Nhớ họa sĩ Nguyễn Thụ: Một ký hiệu hội họa rất riêng

28/06/2023 07:35 GMT+7 | Văn hoá

Nguyễn Thụ (12/12/1930 - 24/6/2023) ngoài việc dành cả đời vẽ tranh lụa, ông còn là giảng viên mỹ thuật tiêu biểu, được phong hàm phó giáo sư (1984), danh hiệu Nhà giáo nhân dân (1989). Năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương của nhiều thế hệ đồng nghiệp và học trò. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của họa sĩ Nguyễn Hoàng Linh (giảng viên Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa), một học trò cũ, viết về thầy.

1. Nói đến tranh lụa Việt Nam, chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến các họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Vũ Giáng Hương, Nguyễn Thụ, Linh Chi, Kim Bạch… So với các tiền bối và họa sĩ cùng thời, Nguyễn Thụ có quan niệm riêng về nhân sinh, về ngôn ngữ tạo hình, về kỹ thuật thể hiện chất liệu, cũng như về chính cuộc sống của ông.

Nguyễn Thụ sinh ra và lớn lên ở huyện Hoài Đức, một vùng quê ngoại thành Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia bộ đội, chuyên vẽ báo, vẽ tranh tuyên truyền... Năm 1949, ông được cử đi học lớp vẽ cho bộ đội do các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Khang và kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật giảng dạy. Năm 1955, chính thức được nhận khóa Mỹ thuật kháng chiến (còn gọi khóa Tô Ngọc Vân) cùng các đồng đội như như Văn Đa, Quang Thọ...

Nhớ họa sĩ Nguyễn Thụ (12/12/1930 - 24/6/2023): Một ký hiệu hội họa rất riêng - Ảnh 1.

Họa sĩ Nguyễn Thụ. Ảnh: VNP

Năm 1962, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông được giữ lại trường làm giảng viên. Tham gia triển lãm, giảng dạy tại nhiều nước như Bulgaria, Nga, Đức, Pháp, Thái Lan… Ông lần lượt giữ các chức vụ quan trọng như Phó Hiệu trưởng (1979-1984), Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam (1985-1991). Ông cũng từng tham gia Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa II (1983-1989)…

Có thể nói, nghệ thuật tranh lụa của Nguyễn Thụ là rất khác biệt, nhưng lại rất dễ hiểu, một phong cách rất dễ nhận biết. Điều này bộc lộ rất rõ qua các tác phẩm của ông, với đề tài chính mà ông yêu mến và thể hiện trong suốt cuộc đời: Phong cảnh và cuộc sống con người vùng cao, trong đó hình tượng chủ yếu là người phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao. Nguyễn Thụ là một trong số ít họa sĩ rất thành công về đề tài này.

Nhớ họa sĩ Nguyễn Thụ (12/12/1930 - 24/6/2023): Một ký hiệu hội họa rất riêng - Ảnh 2.

2. Trong các tác phẩm của ông, dù là chân dung hoặc tranh phong cảnh đều lấp ló, ẩn hiện đâu đó hình ảnh người phụ nữ vùng cao Việt Bắc, là những cô gái, những em bé Thái, Mường, Tày, Nùng... Hình ảnh người phụ nữ vùng cao trong tranh của ông thường đơn giản về hình thể, đường nét, màu sắc giàu tính trang trí. Điều này đã góp phần rất lớn vào việc tạo nên tên tuổi riêng của ông trong nghệ thuật tranh lụa Việt Nam.

Nhớ họa sĩ Nguyễn Thụ (12/12/1930 - 24/6/2023): Một ký hiệu hội họa rất riêng - Ảnh 3.

Tác phẩm “Làng ven núi” (lụa, 1976) của Nguyễn Thụ

Có lẽ bởi vì người phụ nữ đã ở bên ông cả cuộc đời là người dân tộc thiểu số (dân tộc Tày), nên dường như, vẻ đẹp người phụ nữ trong tranh của ông chính là hiện thân vẻ đẹp của người vợ hiền mà ông đã gắn bó, yêu thương suốt cuộc đời.

Trong ngôn ngữ tạo hình, tranh lụa của Nguyễn Thụ ngoài tính trang trí, thì còn giàu ước lệ về bố cục, có những khoảng trống rất Á Đông. Trong tranh của ông, cảnh vật và con người được dàn đều lên mặt tranh theo lối đồng hiện, tận dụng triệt để ưu thế của nét và mảng, sự buông thả có dụng ý của bút pháp, nét duyên dáng của sự tình cờ.

Nhớ họa sĩ Nguyễn Thụ (12/12/1930 - 24/6/2023): Một ký hiệu hội họa rất riêng - Ảnh 4.

Tác phẩm “Mẹ con” (lụa) của Nguyễn Thụ

Hầu hết các họa sĩ vẽ tranh lụa đều vẽ tranh theo quy trình, bắt đầu từ ý tưởng phác thảo, xây dựng bố cục phác thảo, phóng hình và thể hiện. Nhưng họa sĩ Nguyễn Thụ thì khác, từ những ghi chép, ghi nhớ khi đi thực tế, hoặc từ một vài mảnh ký ức, hoặc một gợi ý từ người thân, ông chỉ cần một vài nét phác thảo để định hình, sau đó là hoàn toàn vẽ trực tiếp trên bề mặt lụa, cả về bố cục, đường nét, mảng miếng, màu sắc. Tóm lại, ông gần như trực họa… trên tranh lụa.

Chính điều này làm tranh của ông luôn có những hiệu quả thị giác đầy bất ngờ, đôi khi với cả chính ông. Làm cho những vẻ đẹp của cảnh vật, sự vật, con người mà ông miêu tả, dù quen thuộc, nhưng không bao giờ lặp lại. Đây cũng là một phong cách, một ký hiệu hội họa rất riêng của Nguyễn Thụ.

Nhớ họa sĩ Nguyễn Thụ (12/12/1930 - 24/6/2023): Một ký hiệu hội họa rất riêng - Ảnh 6.

Tác phẩm “Thiếu nữ” (lụa) của Nguyễn Thụ

Cứ như vậy, một đời bình dị, luôn lắng nghe và mỉm cười, nói rất ít và giàu biểu cảm, họa sĩ Nguyễn Thụ đã đi qua cuộc đời này với sự êm ả của số phận, cống hiến rất nhiều cho mỹ thuật nước nhà. Một nhân cách giản dị mà cao cả, nhẹ nhàng mà sâu sắc, một tài năng lớn, tiêu biểu của tranh lụa Việt Nam. Một ngôi sao vừa nhẹ nhàng bay về trời.

Các huân chương và giải thưởng


Nguyễn Thụ được trao Huân chương Lao động (hạng Nhì), Huân chương Chiến thắng (hạng Ba). Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật. Các giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc: giải Nhất (1980), giải Nhì (1990, 1976), giải Ba (1960)… Tác phẩm của ông được lưu giữ trong nhiều bảo tàng mỹ thuật, trong nhiều bộ sưu tập tư nhân ở rất nhiều nước.

Nguyễn Hoàng Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm