước, chính trực, liêm khiết, vì dân… Ông được đồng nghiệp, hội đồng nghệ thuật đánh giá cao về diễn xuất.

Khán giả sân khấu khắc ghi sự hóa thân thành công hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch Lịch sử và nhân chứng, vì ông đã dành rất nhiều tâm sức học hỏi, nghiên cứu tư liệu. Vai diễn đã chạm đến trái tim khán giả và thực sự đánh dấu một mốc son trong sự nghiệp diễn xuất của Hà Văn Trọng. Vở kịch đã đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc.

Chú thích ảnh
Hà Văn Trọng (giữa) và NSND Trà Giang trong phim “Em bé Hà Nội”. Ảnh cắt từ phim

Các vai ấn tượng khác như người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trong vở kịch Anh Trỗi; nhân vật chính trị viên trong phim Người chiến sĩ trẻ; chiến sĩ trinh sát trong phim Biển lửa; An - cha bé Ngọc Hà trong phim Em bé Hà Nội; ông Bình trong phim Cách sống của tôi; bố bé Tường Vi trong phim Người chưa biết nói; ông Định trong phim Khách ở quê ra; vai Tổng Bí thư Lê Duẩn trong phim Giải phóng Sài Gòn…

Vào vai Tổng Bí thư Lê Duẩn, Hà Văn Trọng đã thể hiện rất tinh tế, sâu sắc thần thái của vị lãnh đạo sáng suốt, quyết đoán vào giờ phút quyết định lịch sử. Nhờ cách làm việc chỉn chu, tâm huyết, nghiên cứu nghiêm túc, chuyên tâm học hỏi, ông đã hóa thân làm nên thần thái nhà lãnh đạo tài ba.

Chú thích ảnh
Hà Văn Trọng vào vai Tổng Bí thư Lê Duẩn trong phim “Giải phóng Sài Gòn”. Ảnh cắt từ phim

Vai diễn Bí thư Chỉnh trong phim truyền hình Đất và người; vai Thiếu tướng ngành công an trong Cổ cồn trắng (Cảnh sát hình sự, 2002)… ông diễn tự nhiên như không diễn, chân thật đến độ công chúng thấy tài năng tỏa sáng trong các vai lãnh đạo mực thước, chính trực.

Tưởng “đo ni đóng giày”, yên vị với nhân vật chính diện, nhưng đạo diễn Bạch Diệp đã tìm thấy ở Hà Văn Trọng tố chất đa dạng tính cách, nên giao vai diễn ngược hẳn trong phim Trừng phạt, công chiếu năm 1984. Nhân vật phản diện đầu tiên ông thể hiện thành công là Trung tá Bảo - một sĩ quan chế độ cũ, “chống Cộng” quyết liệt. Đây là vai có số phận đầy đặn, tính cách đa chiều, phức tạp, mâu thuẫn, hội đủ sự lạnh lùng, tàn nhẫn, bội bạc, hèn nhát, thủy chung, yêu thương, ân hận, tỉnh ngộ… Cùng các bạn diễn nổi tiếng như NSND Trà Giang, NSND Đoàn Dũng, NSND Trọng Khôi, NSND Trọng Trinh… Hà Văn Trọng thỏa sức sáng tạo, tung tẩy thể hiện một hành trình chuyển hóa tâm lý hết sức tinh tế, thuyết phục.

3. Xuất thân từ diễn viên với những vai diễn để đời, nhưng đỉnh cao sự nghiệp của ông phải kể đến vai trò đạo diễn. Ông đã thăng hoa đạo diễn, tạo nên dấu ấn phong cách qua một số bộ phim truyện như Kỷ niệm đồi trăng, Đứa con của người hàng xóm, Số đỏ…

Phim Số đỏ do ông và đạo diễn Lộng Chương thực hiện khi ông vừa chuyển công tác về Hãng Phim truyện I. Chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng, Số đỏ là phim video đầu tiên, nên Lộng Chương và Hà Văn Trọng trở thành một trong những đạo diễn đầu tiên làm phim video. Với vai trò đạo diễn, đây được coi là bộ phim ghi dấu ấn đặc biệt của ông.

Hà Văn Trọng là người sống tình cảm, chu đáo, ân tình, thẳng thắn với bạn bè, đồng nghiệp. Đóng góp của ông trên cả hai lĩnh vực sân khấu và phim ảnh rất đáng trân trọng. NSƯT Hà Văn Trọng và NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh, NSND Trọng Khôi… là những ngôi sao sáng, làm nên nền móng vững chắc cho nền sân khấu và điện ảnh nước nhà.

Chú thích ảnh
Hà Văn Trọng trong phim “Cảnh sát hình sự”
Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Hà Văn Trọng vai Trung tá Bảo trong phim “Trừng phạt”. Ảnh cắt từ phim
Chú thích ảnh
Poster phim “Trừng phạt”
Chú thích ảnh
Hà Văn Trọng và nghệ sĩ Thanh Tú trong phim “Biển lửa”. Ảnh do Thanh Tú cung cấp
Chú thích ảnh
Hà Văn Trọng trong phim “Chuyện phố phường”. Ảnh trên mạng Wikipedia

  Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm