Nhớ Hoàng Cát - nhà thơ "đi xe máy một chân"

05/07/2024 08:22 GMT+7 | Văn hoá

Vừa chạm vào tháng 7, tháng Đền ơn đáp nghĩa, nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã vội phiêu du miền mây trắng, gửi lại cõi tạm tuổi 83 (1942-2024) trong nỗi nhớ thương của gia đình, bạn hữu và người yêu văn chương sau một thời gian dài kiên cường chống chọi với bệnh tật.

Các bạn văn gửi lời chia buồn thống thiết đến gia đình: "Vượt qua bao nhiêu gian khó, éo le, nhà thơ Hoàng Cát, thương binh Hoàng Cát đã sống thật tử tế đúng nghĩa một Con Người viết hoa. Khổ đau, bầm dập chẳng là gì nữa, anh đã bay vào cõi mênh mang. Nhẹ nhàng, nhẹ nhàng như một áng mây vàng chiều Thu. Hoàng Cát ơi, anh bay nhé!" (nhà thơ Nguyễn Hữu Quý). "Xin cúi đầu tiễn biệt ông. Ông là một nhà thơ đặc biệt với những thăng trầm trong đời sống và tính cách. Ông là một người lính và chiến tranh đã cướp đi một phần cơ thể, ông phải đi bằng một chân giả. Nhưng ông là một con người, một nhà thơ sống ngay thẳng, trung thực, tràn ngập yêu thương và không bao giờ đi vòng trên đường đời và trong sáng tạo thơ ca" (nhà thơ Nguyễn Quang Thiều)...

Bức chân dung tự họa nồng ấm

Tôi gặp nhà thơ Hoàng Cát trong nhiều sự kiện của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội và có lẽ là ấn tượng nhất từ lần gặp đầu tiên tại cơ quan tôi (Vụ Văn hóa Văn nghệ). Ngày đó, anh là khách quý, thường trực của Vụ trưởng - nhà văn Đỗ Kim Cuông. Hai người gặp nhau lúc nào cũng tay bắt mặt mừng, tưng bừng vui vẻ. Anh Cuông cho biết hiện trong cơ thể anh Hoàng Cát vẫn còn mảnh đạn nằm trong hộp sọ, chân trái đã gửi lại chiến trường, anh ấy chung thân với chiếc chân giả nhưng đi xe máy "siêu" hơn cả thanh niên.

Nhớ Hoàng Cát - nhà thơ "đi xe máy một chân" - Ảnh 1.

Nhà thơ Hoàng Cát. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Thì ra, Hoàng Cát là nguyên mẫu trong truyện ngắn Người đi xe máy một chân của nhà văn Đỗ Kim Cuông. Hài hước, anh nói về chiếc chân giả: "Trời ơi chân giả tháo ra/ Cò cò lết lết như là trẻ con", "Không chân thật thì đi bằng chân giả/ Miễn trong tim là thật máu của mình". Anh tặng sách, kể cho nghe nhiều chuyện không e dè, giấu giữ, kể cả những biến cố thăng trầm trong cuộc đời...

Tiếp xúc với anh, ai cũng nhận thấy sự chân thành, hồn nhiên, hoan hỉ, thoải mái... qua "tổng thể" từ ánh mắt long lanh, mái tóc phiêu bồng cuộn mây ôm trán cao, khóe miệng duyên cười vô tư, cả cái bừng bừng đỏ mặt bất chợt... Dịu dàng là thế nhưng sự nóng nảy thì cũng không chịu nhì ai. Anh tự họa chân dung mình:

Vẫn bít rít quần "gin", phông cộc

Mặc kệ trên đầu rợp trắng mây trôi

(Còn ngày nào)...

Tám mươi tuổi, hồn vẫn xanh tươi lắm

Thơ vẫn dạt dào tuôn chảy xa…

Mai sau hóa kiếp vào đất cát

CÁT lại tưng bừng dâng hoa tươi...

Là người Nam Đàn (Nghệ An) gắn bó với Hà Nội, anh mang phẩm tính của "đồ Nghệ" vui tính, trải lòng hóm hỉnh về quê hương và tiếng Nghệ:

Năm mươi năm sống trửa lòng Hà Nội

Nỏ khi mô tui quên được quê nhà

Nhớ mần răng mà hấn nhớ diết da

Sèm được nghe "ri tê" cho sướng rọt!

...Tiếng Nghệ choa ơi! Răng mi hay rứa thế!

Nhờ có mi hình - mà choa góa thi nhân

Choa buồn, choa vui, choa nhởi, choa mần...

Nhưng nỏ khi mô choa quên tình - tiếng Nghệ!

Trên hết thơ vẫn là nơi vịn đỡ, động viên, nâng niu, gửi gắm bao buồn vui, nhân tình thế thái. Anh thừa nhận: "Chỉ có thơ là xua tan hết/ Buồn vui chen lẫn tận tâm can"; "Ta cảm ơn thơ - cảm tạ đời/ Sống đời có ích - thế là vui"; "Đời thi nhân - còn diễm phúc nào hơn"...

Mỗi ngày, Hoàng Cát gửi nỗi niềm vào thơ nhật ký hàng ngày. Thơ Hoàng Cát chính là bức chân dung tự họa của chính mình giản dị, nồng ấm yêu thương, sôi nổi, đằm thắm, chân thực... Cuộc đời dẫu bao biến cố nhưng thấy anh là thấy nụ cười, chạm ánh mắt long lanh... Hoàng Cát không biết giấu cảm xúc. Thơ là người, là chính cuộc đời anh. Mọi niềm vui, nỗi buồn sẽ thấy trong thơ. Đọc thơ anh thấy dấu ấn cuộc sống ở mọi phía, ở mọi mảng miếng, góc độ.

Đã có lúc, nhà thơ đã chạm vào nỗi tuyệt vọng "Chỉ muốn nằm cho cỏ mọc trên lưng" (Buồn hoang)... Song, nhà thơ không trách giận ai "chỉ tủi buồn. Không giận/ Chỉ xót xa thân phận Con Người... Và thương lắm! Kế mưu sinh lầm lụi/ Bao cuộc đời cùng chịu kiếp như tôi" (Tôi đang sống).

Là người lính, ký ức trận mạc luôn đau đáu tâm can: "Tôi cụt chân, Linh cáng cứu tôi/ Địch xả liên thanh, Linh nát người/ Máy bay đổ quân, chặt Linh thành hai mảnh/ Tôi đã chôn biết bao bè bạn/ Giữa tim tôi, giữa tuổi trẻ đời tôi"...

Dạt dào, trẻ trung trong tình yêu, tình đời

Tình yêu là một mảng thơ quan trọng trong thơ anh "Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ, không thương một kẻ nào" (Xuân Diệu). Thơ Hoàng Cát rạo rực, bùng cháy, dạt dào, trẻ trung trong tình yêu: "Anh yêu em! - dù trời đất thế nào/ Dù tuổi trẻ đời anh không còn nữa/ Anh yêu em! - với nồng nàn sức lửa/ Với khát khao ào ạt biển bờ/ Anh yêu em!- với tất cả hồn thơ/ Với tất cả đắm say anh vốn có/ Mai anh chết vào đất rồi chăng nữa/ Thì còn đây: Thơ anh tặng em đây" (Anh yêu em!); "Tóc anh trắng trên đầu nức nở/ Tim vẫn hồng nhịp đập thương yêu" (Buông neo)...

Nhớ Hoàng Cát - nhà thơ "đi xe máy một chân" - Ảnh 2.

Tập thơ "Cõi người" của Hoàng Cát

Thơ anh là minh chứng cho tình yêu không tuổi: "Tám mươi tuổi chẵn, còn hun lửa/ Còn nuối thanh xuân, đắm đuối yêu". Tự thú "Trái tim ta là sợi dây đàn/ Khao khát ngân rung - dưới bàn tay người đẹp/ Bất chợt gió tràn qua - cơn bão xiết/ Muôn ngàn âm thanh rạo rực trào dâng" (Lời của sợi dây đàn)...

Ngôi sao biếc là tập thơ anh yêu thương tặng người vợ thủy chung, tảo tần: Em thân yêu! - Em là Ngôi sao biếc/ Dẫn anh qua sa mạc mịt mùng/ Để sớm mai nay bất ngờ nắng rạng/ Anh được bàng hoàng, ngơ ngác trước dòng sông". Nhà thơ tự thấy mình như "cây trơ trọi giữa mùa Đông/ Xơ xác lá, toác cành, trốc rễ" và nhân vật "Em" đã đến "lặng lẽ làm mưa, dịu nhẹ/ Sẽ ra sao cuộc đời anh, em nhỉ/ Nếu không em làm điểm tựa tháng ngày?". Anh bày tỏ lòng biết ơn chân thành, cảm động: "Cảm ơn em đã truyền lửa cho anh/ Để năm tháng không trở thành băng giá/ Để khổ đau không quật anh gục ngã... Xin cảm tạ trái tim em tri kỷ/ Đã cùng anh san sẻ mọi đắng cay"...

Hồn nhiên là thế, nhưng thơ Hoàng Cát có chút chạnh lòng trước biến đổi thời gian, giới hạn của tuổi tác. Mái tóc nghệ sĩ phiêu bồng được anh nhắc trong nhiều bài thơ có chút thảng thốt với: "Bất ngờ tóc trắng rụng đầy tay", "tóc anh trắng rồi", "tóc trắng xóa trên đầu", "trên đầu rợp trắng mây trôi"... Quy luật cuộc sống là vậy, biết đến có chút ngậm ngùi "Loanh quanh đã xế chiều rồi/ Trời ơi, một cái kiếp người cũng nhanh!"; "Lại thêm một quãng đời đã ở lại phía sau ta /Đẩy ta nhanh hơn đến miền vĩnh cửu...".

Bệnh tật đeo bám, nhưng Hoàng Cát kiên cường đến lạ. Anh an nhiên đón nhận cuộc sống và cả cái chết đến bất cứ lúc nào "Tôi chưa chết, đấy mới là chuyện lạ"; "Ăn - chẳng thiết/ Chơi cờ - chẳng thiết/ Chỉ muốn nằm cho cỏ mọc trên lưng" (Buồn hoang).

Nhà thơ đã sẵn sàng chuẩn bị tâm thế ra đi: "Ai chẳng phải một lần Đi mãi mãi/ Đi không về. Đi vào Cõi mênh mông" (Làm nũng)... An nhiên với cái chết và tự tính: "Tôi "lãi" thế bởi đã nhiều chết hụt" (Tôi đang sống...).

Nhà thơ quý trọng mỗi giây phút cuộc đời. Sau bao biến cố cuộc đời, anh tìm đến sự an nhiên, thanh thản "Mỗi ngày sống - với tôi, giờ đây đều rất tuyệt/ Trong cô đơn, tôi nghe Mozart/ Beethoven, Chopin, Subert, và Bach/ Tôi tan chảy vào âm thanh tuyệt đích/ Âm nhạc và Thi ca/ Đó là Hạnh phúc lớn lao có thật/ Tắm đẫm nhạc – xác thỏa lòng nhắm mắt/ Hòa tâm huyết vào thơ – hồn thanh thản buông neo" (Chào).

Thơ phải viết bằng gan ruột

Nói như nhà thơ Phạm Đình Ân, "Hoàng Cát thuộc số ít những nhà thơ chuyên nghiệp luôn luôn thủy chung đến mức quá gắt gao, tận tụy đối với thơ hiện đại kiểu truyền thống... Thơ ông thẳng đuột, bung phá, cực đoan. Nhiều khi không cần ám dụ, không muốn ám dụ để cho thơ đạt đến độ chân thực tối đa. Thơ mạnh mẽ tuôn ra từ đáy lòng, cuồn cuộn xúc cảm. Thơ bùng cháy".

Hoàng Cát cho rằng: "Thơ phải viết bằng gan ruột, bằng nỗi đau đớn khôn nguôi. Nỗi đau gan ruột đó được cảm xúc khơi gợi, cảm xúc đến tột độ mới có thể viết được câu thơ, bài thơ"; "Là thi ca cảm xúc phải tràn bờ/ Cái vô giá thi ca là tình cảm/ Là tâm hồn, mọi cung bậc sâu, nông".

Với anh, thơ giàu cảm xúc, đi vào lòng người không thể là thứ thơ khô vụn, nhạt nhòa: "Thơ ngày nay như ngói vụn khô cong/ Hoặc nhạt nhẽo, không âm thanh, nhịp điệp/ Hoặc dửng dưng, vô cảm". Thế nên: "Thơ là nỗi trào dâng bao cảm xúc/ Là buồn đau, là vui sướng mê ly/ Là Hy vọng và cũng là thất vọng/ Trước những cảnh đời sum họp, biệt ly". Anh ưa làm thơ tự do phóng túng nhưng "Thơ không thể trúc tra, trúc trắc/ Méo trẹo hàm, không đọc nổi câu thơ/ Thót cả ruột, tim như hòn đá chặn/ Đọc câu văn - nghe lục cục đá xô"...

Dẫu cuộc đời nhiều biến cố, thơ Hoàng Cát vẫn thanh khiết, trong trẻo một cách lạ thường: "Ta muốn hét, ta muốn gào thật lớn/ Cuộc sống mến yêu - người đẹp quá chừng/ Có phải thế chăng - ta rồi vĩnh biệt/ Nên nhìn đâu cũng thấy đẹp rưng rưng" (Lãng mạn)...

Nhà thơ Hoàng Cát xem "Nghề văn là một nghề vô cùng cao quý cho dù nhà văn có thể rất nghèo. Nếu xã hội đã không biết quý trọng một cách đặc biệt các nhà văn, nhà thơ chân chính nữa – thì đấy là một xã hội man rợ, một xã hội bỏ đi. Là con người thật sự, con người đúng nghĩa, là Con Người - không thể thiếu thi ca, không thể thiếu văn học. Nếu có kiếp sau, xin cho tôi lại là thi sĩ". Dẫu, nhà thơ hiểu sự "nhỏ bé", hữu hạn trước cái vô hạn: "Làm thi nhân - là khổ lắm nghe em/ Tim ta bé. Mà địa cầu quá lớn/ Ta có thể cho nhau màu năm tháng/ Nhưng làm sao cho hết cả thiên hà" (Gửi người phương xa). Dẫu vậy, với Hoàng Cát ý thức, trách nhiệm của người chiến sĩ - thi sĩ là cầm bút, là viết: "Viết để thanh lọc mình trước hết"; viết để "cho vơi bớt bầu tâm sự/ Lắng đọng trong hồn bao tháng năm"; viết cho đến khi:

"Viết cho tới khi cạn kiệt hết sức hơi

Cho tận lúc trời không cho viết nữa"...

"Ta muốn hét, ta muốn gào thật lớn/ Cuộc sống mến yêu - người đẹp quá chừng/ Có phải thế chăng - ta rồi vĩnh biệt/ Nên nhìn đâu cũng thấy đẹp rưng rưng" (thơ Hoàng Cát).

Vài nét về nhà thơ Hoàng Cát

Nhà thơ Hoàng Cát sinh ngày 01/01/1942; quê quán xá Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1960, anh rời quê ra Hà Nội học trường Trung cấp Kỹ thuật 1. Năm 1965, anh nhập ngũ, vào chiến đấu tại Thừa Thiên - Huế. Bị thương năm 1969 ở Quảng Nam, nhưng phải sau một năm chuyển dịch qua các binh trạm dọc đường Trường Sơn, anh mới ra được miền Bắc điều dưỡng và lắp chân giả...

Những tập thơ được xuất bản: "Tháng Giêng dai dẳng"(1991); "Ngôi sao biếc" (1994); "Mùa thu tình yêu cuộc đời" (1999); "Thì hãy sống" (2002); "Cảm ơn vỉa hè" (2006); "Thanh thản" (2008); "Tuyển tập thơ Hoàng Cát" (2009); "Cảm tạ cuộc đời" (2015); "Ngày xưa tuyệt bích" (2018); "Cảm tạ trời xanh", "Tia nắng cuối" (2022); "Cõi người" (2023). Ngoài thơ, anh có 1 tập truyện ngắn "Chuyện tình của Xin" (2005).

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm